Bố mẹ nêu quan điểm, con bị trường quốc tế buộc thôi học

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh lên tiếng, phản đối về học phí trong mùa dịch Covid-19 và những vấn đề học tập ở Trường Quốc tế Việt Úc. Sau đó, nhà trường đã buộc một số học sinh thôi học.

Ngày 30/6, một số phụ huynh Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) nhận được thư thông báo về việc không thể tiếp nhận con họ theo học tại trường từ năm học 2020-2021. Hơn 40 phụ huynh học sinh của trường nhận được thông báo này. 

Trong khi dư luận vẫn chưa giải thích nổi cách hành xử của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài trong nhóm quy mô lớn nhất ở TPHCM thì nhiều học sinh bị buộc thôi học từ thông báo này ít nhiều bị ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt là các em cuối cấp, đã gắn bó với bạn bè, thầy cô tại trường hơn chục năm qua.

Bố mẹ nêu quan điểm, con bị trường quốc tế buộc thôi học - 1

Thư thông báo của nhà trường gửi phụ huynh về việc buộc học sinh thôi học trong năm học mới.

Chị H.N., có con học tại trường VAS - người lên tiếng phản đối về chính sách học phí của trường trong đợt nghỉ dịch Covid-19 vừa rồi cùng nhiều vấn đề chất lượng giáo dục ở trường - cũng nhận được thư thông báo con bị buộc thôi học. 

Khi nhiều học sinh nhận được quyết định buộc thôi học của trường vì... phụ huynh, chị bất ngờ vì cách hành xử của nhà trường nhưng lại không quá ngạc nhiên khi trong đó có con mình. Đầu năm học 2019-2020, chị N. là người đã lên tiếng về suất ăn lèo tèo, nhìn muốn khóc xảy ra tại cơ sở Sala của trường. 

Chị và nhiều phụ huynh lên tiếng vì mong muốn góp phần cải thiện môi trường giáo dục các con theo học, góp ý để trường tốt hơn, lên tiếng một cách văn minh. Việc bố mẹ lên tiếng và việc chuyển con khỏi trường là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Bà mẹ cho biết mình đã có kế hoạch chuyển trường cho con từ trước, mọi việc đã xong xuôi chỉ chờ kết thúc năm học. Và dù không đồng tình với chính sách học phí của trường, chị vẫn đóng học phí đầy đủ. 

Chị không thể nào hiểu nổi, vì không tìm được nói chung với phụ huynh, nhà trường lại buộc thôi học... những đứa trẻ. Và chị càng thấy, việc mình chuyển trường cho con là cần thiết.

Chị N. cho biết, khi sự việc đã kéo những đứa trẻ vào cuộc, ảnh hưởng đến con cái, chị sẽ không lên tiếng nữa. Mọi tranh chấp giữa hai bên, bây giờ đúng sai chờ tòa án giải quyết. Trước đó, chị và nhiều phụ huynh nhờ luật sự kiện trường ra tòa trong tranh chấp về học phí. 

Một phụ huynh có con học tại trường cho biết, mình đóng học phí đủ cho năm học 2019-2020, cũng đã làm việc chuẩn bị đóng học phí cho năm sau. Gia đình không ý kiến về việc phản đối học phí, không tham gia đến trường phản đối học phí, hoặc kiện nhà trường...

Chỉ có duy nhất một việc, gia đình trao đổi với trường về việc con mình không tiếp thu được bài giảng, để hai bên tìm cách khắc phục. Mới đây, gia đình bất ngờ cũng nhận được thông báo "buộc thôi học" từ nhà trường mà cứ tưởng là... giấc mơ.

Bố mẹ nêu quan điểm, con bị trường quốc tế buộc thôi học - 2

Phụ huynh Trường quốc tế Việt Úc tập trung đến trường yêu cầu trường đối thoại về chính sách học sinh tỏng đợt nghỉ dịch Covid-19.

Cần rạch ròi quan hệ giữa nhà trường - phụ huynh, nhà trường -học sinh

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc phụ huynh công khai bày tỏ quan điểm về vấn đề thu phí mùa dịch Covid-19, thậm chí đưa vụ việc ra tòa án dân sự là một việc làm văn minh, cần được tôn trọng. Nếu trường tự tin là mình đúng thì không nên sợ hãi trước động thái của phụ huynh, mà nên chờ đợi phán quyết của tòa dân sự.

Nếu tòa phán quyết là phụ huynh đúng, và chính sách của trường chưa đúng thì sao? Tại sao trường lại hành xử độc đoán khi chưa có một cơ quan trung gian làm trọng tài phán xử chính thức và cuối cùng về vụ việc?

Thông báo của nhà trường có ảnh hưởng đến việc học của học sinh, do vậy trường không nên làm việc này đơn phương và bất ngờ. Trường nên gặp và trao đổi trực tiếp với phụ huynh, sau khi phụ huynh không còn nhu cầu tiếp tục học tại trường nữa, trường mới nên gửi thông báo chấm dứt cung cấp dịch vụ hoặc không tiếp nhận học sinh năm học mới.

Bố mẹ nêu quan điểm, con bị trường quốc tế buộc thôi học - 3

Một số phụ huynh Trường Quốc tế Việt Úc trong buổi làm việc với luật sư vào cuối tháng 5/2020 về việc khởi kiện nhà trường.

Cách hành xử này cho thấy trường không hiểu đúng về quyền học tập của trẻ em được luật bảo vệ, cũng như không phân biệt được rạch ròi hai mối quan hệ: giữa nhà trường với phụ huynh và giữa nhà trường với học sinh.

Bên ngoài khía cạnh pháp lý, ông Nguyên cho hay, về mặt văn hóa và giáo dục, cách hành xử của trường VAS là tiêu cực và không phù hợp với các giá trị của một tổ chức giáo dục. Một tổ chức giáo dục sẽ tôn trọng các quyền của phụ huynh và học sinh, ví dụ những quyền như phản hồi, khiếu nại, thậm chí gửi đơn tới tòa án khi họ thấy chính sách của trường là không công bằng hoặc sai luật.

Phía trường VAS cho rằng, việc không tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường và một nhóm nhỏ phụ huynh trong một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy và học tại VAS. Hành vi và ứng xử của nhóm phụ huynh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực của trường trong việc mang đến một môi trường học tập và giảng dạy trong lành, văn minh tại nhà trường.

Theo nhà trường, việc ngưng tiếp nhận một số học sinh nhằm duy trì trật tự và tiếp tục phát triển một môi trường học tập đáng mơ ước cho hơn 9.000 học sinh VAS như trước đây. Và trường đã cân nhắc xem xét đối với từng trường hợp, trường buộc phải gửi thư thông báo tới khoảng 40 gia đình về việc không thể tiếp tục tiếp nhận con em của họ trong năm học 2020 - 2021

Hoài Nam