Bạn đọc viết:

Bố mẹ bất đồng về việc chọn quà Tết tặng thầy cô của con

(Dân trí) - Khi tặng quà thầy cô của con, tôi luôn có suy nghĩ là thể hiện lòng biết ơn người đã thay mặt mình dạy dỗ các con. Thế nhưng chồng tôi thì nghĩ khác tôi, anh ấy cho rằng khi mình tặng thầy cô cần phải xem giá trị vật chất tương đối một chút...

Năm nào gần Tết, chồng tôi cũng nhắc nhở tôi mua quà để đến thăm thầy cô giáo của con. Lí do chồng đưa ra là cả năm thầy cô đã vất vả với con mình rồi. Ngày Tết cần thể hiện tình cảm, lòng biết ơn những người đã dạy dỗ con mình nên người.

Tôi luôn biết ơn những thầy cô giáo của con. Đó là những người đã hết lòng dạy dỗ, chăm sóc những đứa con yêu quý của tôi. Sở dĩ con được như ngày hôm nay là nhờ phần lớn công lao dạy dỗ của thầy cô. Ở nhà bao giờ tôi cũng dạy con phải lễ phép, vâng lời và chăm chỉ học hành để xứng công thầy cô. Tôi luôn bảo các con món quà giá trị nhất con tặng thầy cô là sự chăm ngoan học giỏi.

Tết năm nào cũng vậy, tôi thường mua những món quà nhỏ tặng thầy cô của con để bày tỏ lòng biết ơn. Thực ra khi mua đồ, tôi không đặt nặng chuyện giá trị mà chỉ nghĩ đó là tình cảm mình dành cho thầy cô giáo của con. Thế nhưng bao giờ cũng thế, hai vợ chồng tôi thường mâu thuẫn về vấn đề này.

Với tôi, khi mua quà tặng cô, tôi ít khi suy nghĩ đắn đo xem quà này cô có thích không. Hay giá trị món quà như vậy đã được chưa. Tôi cứ nghĩ cái chính là ở tấm lòng của mình. Tặng quà vốn là nét đẹp, phong tục của người Việt. Những món quà tặng thầy cô ở đây không phải là sự đổi chác để thầy cô quan tâm ưu ái con mình hơn. Tôi tặng quà thầy cô luôn có một suy nghĩ là thể hiện lòng biết ơn người đã thay mặt mình dạy dỗ các con. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn giáo dục con sự kính trọng thầy cô giáo mình.

Thế nhưng chồng tôi thì luôn nghĩ khác, anh ấy cho rằng khi mình tặng thầy cô cần phải xem giá trị vật chất tương đối một chút. Tặng mà đơn giản quá cô sẽ nghĩ mình xem thường. Rồi anh sợ cô không thích thứ này, thứ kia. Có khi chồng bảo cứ đưa phong bì cho cô là thiết thực nhất, cô muốn mua gì cũng dễ. Thế nhưng tôi không đồng ý với quan điểm của chồng. Nói qua, nói lại cuối cùng hai vợ chồng tôi đâm ra gay gắt vì chủ đề tặng quà cho cô.

Thế mới thấy chuyện tặng quà cho cô không phải là chuyện nhỏ. Dường như hình ảnh tặng quà thầy cô đang “méo mó” dần trong xã hội. Nhiều người xem nặng giá trị vật chất hơn là tình cảm chân thành. Có nhiều người cứ nghĩ tặng quà thầy cô để con được quan tâm hơn. Riêng tôi, tôi luôn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, tôi nhất quyết không đồng ý với suy nghĩ của chồng. Tôi luôn nghĩ những ngày lễ Tết mình tặng quà thầy cô là để bày tỏ sự chân thành, kính trọng. Tôi luôn muốn con có cùng suy nghĩ với mình. Hãy kính trọng, lễ phép với thầy cô chứ đừng đặt nặng vấn đề quá cáp.

Mấy ngày gần đây, những người cùng xóm hay hỏi tôi năm nay mua gì tặng thầy cô giáo của con. Họ luôn lo lắng không biết mua gì tặng cả. Nhiều người còn sợ tặng ít thì thầy cô sẽ phân biệt đối xử với con mình. Khi tôi bày tỏ quan điểm của mình thì nhiều người bắt đầu cảm thấy thoải mái và vui vẻ hẳn lên.

Tôi luôn suy nghĩ tùy thuộc từng điều kiện mà ứng xử cho phù hợp thôi. Hãy bày tỏ tấm lòng chân thành của mình đến các thầy cô giáo của con. Một tin nhắn chúc mừng đơn giản có khi hạnh phúc hơn nhiều những món quà đắt tiền.

LT

(Châu Thành, Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!