Bỏ biên chế: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng

(Dân trí) - Với góc độ là giáo viên phổ thông, khi đón nhận chủ trương thí điểm bỏ biên chế, viên chức trong giáo viên của Bộ GD-ĐT, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT có lẽ đang tự mình làm khó mình khi đưa ra phương án này. Tôi luôn ủng hộ sự đổi mới của ngành nhưng không tán thành cách làm này.

Cần phải có lộ trình…?

Trong quá trình đổi mới toàn diện ngành giáo dục thì việc đổi mới về con người là vấn đề cốt lõi, cụ thể là việc bỏ biên chế giáo viên, theo tôi Bộ GD&ĐT rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng. Cần phải có lộ trình và sự tham vấn rộng rãi từ dư luận xã hội, đặc biệt những cán bộ quản lý, giáo viên đã và đang trực tiếp giảng dạy đầy tâm huyết ở tất cả các bậc học phổ thông .

Chưa ai dám khẳng định chắc chắn tính khả thi, tính hiệu quả của phương án này. Nhưng tôi tin nếu được tham vấn một cách công khai, dân chủ và trung thực trên toàn quốc thì số lượng giáo viên sẽ phản đối nhiều hơn là đồng thuận. Vì sự thay đổi đó sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến tinh thần, tâm tư, tình cảm, công ăn việc làm, đến miếng cơm manh áo, đến đời sống của hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên, công nhân viên trên toàn quốc.

Khi đón nhận thông tin này, chúng ta nên có một cách nhìn nhận khách quan, công bằng mới nên hay không nên (hay chưa nên) bỏ biên chế trong giáo dục.

Cái được thứ nhất của phương án này sẽ giúp các thủ trưởng các cơ quan trường học, các cơ sở đào tạo có thêm rất nhiều quyền tiếp nhận và sử dụng lao động. Đồng thời, nó cũng sẽ tạo ra cho những người lao động, nhất là giáo viên trẻ vừa ra trường có quyền lựa chọn môi trường, cơ quan công tác, theo điều kiện khả năng của mình. Đó là một sự cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, phương án bỏ biên chế sẽ “triệt tiêu” thói quen, nhận thức “ỉ lại” của nhiều giáo viên khi đã trở thành “biên chế”. Và sẽ “an toàn” mà không lo đến quy luật “đào thải” nên không muốn phấn đấu khẳng định mình, không quan tâm lo lắng về trau dồi chuyên môn.

Thứ ba, phương án này cũng có thể tạo nên một động lực cho các giáo viên muốn được ký hợp đồng một cơ quan, trường học nào đó cần phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều câu hỏi được đặt ra cho phương án này mà không dễ có câu trả lời thỏa đáng: Bộ GD&ĐT sẽ nghĩ gì và hành xử như thế nào khi những cán bộ quản lý, giáo viên đã cống hiến nhiều năm trong ngành, đã được biên chế và hưởng lương từ ngân sách sẽ không còn là viên chức, công chức?

Chế độ, chính sách về lương bổng, các danh hiệu, thành tích trong cơ quan trường học, cơ sở giáo dục của họ sẽ như thế nào? Còn những cán bộ quản lý, giáo viên kém cỏi về mặt trình độ quản lý, chuyên môn, tệ hại về nhân cách đạo đức liệu có bị ra khỏi guồng “biên chế” không khi họ là những “con ông này, cháu bà kia”?

Ai là người có quyền tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên và ai là người ký quyết định hủy bỏ hợp đồng? Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” hiện nay có rất nhiều ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, đâu chỉ có trong ngành giáo dục?

Có nên xóa bỏ biên chế?

Tại sao nhiều ngành khác, cơ quan hành chính sự nghiệp cùng hưởng lương ngân sách nhà nước khác lại không đề cập đến chủ trương xóa bỏ biên chế để thay bằng “hợp đồng” như ngành giáo dục?

Phương án này nghe thì có vẻ nhẹ nhàng đơn giản nhưng để triển khai đồng bộ, đồng loạt thì sẽ vô cùng phức tạp. Đây là phương án của Bộ GD&ĐT dành cho ngành mình nhưng sẽ đụng chạm đến nhiều bộ ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội… Đồng thời, nó lại tương tác đến việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, Luật Lao động, Luật Thi đua và Khen thưởng… Quốc hội hội mới là cơ quan có quyền quyết định vấn đề hệ trọng này.


Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), tác giả bài viết.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), tác giả bài viết.

Đổi mới để phát triển là sự phù hợp của xu thế chung, quy luật chung nhưng cần sự ổn định chứ không nên tạo ra sự xáo trộn và bất ổn. Thoạt nghe, thì phương án này tưởng chừng sẽ giảm thiểu được những tiêu cực trong ngành giáo dục nhưng không phải, nó thậm chí còn có nguy cơ dẫn đến những hậu quả không lường trước được mà trước tiên chính là tạo nên sự xáo trộn về tâm can của nhiều giáo viên đang đứng lớp.

Trong nhiều năm qua, một vấn nạn như một “căn bệnh trầm kha” và nhức nhối mà ai cũng biết là vấn đề tiêu cực trong quy trình tuyển dụng viên chức và bổ nhiệm công chức mà hầu như trong cơ quan, trường học, cơ sở giáo dục nào cũng có. Nhiều người biết, ít người không biết nhưng không nhiều người nói ra sự thật này.

Họ đã chấp nhận mất nhiều tiền của, thậm chí có những người đã phải đánh đổi để hy vọng tìm kiếm một công việc trong một cơ quan trường học khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc chuyên ngành sư phạm. Bước đầu tiên là “chạy” có 1 suất “thử việc”, bước thứ 2 là “chạy” hợp đồng và sau một thời gian công tác lại thêm một công đoạn cuối cùng là “chạy biên chế”!

Hơn nữa, cùng là “anh em” với quá trình “chạy biên chế” này chính là quá trình luân chuyển giáo viên, đặc biệt ở các bậc THCS, Tiểu học, Mầm non từ vùng này sang vùng khác, từ miền núi về đồng bằng, từ đồng bằng về thành thị lại thêm những khoản tiền để tiêu cực mà chúng tôi nói đùa đầy xót xa là “phí chuyển nhượng”.

Hiện tượng gần như phổ biến này trong ngành giáo dục có nhiều địa phương, nhưng có lẽ nhiều nhất là từ miền Trung trở ra. Có lẽ chỉ ở TPHCM cơ chế tuyển dụng lao động nói chung, giáo dục nói riêng khi nhận người ít bận tâm đến vấn đề “biên chế” và người lao động cũng không quá nặng nề đến vấn đề này.

Theo tôi, chủ trương thí điểm bỏ biên chế, viên chức trong giáo viên của Bộ GD-ĐT sẽ khó có tính khả thi vì điều kiện kinh tế xã hội hiện tại của đất nước và thực trạng chung của ngành giáo dục chưa thể thực hiện trong giai đoạn hiện tại. Và chắc chắn rằng phương án đó sẽ vấp phải sự phản ứng nhiều chiều, thậm chí sự thiếu đồng thuận, đồng tâm, đồng hành của ngay những người trong cuộc, trong ngành. Trăm dâu đổ đầu tằm, thử hỏi với đồng lương của giáo viên hiện nay làm sao đủ để làm nên những sự “chuyển dịch” như vậy?

Tóm lại, tôi cho rằng khi hoạch định và ban hành một chủ trương để tạo nên sự thay đổi mang tính đột phá, Bộ GD&ĐT nên thận trọng, dân chủ và triển khai đúng lộ trình. Mọi sự nóng vội đều trả giá, mọi sai lầm đều dẫn đến những hệ lụy khó cân đong đo đếm. Đổi mới để phát triển cần sự ổn định chứ không nên tạo nên sự xáo trộn. Mọi bước đi, chủ trương, cách làm mang tính đột phá đều xuất phát từ thực tiễn và chính thực tiễn mới là thước đo chính xác nhất mọi chủ trương.

Tôi thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT muốn hiện thực hóa chủ trương này cần làm, nên làm và phải làm được những việc sau:

Thứ nhất, nên thực hiện từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, từ bậc học Đại học đến Mầm non mà cơ quan bỏ biên chế đầu tiên là Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, trong quá trình triển khai không nên phân biệt giữa cán bộ quản lý với giáo viên, trường công lập hay tư thục và tất cả quy trình này đều phải có sự giám sát của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân là Quốc hội.

Thứ ba, cần sửa đổi lại rất nhiều điều trong hệ thống các bộ luật của nhà nước liên quan đến công việc bỏ viên chức mà việc làm này thì Bộ GD&ĐT chỉ là cơ quan tham mưu, còn cơ quan có đủ thẩm quyền quyết định là Quốc hội.

Dù hiện tại mới là ý tưởng, là dự kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng tôi cho rằng có lẽ câu trả lời cắt nghĩa đầy thuyết phục nhất, trung thực nhất, khách quan nhất cho chủ trương này như thế nào. Xin những người có trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục hãy nên “vi hành”, hãy về với các trường học phổ thông, các cơ sở giáo dục ở các địa phương để gặp gỡ, trò chuyện cởi mở cùng các giáo viên sẽ rõ.

Trần Trung Hiếu

Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)