Biến trở ngại thành cơ hội

Không sống phụ thuộc, chờ sự thương hại hay nương tựa vào ai, họ đã vươn lên bằng chính đôi chân khuyết tật, đôi mắt khiếm thị... để trở thành những con người có tri thức, bản lĩnh và nghị lực đáng khâm phục.

Nhà báo tương lai

Lê Thị Trang sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, với thị lực còn 4% nhưng lại chọn ngành Báo chí - Truyền thông, như vậy chẳng khác nào là tự làm khó mình. Theo đuổi ngành này, không phải muốn khoe khoang rằng mình giỏi hay mình muốn thể hiện sự khác biệt mà đơn giản với cô gái khiếm thị ấy, đó là ước mơ, động lực và là mục tiêu cần phải làm được.

Nhờ có người mẹ kiên trì, thương con vô bờ đã dạy cho Trang cách sống tự lập từ nhỏ nên cô có thể chủ động trong mọi việc, kể cả nữ công gia chánh đến chuyện học hành. Làm mẹ của những đứa con bình thường đã vất vả nhưng làm mẹ của những người con khiếm khuyết một phần nào đó trên cơ thể, quả thật không kể hết khó khăn và cả công lao.

Biến trở ngại thành cơ hội - 1

Trở thành SV báo chí là ước mơ, động lực phấn đấu của Lê Thị Trang.

Suốt 4 năm đại học, Trang đã từ chối nhận chu cấp từ gia đình, cô hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân. Và khi được hỏi, điều gì khiến cô gái này trở lên bản lĩnh như thế, Trang chỉ cười: “Em có được sự tự tin, với em, điều đó làm lên thành công”!

Trang đã kinh qua nhiều vai trò khác nhau. Cô từng là phát thanh viên và biên tập viên truyền hình tại báo Pháp luật TPHCM; dẫn chương trình và thu voice quảng cáo cho một số doanh nghiệp nhỏ; nhân viên content marketing cho một công ty truyền thông, ca hát biểu diễn tại một vài điểm ca nhạc. Tất cả những công việc này đều thực hiện trong môi trường của mọi người bình thường và Trang đều thực hiện tốt mỗi khi được giao việc.

Cô chia sẻ: “So với những người khác, em còn kém về mọi mặt nhưng em luôn nỗ lực hết sức để tránh những ánh mắt dò xét hay thương hại. Em sống một mình mà không cần đến sự giúp đỡ của ai và tự nấu ăn, phục vụ sinh hoạt cá nhân. Em luôn tự tin vào bản thân mình và điều đó đã giúp em có được những thành công”.

Kể từ ngày Trang bắt đầu nhận thức được về cuộc sống của mình, hay nói đúng hơn là kể từ cái ngày không còn biết khóc lóc mỗi khi ai đó trêu ghẹo mình là một đứa trẻ khuyết tật, Trang đã xác định: “Muốn người khác coi mình là người bình thường, trước hết bản thân mình phải tự coi mình là một người bình thường. Em đã làm được điều đó bằng chính sự tự tin của mình. Tự tin mang đến cho em niềm vui, với em, tự tin chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công”.

Hiện tại, Trang có công việc theo đúng mơ ước là cộng tác viên thường xuyên cho một tờ báo. Nụ cười luôn thường trực trên môi, Trang muốn gửi thông điệp tới những người còn kém may mắn: Hãy tự tin bởi nếu mình còn không tin vào bản thân mình thì không ai tin mình!

“Cô chủ nhỏ” ngành thời trang!

Nguyễn Thị Ly sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Năm lên 3 tuổi Ly bị ốm, gia đình đưa đi tiêm. Do sơ ý của bác sĩ, Ly bị tật ở chân từ đó.

Suốt những năm học tiểu học, nhà ở gần trường nên ngày nào cô gái trẻ ấy cũng bò đến lớp. Lên lớp 6, đã biết xấu hổ và hay ngại, Ly bắt đầu tập chống gậy để đi học. Chưa một lần nghĩ đến chuyện nghỉ học dù có lúc bạn bè vô tình làm cô tổn thương, nhưng với cô gái trẻ này, đó chính là động lực để cô nỗ lực trong việc học tập, chứng tỏ được bản thân.

Biến trở ngại thành cơ hội - 2

Nguyễn Thị Ly mong muốn trở thành NTK thời trang.

Lên học THPT, do nhà cách trường 25km, Ly phải ở trọ và bắt đầu cuộc sống xa nhà. “Những cặp mắt của người bạn mới lần đầu tiên gặp gỡ, tiếng xì xầm và chỉ trỏ, những tiếng cười chọc ghẹo văng vẳng bên tai khiến em chạnh lòng. Những lúc như vậy nếu không có sự động viên, sẻ chia, yêu thương đùm bọc của gia đình, bạn bè, thầy cô, những người xung quanh và nếu bản thân không đủ mạnh mẽ, tự tin thì em đã nghỉ học” - Ly chia sẻ.

Không đủ điều kiện để đi học đại học, Ly ra trường và học nghề làm tóc của cô giáo Mai Nương - nơi đào tạo nghề miễn phí cho trẻ mồ côi và khuyết tật. Có tay nghề, Ly tự mở salon làm tóc cho riêng mình trong 4 năm, nhưng vì chân yếu không đứng được lâu và sức khỏe không tốt nên Ly đành nghỉ làm và chuyển sang mở shop quần áo thời trang công sở. “Cô chủ nhỏ” ngoài kinh doanh còn có thể thiết kế ra những mẫu mã phù hợp với xu thế. Không bó buộc bản thân vào một công việc hay giam mình cách biệt với xã hội, Ly thường xuyên tham gia và hoạt động ở các Câu lạc bộ Người khuyết tật (NKT). Ly từng đạt giải A giọng hát NKT của tỉnh, tham gia thi ở khu vực và toàn quốc về tiếng hát NKT năm 2014. Hiện tại, Ly là thành viên trong BCH CLB Thanh niên và Sinh viên NKT và BCH Liên chi hội NKT tỉnh Thanh Hóa.

Mạnh mẽ và tự tin, Ly chia sẻ với cộng đồng NKT: “Dù bạn ở dạng khuyết tật nào, hãy biến trở ngại bất hạnh thành cơ hội để trưởng thành, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã thay vì mặc cảm và sợ hãi. Đừng giao phó cho số phận đã an bài mà đánh mất chính mình để rồi chấp nhận một cuộc đời tăm tối. Chúng ta có thành công hay không là do ý chí mạnh mẽ và sự nỗ lực kiên trì của chính mình”.

Hiện tại, cô gái khuyết tật vận động này sống rất hạnh phúc. Được sống vui vẻ mỗi ngày, đối với Ly, đó là một may mắn. Cô có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và hòa nhập với xã hội để truyền nghị lực mạnh mẽ vượt qua khó khăn của NKT đến cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác.

“Dù bạn ở dạng khuyết tật nào, hãy biến trở ngại bất hạnh thành cơ hội để trưởng thành, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã thay vì mặc cảm và sợ hãi. Đừng giao phó cho số phận đã an bài mà đánh mất chính mình để rồi chấp nhận một cuộc đời tăm tối. Chúng ta có thành công hay không là do ý chí mạnh mẽ và sự nỗ lực kiên trì của chính mình.” - Nguyễn Thị Ly chia sẻ với cộng đồng NKT

Theo Ngọc Trang

Giáo dục & Thời đại