Bố mẹ béo phì, con bị ảnh hưởng kỹ năng xã hội

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ, trọng lượng của các ông bố bà mẹ có thể dẫn đến chứng chậm phát triển ở trẻ, ảnh hưởng đến kỹ năng vận động và kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ. Con của những bậc cha mẹ béo phì có nguy cơ gặp khó khăn trong tương tác với người khác.


Trọng lượng của các ông bố bà mẹ béo phì có thể dẫn đến chứng chậm phát triển ở trẻ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trọng lượng của các ông bố bà mẹ béo phì có thể dẫn đến chứng chậm phát triển ở trẻ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu cùa Viện Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em và Phát triển con người của Mỹ (NICHD) đã xem xét số liệu thu được từ hơn 5.000 phụ nữ ở bang New York trong vòng 4 tháng sau khi sinh từ năm 2008 đến năm 2010. Nhà nghiên cứu Edwina Yeung cho biết nghiên cứu này xem xét cả thông tin về những ông bố, và kết quả nghiên cứu cho thấy trọng lượng của người bố cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Để đánh giá sự phát triển của trẻ, các bố mẹ hoàn thành bảng câu hỏi sau khi thực hiện một loạt hoạt động với trẻ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy con của những bà mẹ béo phì dễ bị trượt các bài kiểm tra về kỹ năng vận động tinh (fine motor skill) - tức khả năng kiểm soát sự vận động của các cơ nhỏ, như cơ ngón tay và bàn tay.

Bài kiểm tra này không dùng để phát triển các trường hợp khuyết tật bất thường, mà để phát triển những vấn đề tiềm năng có nguy cơ xảy ra.

Trong nghiên cứu này, trẻ được kiểm tra kỹ năng lúc 4 tháng tuổi, và từ khi đó đến lúc 3 tuổi, trẻ được kiểm tra 6 lần nữa.

Khi đăng ký tham gia nghiên cứu, các bà mẹ này cung cấp thông tin về sức khỏe và cân nặng trước và sau khi mang thai, và cân nặng của các ông bố nữa. So sánh với những đứa trẻ là con của những bà mẹ có cân nặng bình thường, những đứa trẻ là con của những bà mẹ béo phì có thêm 70% nguy cơ trượt bài kiểm tra về chỉ số kỹ năng vận động tinh khi 3 tuổi.

Những đứa trẻ có bố béo phì có hơn 75% nguy cơ trượt bài kiểm tra về lĩnh vực tương tác xã hội - một chỉ số cho thấy trẻ có thể phản ứng và tương tác với người khác khi trẻ 3 tuổi.

Những đứa trẻ có hai bố mẹ béo phì có gần gấp 3 lần nguy cơ trượt bài kiểm tra về kỹ năng giải quyết vấn đề cho đến khi 3 tuổi. Ngoài ra, vẫn chưa biết chắc là tại sao việc bố mẹ béo phì lại ảnh hưởng đến nguy cơ chậm phát triển ở trẻ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những nghiên cứu trên động vật cho thấy béo phì khi mang thai ở người mẹ có thể dẫn đến chứng sưng viêm, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não ở thai nhi.

Xuân Vũ

Theo Hindustan Times