Bộ Giáo dục có cấm được sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạng?

(Dân trí) - Việc Bộ GD&ĐT quy định sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực… trên mạng đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến tranh luận về quy định này.

Một trong 10 nội dung của Thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên (SV) đại học chính quy thay thế cho quy định từ năm 2007 này là cấm sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/5/2016.

Bộ Giáo dục có cấm được sinh viên bình luận, chia sẻ bài viết dung tục trên mạng? - 1

Không nhất thiết phải đưa ra quy định này

Nhiều ý kiến bạn đọc gửi tới Dân trí cho rằng, Bộ GD-ĐT không nhất thiết phải đưa thêm nội dung này vào quy chế vì chỉ cần thực thi pháp luật đã ban hành cũng đủ cho mọi công dân nói chung rồi.

Ý kiến bạn đọc khác bày tỏ, Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ giới hạn việc ban hành có vượt quá giới hạn và xâm hại tới quyền tự do cá nhân không. Bộ GD-ĐT cần phải thay đổi lại cho phù hợp.

Cùng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Văn Phương cho rằng, nếu cấm sinh viên như vậy là vi phạm quyền công dân. Mâu thuẫn ở quy định này là pháp luật Việt Nam cho phép công dân được tự do bày tỏ quan điểm chính kiến, nhưng quy định này không cho thực hiện quyền như vậy.

Luật sư Phương cho hay, quy định này không thống nhất với các quy định của pháp luật nên việc cấm như vậy là vi phạm, không chỉ với sinh viên mà bất cứ với người dân nào khác vì không thể cấm người ta bày tỏ chính kiến. Ví dụ: Một công dân tuyên truyền không đúng sự thật, sai pháp luật, vu khống, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác thì mới cấm. Còn cấm người ta bày tỏ chính kiến về sự vật, hiện tượng với nhiều góc nhìn khác nhau, với bày tỏ quan điểm đúng thì không cấm được”.

Đưa ra quy định phải có kiểm soát

Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ tâm lý Tùng Lâm cho hay, bộ ra quy định này với mong muốn sinh viên sống lành mạnh hơn, văn hóa hơn, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, liệu bộ có kiểm soát được việc cấm của mình hay không? Chứ đưa ra như một thứ lệnh chỉ để thể hiện trách nhiệm của người quản lý “nói rồi không nghe”.

Tiến sĩ Lâm đặt vấn đề, liệu an ninh mạng có tìm được ra sinh viên nào vi phạm hay không? Đặt ra như vậy tính khả thi mới cao chứ không kiểm soát được mà cái gì cũng cấm đoán, cái gì cũng phạt là không được. Ví dụ như ở Hà Nội, có nhiều quy định yêu cầu học sinh phải đội mũ bảo hiểm nhưng cuối cùng không kiểm soát được, đành thả nổi.

Tiến sĩ Lâm cho rằng, bộ đưa quy định là không đúng bởi sinh viên đang trong thời gian quản lý nhà trường thì nhà trường phải có trách nhiệm quản lý các sinh viên của mình. Tuy nhiên, đưa ra quy định thì phải kiểm soát được chứ đưa ra mà không kiểm soát được thì chỉ nên kêu gọi.

GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng quy định này của bộ là đúng vì ta không thể chấp nhận chủ nhân tương lai của đất nước lại có những hành động xấu như vậy và Internet chỉ là công cụ thực hiện.

Tuy nhiên, quy định này sao lại không cấm được, quan trọng là bộ có được quyền cấm hay không? Và có thể cấm được không?

Theo GS Sơn, các trang mạng xã hội là quyền tự do nhưng tự do trong khuôn khổ pháp luật, bạn không thể lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện ý đồ cá nhân có tính chất tiêu cực, đánh giá sai thực trạng xã hội và vu khống. Cái này phải cấm vì tất cả các hoạt động, trong đó có hoạt động về mạng thông tin chia sẻ đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Còn quy định cấm nói xấu người khác, ngay cả chưa có Internet, trong nhà trường đã có quy định yêu cầu sinh viên không được phép làm. Internet ở đây như là công cụ, bạn không thể lấy công cụ đó để thực hiện tiêu cực, không đúng với phẩm chất người sinh viên. Bạn có thể chia sẻ thông tin nhưng chia sẻ với tính chất xây dựng.Tuy nhiên, nếu bộ đưa ra mức xử phạt thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ.

GS Sơn kiến nghị, cần áp dụng CNTT vào chặn luôn tất cả cái xấu. Còn đến biện pháp xử phạt như xử phạt tài chính hay đuổi học là biện pháp sau cùng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Quy định này chỉ mang tính chất khung, nguyên tắc.

Trao đổi với VNN, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, khi ban hành Thông tư này, Bộ cũng căn cứ vào các quy định pháp luật, tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các cơ sở đào tạo chịu sự chi phối của Thông tư này. Quy định này chỉ mang tính chất khung, nguyên tắc.

Theo thứ trưởng Nghĩa, những nội dung thuộc 1 trong 10 hành vi bị cấm của sinh viên đó là cấm sinh viên đăng tải, chia sẻ nội dung dung tục bạo lực, đồi trụy rồi liên quan đến các nội dung chống phá Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân cũng đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin.

Việc đưa vào những hành vi cấm đăng tải thông tin như trao đổi trên nhằm thực hiện tốt hơn Luật Công nghệ thông tin cũng như sử dụng tốt hơn môi trường mạng một cách lành mạnh, giúp sinh viên học tập, giải trí vui chơi trong môi trường thật sự an toàn, lành mạnh. Sinh viên cũng như mọi công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Nghĩa cho rằng, phân biệt hành vi dung tục như thế nào sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể và đối chiếu với các quy định hiện hành. Tại các trường, Hội đồng khen thưởng kỉ luật sẽ xác định hành vi này và việc xử lí thuộc thẩm quyền trường.

Trong xã hội văn minh hiện nay, không chấp nhận hành vi dung tục. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới, trong đó có hội nhập văn hóa. Chúng ta giảm rào cản với các nền văn hóa nhưng không có nghĩa đi ngược lại với văn minh, văn hóa nhân loại cũng như đi ngược lại những nét truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Để thực hiện điều đó, không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần có sự phối hợp với các ngành khác, đặc biệt là ngành quản lí về công nghệ thông tin.

“Bộ GD-ĐT với tinh thần rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng xã hội cũng như của các cơ sở đào tạo.Trong quá trình triển khai thực hiện nếu thấy cần thiết, có thể nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay” – Thứ trưởng Nghĩa bày tỏ.

Hồng Hạnh