Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần trả lời về trường hợp 29 điểm vẫn rớt ĐH

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM và luật sư Trần Vũ Hải - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội, đều cho rằng Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần vào cuộc, làm rõ việc em Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) thi được 29 điểm nhưng không được theo học các trường công an vì... 23 năm trước bố em từng bị án tù treo (!).

Trao đổi với Dân trí chiều 16/9, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM - cho rằng Bộ Công an cần phải xem xét kỹ lưỡng lại trường hợp của em Bùi Kiều Nhi (SN 1997, thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) được 29 điểm trong kỳ thi vừa qua (Địa lý 9,75 điểm; Sử 9 điểm; Văn 8,75, cộng với 1,5 điểm ưu tiên) nhưng không được theo học Học viện Chính trị Công an Nhân dân chỉ vì bố đẻ từng bị xử phạt 9 tháng tù treo về tội “Chống người thi hành công vụ” 23 năm trước (năm 1992) mà Báo Dân trí đã phản ánh.

“Tôi biết Bộ Công an có quy định riêng về lý lịch trong sạch nhiều đời đối với những người muốn vào ngành. Nhưng phải nhìn nhận vấn đề này dưới tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đã có những thay đổi rất lớn về quyền con người, quyền công dân và nhìn con người dưới góc độ phát triển chứ đừng nhìn vào quá khứ hẹp hòi quá như vậy”- ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, áp dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì sự việc sau khi đã trải qua 23 năm, bố em Bùi Kiều Nhi - ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, mất năm 2013) đã được xóa án tích từ lâu, trở thành một công dân bình thường như bao người khác và được nhà nước bảo đảm mọi quyền lợi, bình đẳng trước pháp luật.

 

Em Bùi Kiều Nhi thất thần khi biết mình không được theo học tại các trường công an vì 23 năm trước bố mình dính án treo 9 tháng. Ảnh: Văn Lịnh.
Em Bùi Kiều Nhi thất thần khi biết mình không được theo học tại các trường công an vì 23 năm trước bố mình "dính" án treo 9 tháng. Ảnh: Văn Lịnh.

 

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tại Điều 16 Hiến pháp lại quy định rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

“Hiến pháp đã quy định rất rõ ràng về việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực từ chính trị đến văn hóa, xã hội như vậy rồi mà sao một con người đã được xóa án tích từ lâu lắm rồi vẫn bị đối xử thiếu bình đẳng, trở thành “chướng ngại vật” cản trở con đường học hành của con gái mình như vậy ?”- ông Hậu đặt vấn đề.

Luật sư Hậu cho rằng em Bùi Kiều Nhi có thể được xếp vào nhân tài của đất nước và việc phân biệt đối xử như vậy dễ vi hiến. “Không thể lấy ý thức hệ để xóa bỏ cơ hội học tập của cháu Nhi. Tôi cho rằng Bộ Công an cần lên tiếng về việc này”- ông Hậu nói.

 

Công văn của Công an huyện Tuyên Hóa về việc em Bùi Kiều Nhi không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân. Ảnh: Đặng Tài.
Công văn của Công an huyện Tuyên Hóa về việc em Bùi Kiều Nhi không được theo học tại các Trường Công an Nhân dân. Ảnh: Đặng Tài.

 

Đồng quan điểm, luật sư Trần Vũ Hải - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội, khẳng định em Bùi Kiều Nhi đã không làm sai khi không ghi án tích của bố trong lý lịch.

Luật sư Hải phân tích: Bố em Nhi bị kết án tù vào năm 1992 và đã mất năm 2013; còn mẹ em khẳng định không biết bố em có án tù treo, đương nhiên em Nhi cũng không biết án tích này của bố. “Như vậy em không thể bị quy khai không trung thực (cố ý khai sai)”- ông Hải nói.

Mặt khác, Bộ luật Hình sự ban hành năm 1985 (sửa đổi các năm 1989, 1991), áp dụng vào thời điểm năm 1992 đã có quy định tại Điều 52 và Điều 53 về xóa án tích, mà theo đó “người được xóa án coi như chưa can án (coi như chưa phạm vào tội và bị kết án - PV)” và trường hợp đương nhiên được xóa án là “người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách”.

“Như vậy sau khi hết thời gian thử thách (có khả năng vào năm 1994 nếu thời gian thử thách là 2 năm), bố em Nhi đương nhiên được xóa án, coi như chưa can án. Theo luật thì như vậy em Nhi không được phép ghi án tích trong lý lịch. Nếu em Nhi ghi án tích của bố (mà không được bố em đồng ý) mới là trái Bộ luật Hình sự 1985 cũng như Bộ luật Hình sự 1999 sau này”- luật sư Hải nêu quan điểm.

Luật sư Trần Vũ Hải khẳng định, không có lý do gì ngành công an lại không nhận em Bùi Kiều Nhi vào trường ĐH của ngành. “Để khách quan, theo tôi Bộ Công an cần tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp (cơ quan xây dựng Bộ luật Hình sự, có quy định về xóa án tích - PV) trong vấn đề này. Cả trong trường hợp không được mời tham khảo, Bộ Tư pháp cũng cần lên tiếng cho rõ ràng”- ông Hải đề nghị.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thế Kha