Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu:

“Bỏ biên chế giáo dục thì bỏ luôn biên chế toàn hệ thống”

(Dân trí) - “Nếu bỏ biên chế y tế, giáo dục thì nên bỏ biên chế của toàn bộ hệ thống (trừ quốc phòng - an ninh). Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy biên chế. Tuy nhiên, tôi thấy bỏ biên chế ngành giáo dục không quan trọng bằng đổi mới ngành giáo dục”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Ngày 9/6, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) dành nhiều thời gian phản ánh những chính sách dành cho giáo viên và bác sỹ hiện nay còn nhiều bất cập.

Đại biểu Hiếu phản ánh đối với các thầy cô vùng cao, dạy ở những ngôi trường cheo leo, qua những con đường xe ô tô không thể đến được, thì một trong những động lực khiến họ bám trường, bám lớp gắn bó với học sinh là niềm tin trong biên chế. Còn với các y bác sỹ công tác tại vùng cao vẫn cố gắng làm việc vì niềm tin là công chức Nhà nước.

Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nếu bỏ công chức trong giáo dục, y tế thì cần có những chính sách cụ thể cho từng vùng miền và xét đến những đặc trưng về địa chính trị khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nếu bỏ biên chế giáo dục, y tế thì nên bỏ biên chế toàn hệ thống
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nếu bỏ biên chế giáo dục, y tế thì nên bỏ biên chế toàn hệ thống

Ngoài ra, đại biểu đoàn An Giang cho rằng, nếu bỏ biên chế y tế, giáo dục thì nên bỏ biên chế của toàn bộ hệ thống (trừ quốc phòng - an ninh) như hầu hết các nước trên thế giới. “Nếu bỏ biên chế sẽ làm cho ngành y tế, giáo dục tốt hơn thì tại sao các ngành quản lý hành chính lại không tốt hơn? Có như vậy mới bỏ được tâm lý chạy biên chế”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, việc bỏ biên chế ngành giáo dục không quan trọng bằng đổi mới ngành giáo dục. Đại biểu đoàn An Giang cho rằng, đổi mới giáo dục là tất yếu vì nhược điểm của ngành này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, đổi mới giáo dục không có nghĩa là xóa bỏ cái cũ.

“Ý kiến cá nhân của tôi là hãy tạo ra một chương trình giáo dục mở, đừng cứng nhắc các tiêu chí, bắt học sinh trở thành bác học với một mớ kiến thức khổng lồ, tài đức vẹn toàn...”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.

Tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu còn lo ngại khi trao quyền lực lớn cho các Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện nếu không có sự tuyển chọn và đào tạo kỹ càng thì hoàn toàn có khả năng rơi vào tình trạng trao trứng cho ác. “Việc trao quyền chỉ thực hiện khi có cơ chế rõ ràng, mạch lạc, quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm”, ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Quang Phong