Bình quân mỗi năm cả nước tăng 250 trường THPT

(Dân trí) - “Quy mô của giáo dục phổ thông hiện nay rất lớn và phát triển rất nhanh. Trong hơn 10 năm qua, bình quân mỗi năm tăng khoảng 250 trường phổ thông” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng CT-SGK phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ quan điểm nhất trí với báo cáo của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng (UB VHGD TTN & NĐ) của Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng đã đưa ra ý kiến liên quan tới việc đầu tư cho giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Luận cho biết, quy mô của giáo dục phổ thông hiện nay rất lớn và phát triển rất nhanh. Trong hơn 10 năm qua, bình quân mỗi năm tăng khoảng 250 trường phổ thông. Trong khi đó, do quy mô tổng sản phẩm và thu nhập quốc dân của Việt Nam còn nhỏ, nên số tiền chi cho giáo dục đào tạo nói chung, trong đó có giáo dục phổ thông không lớn, kinh phí 20% tổng chi ngân sách Nhà nước được sử dụng gồm cho cả giáo dục đào tạo của Bộ GD-ĐT, của Bộ LĐ TB&XH và cho các hoạt động giáo dục đào tạo của các Bộ, ngành khác (ví dụ: Kinh phí đào tạo của hệ thống trường Đảng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đào tạo cho quốc phòng an ninh).

“Cho đến thời điểm này, mặc dù các điều kiện đảm bảo chất lượng cho giáo dục phổ thông đã được cải thiện nhiều so với trước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhưng trên tổng thể thì chúng ta vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để các hoạt động giáo dục và đào tạo đảm bảo chất lượng như trong báo cáo của UB VHGD TTN & NĐ của Quốc hội” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Dẫn chứng về vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho hay, cả nước còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hoá. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng học 3 ca, học nhờ đình chùa, học tạm ở những nhà cấp 4, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, còn thiếu rất nhiều nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn... Vì vậy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở để ổn định bám lớp, bám trường, bám bản.

Trong khi đó, tỷ lệ chi hiện nay cho các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định là 80/20. Trong đó, 80% chi cho lương giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; 20% dùng để đảm bảo chi cho các hoạt động của nhà trường. Thực tế, nhiều địa phương đang phải chi với tỷ lệ 95/5, tức là dành hầu như toàn bộ kinh phí được cấp chỉ đủ chi lương cho giáo viên, nhà trường không còn kinh phí để duy trì hoạt động bình thường của mình. Nếu tình hình này không được cải thiện thì các cơ sở giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn mà tự mình không thể khắc phục được.

Hồng Hạnh