Bộ Nội vụ: Hà Nội phải xử lý sai phạm tuyển dụng viên chức trước 15/4

(Dân trí) - Bộ Nội vụ vừa chính thức gửi văn bản tới UBND Thành phố Hà Nội để thông báo kết luận của Đoàn kiểm tra về vụ việc xét tuyển viên chức giáo dục năm 2015. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội phải triển khai thực hiện kết luận và có văn bản báo cáo gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15/4.

Công văn 1227 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Ngày 8/3/2016, Đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ (có sự tham gia của lãnh đạo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2015. Căn cứ ý kiến của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và kết luận của Đoàn Kiểm tra, Bô Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương và nghiêm túc thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, nghiêm tục thực hiện các ý kiến tại Văn bản số 70/KtrVB-RSHTH&HN ngày 5/2/2016 của Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp để xử lý những sai phạm trong việc ban hành công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD và trả lời Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, kiểm tra, rà soát việc xét tuyển viên chức ngành giáo dục tại các quận huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2015 theo đúng quy định của pháp luật. Quận, huyện, thị xã nào đã thực hiện việc tuyển dụng không đúng quy định của pháp luật thì phải hủy bỏ kết quả tuyển dụng.

Kết luận của Đoàn kiểm tra về những lùm xùm trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2015 của Hà Nội
Kết luận của Đoàn kiểm tra về những lùm xùm trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2015 của Hà Nội

Tiến hành kiểm điểm nghiêm túc và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc tham mưu, đề xuất và quyết định việc hướng dẫn tuyển dụng viên chức không đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc xem xét, giải quyết dứt điểm các đơn thư, kiến nghị, khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Trước đó, văn bản số 70/KtrVB-RSHTH&HN ngày 5/2/2016 của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp gửi UBND Thành phố Hà Nội khẳng định: Quyết định số 3446/QĐ-UBND và Công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD được ban hành dưới hình thức văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật (như: Quy định về quy đổi điểm học tập và điểm tốt nghiệp; một số quy định về điều kiện đối với người đăng ký dự tuyển viên chức;...) là không phù hợp với quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số nội dung của Quyết định số 3446/QĐ-UBND và Công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD có dấu hiệu không phù hợp với pháp luật hiện hành, cụ thể như sau:

Quy định về quy đổi điểm học tập và điểm tốt nghiệp tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 3446/QĐ-UBND và mục 6 Công văn số 2973/SNV-ĐTBDTD là không có cơ sở pháp lý. Qua rà soát cho thấy, hiện nay pháp luật chưa quy định về nội dung này và cũng không có quy định giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về quy đổi điểm học tập và điểm tốt nghiệp trong xét tuyển viên chức.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trường hợp tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển thì căn cứ để thực hiện việc xét tuyển là kết quả học tập (bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp) của người dự tuyển .

Quy định về chấm phúc khảo bài thi viết tại Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 3446/QĐ-UBND là không phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức; Quy chế tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức và Nội quy kỳ thi tuyển, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Theo quy định tại Điểm a.2 mục IV.3 Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3446/QĐ-UBND thì bài thi viết thuộc nội dung thực hành để kiểm tra, sát hạch về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Trong khi đó tại Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 16/2012/TT-BNV quy định “không thực hiện việc phúc khảo đối với nội dung phỏng vấn hoặc thực hành”.

Quy định về một số mã ngạch viên chức đối với giáo viên (giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học) tại Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3446/QĐ-UBND không thống nhất với quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin .

Quy định về điều kiện đối với người đăng ký dự tuyển viên chức phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội tại mục II.1 Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3446/QĐ-UBND là không phù hợp với quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức tại Điều 22 Luật Viên chức năm 2010 và hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, một số quy định về điều kiện đối với thí sinh dự tuyển ngạch giáo viên tại mục II.2 Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3446/QĐ-UBND không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005 (Khoản 3 Điều 65 quy định văn bằng, chứng chỉ do trường dân lập, trường tư thục, trường công lập cấp có giá trị pháp lý như nhau; Điều 67 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, theo đó, giáo viên tiểu học cần có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).

Một số quy định khi thu, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại mục III.2 Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3446/QĐ-UBND là không phù hợp với quy định tại Điều 3 và Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

“Đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn tổ chức tuyển dụng viên chức, cần thiết phải có các quy định pháp luật để điều chỉnh, UBND thành phố Hà Nội cần đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản để quy định cho phù hợp” – Cục kiểm tra văn bản khuyến cáo Hà Nội.

Nguyễn Hùng