PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó GĐ ĐH Đà Nẵng:

Bộ Giáo dục cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về đăng ký xét tuyển

(Dân trí) - Những năm tới, Bộ GD&ĐT cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về đăng ký xét tuyển để mọi thí sinh đều có thể truy cập và biết được đầy đủ thông tin về xét tuyển của các trường chứ không phụ thuộc vào cách các trường công bố.


PGS.TS Đoàn Quang Vinh

PGS.TS Đoàn Quang Vinh

Đó là ý kiến của PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó GĐ Đại học Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên về vấn đề đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ giữa các trường và với thí sinh.

Những năm trước, khi thực hiện công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức "3 chung", ĐH Đà Nẵng đã tiến hành "lọc" được thí sinh ảo nên việc công bố tỉ lệ chọi là tương đối chính xác. Với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên, các nguyện vọng trong một trường của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau, ĐH Đà Nẵng có loại thí sinh "ảo" không khi công bố số liệu thống kê không? Và 4 nguyện vọng cho một đợt xét tuyển có quá nhiều hay không, thưa ông?

Theo quy định của việc đăng ký xét tuyển trong năm 2015, ở đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được đăng ký vào một trường duy nhất. Ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường đồng thời. Với quy định này, không có hiện tượng thí sinh ảo trong đợt xét tuyển nguyện vọng I. Hiện tượng thí sinh ảo chỉ xảy ra ở các đợt xét tuyển bổ sung hoặc ở các trường xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học tập THPT.

Về công bố số liệu thống kê, theo quy định của quy chế tuyển sinh, các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký theo từng ngành và thứ tự nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào ngành đó. Toàn bộ thông tin này được ĐH Đà Nẵng cập nhật hàng ngày. Trong thời gian đăng ký xét tuyển, ĐH Đà Nẵng công bố điểm trúng tuyển tạm thời theo từng ngành. Thí sinh có thể căn cứ điểm trúng tuyển tạm thời này để quyết định chọn ngành, đổi ngành hoặc rút hồ sơ ĐKXT phù hợp với kết quả thi của mình.

Về số lượng 4 nguyện vọng trong mỗi phiếu đăng ký xét tuyển, theo tôi là không nhiều. Tuy nhiên, do thời gian đăng ký xét tuyển kéo dài và do không hạn chế số lần thay đổi nguyện vọng nên có thể đã tạo ra tâm lý căng thẳng cho thí sinh trong thời gian xét tuyển.

Qua đợt 1 của đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 cho thấy rằng, những trường ĐH nào càng công khai, minh bạch và sắp xếp khoa học trong công bố dữ liệu thì càng thuận lợi cho thí sinh trong việc xác định độ an toàn của mình để quyết định rút hồ sơ sớm, hạn chế tình trạng "tháo chạy" vào những ngày cuối, ông có ý kiến gì về nhận xét này?

Đúng vậy, trường ĐH nào càng công khai, minh bạch và đặc biệt cập nhật thông tin thường xuyên thì càng tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển. Trong đợt xét tuyển nguyện vọng I vừa qua, ngoài công khai thông tin thí sinh đăng ký theo ngành theo quy định, ĐH Đà Nẵng còn công bố điểm trúng tuyển dự kiến hàng ngày. Chính vì vậy, tại ĐH Đà Nẵng, đã không có sự xáo trộn ở những ngày cuối của đợt xét tuyển. Thí sinh hoàn toàn không bất ngờ khi kết quả xét tuyển đã được công khai và cung cấp đầy đủ trước đó cho thí sinh.

Thiết nghĩ trong những năm đến, Bộ GD&ĐT cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về đăng ký xét tuyển để mọi thí sinh đều có thể truy cập và biết được đầy đủ thông tin về xét tuyển của các trường chứ không phụ thuộc vào cách các trường công bố. Có như vậy sẽ tạo được sự công bằng và minh bạch trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ giữa các trường và với thí sinh.

 


Thí sinh căng thẳng chờ xét tuyển đợt 1 tuyển sinh ĐH 2015

Thí sinh căng thẳng chờ xét tuyển đợt 1 tuyển sinh ĐH 2015

Thí sinh ngộ nhận mình có khả năng đỗ do ngưỡng điểm tối thiểu của các trường

Nhìn vào phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2015 có thế thấy, số lượng thí sinh có mức điểm từ 18 đến 23 điểm là rất lớn; thêm vào đó, các trường ĐH, kể các các trường tốp trên, hầu hết đều đưa ra điểm nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đúng bằng ngưỡng tối thiểu nên thí sinh dễ bị ngộ nhận rằng mình có khả năng đỗ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Năm nay là năm đầu tiên các trường thực hiện việc xét tuyển sau khi đã có điểm thi THPT quốc gia. Do thí sinh dự thi ở nhiều môn khác nhau và có quyền chọn tổ hợp để đăng ký xét tuyển, do phổ điểm được công bố theo từng môn nên các trường rất khó dự kiến điểm của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Để “an toàn” trong tuyển sinh, hầu hết các trường lấy điểm sàn của Bộ GD&ĐT làm ngưỡng tối thiểu. Tuy nhiên, chỉ sau một vài ngày đầu của đợt xét tuyển, mức điểm ngưỡng sẽ được xác lập ngay lập tức một cách tự nhiên và là con số phản ảnh gần chính xác điểm cần tuyển. Do vậy, khó có thể nói thí sinh ngộ nhận mình có khả năng đỗ do ngưỡng điểm tối thiểu của các trường.

Tâm lý chung của phụ huynh, học sinh trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa rồi là muốn tham gia trực tiếp việc nộp cũng như rút hồ sơ, điều chỉnh nguyện vọng. Câu chuyện một phụ huynh thuê xe cấp cứu 115 để đến trường ĐH rút hồ sơ cho con nhằm kịp điều chỉnh nguyện vọng vào những giờ cuối cùng của đợt xét tuyển được dư luận nhắc đến như là một dẫn chứng cho một đợt tuyển sinh đầy mệt mỏi, rối rắm và tốn kém. Thực tế, có đến mức như vậy không, thưa ông?

Đó chỉ là một hiện tượng, xuất phát từ tâm lý lo lắng của thí sinh và phụ huynh. Thực tế trong đợt xét tuyển nguyện vọng I vừa qua, sau những phản ảnh của dư luận, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh kịp thời cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng một cách đơn giản, nhanh chóng và chính xác.

Thí sinh chỉ cần theo dõi thông tin xét tuyển của các trường ĐH, CĐ và làm các thủ tục điều chỉnh nguyện vọng ngay tại địa phương. Rất tiếc là nhiều thí sinh chưa tin tưởng và sử dụng hình thức thay đổi nguyện vọng này nên để lỡ mất cơ hội đăng ký vào trường, ngành phù hợp với khả năng của bản thân.

Riêng với ĐH Đà Nẵng, ngay từ những ngày đầu, thông qua sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đã nói rõ ĐH Đà Nẵng khueyens khích các thí sinh đăng ký trực tuyến và nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc tại các Sở GD&ĐT. Nhờ vậy, lượng thí sinh về ĐH Đà Nẵng nộp hồ sơ không nhiều. Chính điều này đã giúp cho thí sinh và gia đình đỡ vất vả và ĐH Đà Nẵng cũng có điều kiện đón tiếp thí sinh về trường nộp hồ sơ chu đáo hơn.

Xin trân trọng cám ơn PGS.TS

Hà Trần (thực hiện)