Bạn đọc viết:

“Bố mẹ ở Việt Nam rất lạc hậu, cứ bắt con học ngày nghỉ lễ”

(Dân trí) - Kì nghỉ Tết dương lịch, tôi bảo con trai mỗi ngày tự học tiếng Anh ở nhà 1 tiếng. Con trai tôi nhăn mặt, phản ứng ngay chuyện mẹ bắt học và lý sự: “Bố mẹ ở Việt Nam rất lạc hậu, ngày nghỉ lễ cũng bắt con học, ở bên Tây không thế, trẻ con được đi chơi khắp nơi.”

Kì nghỉ Tết dương lịch đến rồi, được nghỉ thêm 1 ngày mà tụi trẻ rất vui mừng. Nhiều gia đình có kế hoạch cho con về quê chơi. Gia đình tôi vẫn đi làm đồng nghĩa với việc con chỉ loanh quanh chơi ở nhà.

Tôi hỏi chuyện bài vở, con trai lớp 5 nói không có bài, con gái lớp 1 nói con có bài tập viết. Tôi nói, có 3 ngày nghỉ, con trai mỗi ngày tự học tiếng Anh ở nhà 1 tiếng, con gái học hết bài cô giao. Con trai tôi nhăn mặt, phản ứng ngay chuyện mẹ bắt học. Con nói đã thi học kì xong xuôi, không có bài về nhà mà mẹ cứ bắt học là không đúng. Thậm chí con còn lý sự khiến tôi phải ngơ ngác một lúc và “đứng hình” vài giây. Con nói hồn nhiên mà bắt bẻ:

- Bố mẹ ở Việt Nam rất lạc hậu, ngày nghỉ lễ cũng bắt con học, ở bên Tây không bao giờ như thế, trẻ con được đi chơi khắp nơi.

- Ừ đúng con nhỉ, các bạn được bố mẹ đưa đi trượt tuyết, tham quan du lịch, vui chơi. Các bạn bên Tây cũng không phải học quá nhiều ở cấp 1 như ở Việt Nam, lớp 5 mà đã học nhân chia số thập phân, quá khó.

- Ngày nghỉ lễ, các bạn về quê, con không được đi đâu thì mẹ phải cho con chơi chứ, xem hoạt hình, chơi game, mẹ đã hứa con thi xong mẹ cho con chơi, mẹ quên à?

- 1 tiếng học ở nhà cho ngày nghỉ và được chơi điện tử con nhé.

Con tôi đồng ý với phương án của mẹ mặc dù không thoải mái khi mẹ cứ nhất quyết chèn thêm vào ngày nghỉ 1 tiếng học bài. Tôi phân tích với con, ôn bài cũ là để con không quên kiến thức, nhất là với môn tiếng Anh rất khó, mẹ lại quá kém môn này, con cần tự giác ôn luyện. Tôi tìm cách phân tích, động viên để hóa giải nỗi ấm ức mẹ cứ bắt học cho con hiểu.

Thi học kì 1 đã kết thúc ở cấp tiểu học và các con chưa biết điểm. Nhưng ở cấp THCS, các bạn học sinh quanh nhà tôi đã biết điểm thi. Có cháu 5 năm học sinh giỏi cấp 1 mà lên cấp 2 học vẫn chuệch choạc vì nhiều bài kiểm tra lấy điểm, thi học kì có môn chỉ đạt điểm 5. Cháu A. kể, lớp cháu là lớp chọn của khối 6 mà vẫn có vài bạn thi chỉ được 4 điểm. Cháu B. học lớp thường thì còn thảm hại hơn khi điểm thi toán là điểm 2. Tôi được mẹ cháu A rỉ tai kể chuyện chứ biết cháu B. học đuối nên tránh việc hỏi điểm bố mẹ cháu.

Xét cho cùng, cấp 1 học vẫn là dễ nhất, cấp 2 đã căng thẳng với chuyện chia lớp theo học lực, các bạn giỏi vào 1 lớp, các bạn dốt ở 1 lớp. Bố mẹ ai cũng mong con được vào lớp chọn khối 6, vậy thì con học lớp 5 chính là năm học quan trọng nhất, con phải cố gắng bằng mọi giá, phấn đấu cật lực để kiếm 1 suất vào lớp chọn. Thảo nào, lớp con tôi, các bạn đua nhau đi học thêm để thi học kì đạt điểm cao.

Vì sao tôi vẫn “thờ ơ” với chuyện học thêm của con? Tôi chỉ muốn con được học vừa sức, vẫn có thời gian vui chơi cùng chúng bạn, không bị áp lực bởi điểm thi. Tôi đã chứng kiến một vài bạn học sinh, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, không hề biết đến chuyện ra ngoài chạy nhảy vui chơi, các cháu học chán chê thì cắm đầu vào chơi game, xem tivi, không thiết tha gì chuyện kết bạn thân thiết với ai đó xung quanh. Có lẽ bố mẹ các cháu mừng vì con chăm học, con ngoan mà không nhận ra con mình rất cô đơn khi không có bạn. Bởi vì trẻ nhỏ biết đâu là vùng chơi an toàn thân thiện, chỉ vài lần rủ rê bạn đi chơi mà bạn từ chối thì các em tự tránh xa các bạn mọt sách.

Làm thế nào để các con vui học thực ra không quá khó. Hãy lắng nghe ý kiến của con, con rất muốn được cha mẹ coi trọng sở thích cá nhân. Nếu cha mẹ chỉ thích những đứa con ngoan, răm rắp nghe lời thì đó chỉ là những đứa trẻ rô bốt vô cảm và khi bị cha mẹ kìm hãm cả quyền nói thì sớm muộn những đứa trẻ ấy sẽ “nổi loạn” chống đối lại cha mẹ.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục