Bỏ chấm điểm: Cảnh báo nguy cơ giảm chất lượng

Là người nhiệt thành ủng hộ quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học, nhưng giờ đây TS Nguyễn Hữu Hợp "rất trăn trở trước nguy cơ đe dọa chất lượng giáo dục" nếu không được giáo viên biến thành hành động thực tiễn. Dưới đây là những "đề nghị nhỏ" của ông về câu chuyện đang rất thời sự này.

Quy định về đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30) mới được triển khai một thời gian ngắn, nhưng đã có khá nhiều ý kiến, nhất là từ phía giáo viên tiểu học.

Suy ra cho cùng, mục đích của Thông tư 30 là nhằm nâng cao chất lượng, kết quả giáo dục học sinh tiểu học. Tôi là người nhiệt thành ủng hộ nó, vui mừng khi nó xuất hiện và giờ đây trăn trở vì nó bởi nó đang đe dọa chất lượng giáo dục.

Dẫu có hay đến mấy nhưng nếu Thông tư 30 không được giáo viên tiểu học biến thành hành động thực tiễn thì không mấy tác dụng, thậm chí làm giảm chất lượng giáo dục.

Bỏ chấm điểm: Cảnh báo nguy cơ giảm chất lượng

Từ năm học 2014 - 2015, giáo viên tiểu học sẽ phải thay đổi cách đánh giá học sinh. Thay vì cho điểm thường xuyên, các cô giáo sẽ nhận xét bằng cách ghi vào vở, sổ, và trao đổi bằng lời nói. Ảnh: Hạ Anh

Không phải giáo viên tiểu học chống Thông tư mà việc thực hiện nó quá nhiều bất cập, nhất là giáo viên mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét.

Với những bất cập đó, giáo viên sẽ "phải" đối phó (khắc dấu gỗ, ghi nhận xét tháng trước cả vài tuần...), điều đó dẫn đến những thất bại có thể lường trước.

Tôi có vài đề nghị nhỏ đối với quản lý giáo dục liên quan việc thực hiện Thông tư 30 như sau:

1- Cho phép giáo viên sử dụng sổ "điện tử" thay thế sổ "giấy" (đừng sợ mấy con virus, bây giờ mọi ngành đều tin học hóa quản lý rồi; sổ giấy còn có thể bị cháy, ướt, thất lạc thì sao...).

2- Cho phép giáo viên chỉ GHI những trường hợp "cần thiết", nhất là những học sinh có năng khiếu hay có nhiều lỗi (còn những học sinh khác thì không nhất thiết phải ghi, chỉ ghi cuối học kì, cuối năm); tăng cường nhận xét bằng lời nhằm i) động viên, khuyến khích học sinh; ii) chỉ ra lỗi cho các em (nếu có); iii) đề ra, giúp học sinh khắc phục lỗi hoặc phát triển năng lực, năng khiếu của mình.

3- Chỉ coi các loại hồ sơ, sổ sách là công cụ của giáo viên; không kiểm tra và đánh giá giáo viên qua những thứ giấy má này (nên đánh giá giáo viên qua sự tiến bộ của học sinh sau một năm học).

4- Giải phóng những loại hồ sơ, sổ sách vô bổ mất rất nhiều thời gian, gây ức chế cho giáo viên (hầu hết giáo viên làm việc này chỉ để đối phó với thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục).

Lời nhận xét của cô giáo về chữ
  viết của học sinh. Ảnh: Hạ Anh

Lời nhận xét của cô giáo về chữ viết của học sinh. Ảnh: Hạ Anh

Quản lý giáo dục cần phải đổi mới triệt để - đó là phục vụ giáo viên. Giáo viên cần được đứng ở vị thế người được phụ vụ (cũng là nhằm phục vụ học sinh). Khi được phục vụ, giáo viên phải được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để dạy học.

Với tư cách là người phục vụ, cán bộ quản lý phải tin tưởng, biết lắng nghe, tôn trọng, giải phóng sức lao động cho giáo viên.

TS Nguyễn Hữu Hợp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Báo Vietnamnet