Bộ GD&ĐT trao giải cho 168 bài giảng điện tử xuất sắc trên toàn quốc

(Dân trí) - Sáng ngày 10/6, Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S-Ting và Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT đã tổ trức trao giải cuộc thi quốc gia “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-leaning” năm 2017. Tổng giá trị giải thưởng là hơn 1,4 tỷ đồng.

Khởi động từ năm 2009, cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-leaning” được tổ chức 2 năm một lần nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo, hiện đại, tăng cường tính tính cực và tự học.

So với 3 cuộc thi trước, cuộc thi năm nay được tổ chức với qui mô lớn hơn nhiều lần với 12.216 sản phẩm dự thi, nội dung trải rộng qua 2 chủ đề là bài giảng các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông và chủ đề dư địa chí. Trong đó, sản phẩm thuộc chủ đề các môn học chiếm 77% với 9.404 sản phẩm, số sản phẩm thuộc chủ đề Dư địa chí chiếm 23% với 2.812 sản phẩm.

Qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng xét giải đã chọn ra 168 tác giả/nhóm tác giả xuất sắc nhất cùng 10 giải đồng đội (những đơn vị có thành tích tốt trong công tác tổ chức và nhiều sản phẩm đạt giải). Tổng giá trị giải thưởng là hơn 1,4 tỷ đồng. Cụ thể có 10 giải Nhất, 28 giải Nhì, 50 giải Ba, 80 giải Khuyến khích, 10 giải Đồng đội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho các tác giả đạt giải Nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen cho các tác giả đạt giải Nhất.

Toàn bộ sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích và gần 5.000 sản phẩm dự thi chất lượng sẽ được đưa lên kho bài giảng e-Learning quốc gia để phục vụ nhu cầu tự học tập, chia sẻ, tham khảo của học sinh, giáo viên, người dân trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự tham gia tích cực của hơn 14 nghìn giáo viên để có được hơn 12 nghìn bài giảng. Theo Thứ trưởng, cuộc thi quốc gia thiết kế bài giảng e-Learning lần này cho thấy sự thành công của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào không chỉ lĩnh vực giáo dục phổ thông mà còn quảng bá hình ảnh và giới thiệu nhiều điều mà xã hội chưa được biết đến. Góp phần cho giai đoạn thay đổi phương pháp học tập mới có ứng dụng CNTT; đồng thời truyền tải nôi dung bài học đến vớt tất cả học sinh mọi miền trong cả nước, đặc biệt là các học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kém phát triển khó khăn về điều kiện học tập.

Có rất nhiều sản phẩm đạt chất lượng chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy lồng ghép giữa công nghệ và truyền thống, lời giảng dễ nghe, cuốn hút, hình ảnh và âm thanh đạt chất lượng cao.

Hơn 5000 sản phẩm chất lượng sẽ được đưa lên kho bài giảng e-Learning quốc gia. (Ảnh: Chử Quyết Tiến)
Hơn 5000 sản phẩm chất lượng sẽ được đưa lên kho bài giảng e-Learning quốc gia. (Ảnh: Chử Quyết Tiến)

“E-Learning là hướng phát triển ứng dụng chủ yếu để đổi mới nội dung và phương pháp dạy, phương pháp học tập, phương pháp chia sẻ. Tiến tới xây dựng nguồn tư liệu bài giảng của tất cả các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài giảng điện tử về đất nước con người Việt Nam trên 63 tỉnh, thành phố để tạo ra nguồn tư liệu về giáo dục phổ thông, kho tàng Dư địa chí Việt Nam trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Trong năm học tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển phong trào xây dựng bài giảng E-Learning dựa trên sức mạnh và sự sáng tạo của các thầy cô giáo trên toàn quốc.

7 tác giả/nhóm tác giả đạt giải Nhất thiết kế bài giảng điện tử cấp quốc gia

- Nhóm tác giả Nguyễn Thị Trúc Quỳnh và Trần Thị Ngọc Anh, giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội): Bài giảng Thường thức mỹ thuật - Xem tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" thuộc môn Mỹ thuật lớp 5

- Tác giả Phạm Thu Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Nội): Bài giảng Đường giao thông thuộc môn Tự nhiên xã hội lớp 2.

- Tác giả Phạm Thị Bình, giáo viên trường Tiểu học Lương Yên (Hà Nội): Bài giảng Nói chuyện với thầy, cô giáo thuộc môn Khoa học lớp 5.

- Tác giả Đinh Thị Thảo, trường Tiểu học Yết Kiêu (Hà Nội): Bài giảng UNIT 10: Where were you yesterday? - Lesson 1 thuộc môn tiếng Anh lớp 4.

- Nhóm tác giả Lê Thúy Hạnh và Lê Thanh Nhàn, giáo viên trường THCS Trần Phú (Hải Phòng): Bài giảng Axit Axetic thuộc môn Hóa học lớp 8.

- Tác giả Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên): Bài giảng Unit 10 - Conservation thuộc môn tiếng Anh lớp 10.

- Nhóm tác giả Nguyễn Nữ Khánh Hương và Đào Thị Thanh Huyền, giáo viên trường THPT Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Bài giảng Chí Phèo thuộc môn Ngữ văn lớp 11.

Lệ Thu