Bí thư Đinh La Thăng: Hội nhập là không dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Trao đổi tại buổi làm việc với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 7/6, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh Hội nhập giáo dục trước hết là không dạy thêm, học thêm. Năm nay, TPHCM nhất quyết xóa dạy thêm, học thêm trong trường học.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, sản phẩm của giáo dục không chỉ là những học sinh, sinh viên giỏi về công nghệ thông tin, giỏi Ngoại ngữ, giỏi Toán hay Văn. Giáo dục quan trọng nhất là phải xây dựng được lý tưởng cho người học. Đó là lý tưởng để tạo dựng sự nghiệp, sự tự lập cho bản thân; tạo được sự gắn kết gia đình, biết yêu thương dù ở cấp bậc học nào.


Bí thư Đinh La Thăng cho rằng hội nhập trước hết là không dạy thêm, học thêm

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng hội nhập trước hết là không dạy thêm, học thêm

Ông Thăng cho rằng, chúng ta bàn rất nhiều về hội nhập. Riêng với giáo dục, hội nhập là không có dạy thêm, học thêm. Việc dạy thêm, học thêm và tình trạng chạy trường chạy lớp vào đầu mỗi năm học làm mất uy tín của giáo dục thành phố.

Bí thư Đinh La Thăng cho biết, năm nay TPHCM dứt khoát phải xóa dạy thêm, học thêm. Tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm trong các trường học, chỉ dạy phụ đạo cho học sinh yếu. Bên ngoài trường học có các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, thể thao đã có các lớp dạy cho học sinh. Ai muốn dạy, muốn học thì đến đó đăng ký.

Mỗi năm TPHCM dành 26% trong tổng chi ngân sách cho giáo dục. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học trên địa bàn khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, hàng năm đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới, đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân.

Việc dạy thêm học thêm trong trường học đang rất phổ biến ở TPHCM
Việc dạy thêm học thêm trong trường học đang rất phổ biến ở TPHCM

Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 học sinh /năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn. Đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học, tổ chức cho học sinh học tập sinh hoạt cả ngày trong trường và việc xây dựng trường lớp, tăng cường đội ngũ.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, kinh tế của chúng ta đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường thì cũng phải chấp nhận giáo dục theo cơ chế thị trường. Giáo dục cần thực hiện xã hội hóa. Nước nào cũng có ngân sách cho giáo dục nhưng ngân sách không thể đủ. Đối tượng nào khó khăn thì học không mất phí nhưng ai có điều kiện thì cần chung tay để phát triển giáo dục.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm