“Bí mật” làm việc hiệu quả của thiên tài Leonardo da Vinci

(Dân trí) - <i>Khi Leonardo da Vinci sáng tác bức họa “Bữa tiệc cuối cùng”, thỉnh thoảng ông lại dành một vài giờ giữa trưa để chìm đắm vào mơ mộng, bất chấp sự khẩn nài của Tu viện trưởng Nhà thờ Santa Maria delle Grazie, người đặt ông vẽ bức tranh này, xin ông làm việc khẩn trương hơn.</i>

Da Vinci nói với khách hàng của mình: “Những thiên tài vĩ đại nhất thỉnh thoảng lại đạt tới sự hoàn mĩ hơn khi họ làm việc ít hơn”.

Câu chuyện này được hai tác giả Jim Loehr và Tony Schwartz kể lại trong cuốn sách “Sức mạnh của toàn tâm toàn ý” (NXB Lao động - Xã hội).

Là một nghệ sĩ sáng tác nhiều và rất sáng tạo, Leonardo da Vinci thường xuyên giải lao trong lúc làm việc, ông thường chợp mắt nhiều lần trong ngày.

Thói quen làm việc “khác thường” này của thiên tài toàn năng người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519) đã được nhiều tác giả bàn luận.

Trong cuốn sách “Tư duy như Leonardo da Vinci” (NXB Lao động - Xã hội), tác giả, diễn giả chuyên về sáng tạo và phát minh Michael J. Gelb cho biết, Leonardo da Vinci từng khuyên rằng “sẽ rất tốt nếu bạn gác lại công việc và nghỉ ngơi chốc lát, bởi khi quay lại với công việc, bạn sẽ đánh giá nó tốt hơn”.

Lời khuyên này của danh họa bậc thầy từ thế kỷ 15 cũng rất đúng đắn khi phân tích dưới góc độ kiến thức khoa học ngày nay.

Thiên tài Leonardo da Vinci thường xuyên giải lao trong lúc làm việc, ông thường chợp mắt nhiều lần trong ngày.
Thiên tài Leonardo da Vinci thường xuyên giải lao trong lúc làm việc, ông thường chợp mắt nhiều lần trong ngày.

Bàn về 7 nguyên tắc để trở thành thiên tài của Leonardo da Vinci, tác giả, diễn giả Michael J. Gelb cho biết, bạn có thể tăng độ ham thích và hiệu quả làm việc, học tập của mình bằng cách nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc. Nghiên cứu tâm lý hiện đại cho thấy, khi bạn làm việc hay học tập được một giờ, sau đó nghỉ ngơi hoàn toàn trong 10 phút, khả năng gợi lại tài liệu bạn vừa xử lý sau 10 phút nghỉ ngơi sẽ cao hơn tại thời điểm sau một giờ làm việc. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là hiệu ứng hồi tưởng.

Theo Tony Buzan - nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về não bộ và phương pháp học tập, “ngủ trưa nửa tiếng hoặc nghỉ giải lao trong lúc làm việc sẽ giúp tinh thần thêm tỉnh táo, giảm mệt mỏi và căng thẳng - tốt hơn và nhanh hơn so với cà phê”.

Còn theo nhà sinh học phân tử thực nghiệm John J. Medina - người nghiên cứu sâu về trí não, quãng thời gian giữa buổi trưa là lúc chúng ta không thể làm bất cứ việc gì, và nếu bạn có ý định bỏ qua giấc ngủ trưa, bạn có thể phải dành rất nhiều thời gian trong buổi chiều để chiến đấu với nỗi mệt mỏi đang gặm nhấm. Đó là cuộc chiến đấu, vì não thực sự muốn nghỉ trưa và không quan tâm đến công việc mà người chủ của nó đang làm.

Theo bác sĩ Hiromi Shinya, những lúc cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi, nếu bạn có thể nghỉ ngơi 5-10 phút thì cơ thể sẽ phục hồi lại rất nhanh. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Hiromi Shinya, những lúc cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi, nếu bạn có thể nghỉ ngơi 5-10 phút thì cơ thể sẽ phục hồi lại rất nhanh. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Hiromi Shinya - người được mệnh danh là “bác sĩ phẫu thuật nội soi số 1 của Mỹ” thì nhìn nhận về tác dụng của nghỉ giải lao và ngủ trưa với cơ chế “cân bằng nội môi”. Trong cuốn sách “Nhân tố enzyme: Phương thức sống lành mạnh” (NXB Thế giới), bác sĩ Hiromi Shinya giải thích rằng tất cả các hoạt động của con người đều dựa vào hoạt động của các enzyme. Trong cơ thể con người có cơ chế “cân bằng nội môi” giúp duy trì sự sống khỏe mạnh.

Chúng ta thức dậy và hoạt động, đó là quá trình chúng ta sử dụng nhiều enzyme. Khi chúng ta nghỉ ngơi thoải mái, nhiều cơ quan trong cơ thể cũng tạm dừng hoạt động. Dù chỉ nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút nhưng nó sẽ tránh được việc sử dụng cạn kiệt enzyme vốn đã tiêu hao rất nhiều cho các hoạt động trước đó. Và lượng enzyme này có thể dùng để kích hoạt cơ chế cân bằng nội môi giúp phục hồi cơ thể.

Theo bác sĩ Hiromi Shinya, những lúc cảm thấy buồn ngủ hay mệt mỏi, nếu bạn có thể nghỉ ngơi 5-10 phút thì cơ thể sẽ phục hồi lại rất nhanh. Nếu bạn có cố chịu đựng sự mệt mỏi hay cơn buồn ngủ để làm việc tiếp thì chắc chắn hiệu suất làm việc không cao.

Nghỉ giải lao thật sự giúp ích cho sức khỏe và hiệu quả làm việc, vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không áp dụng “bí mật” tuyệt vời này của thiên tài Leonardo da Vinci?

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)