Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên

(Dân trí) - Dựa vào Công nghệ thông tin (CNTT) các giáo viên sử dụng theo các cách thức rất độc đáo và sáng tạo, đem đến những góc nhìn mới mẻ về phương pháp giáo dục hiện đại dựa trên nền tảng CNTT.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT tiền thân là cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự hỗ trợ của Microsoft Việt Nam được tổ chức.

 Năm học 2019-2020, cuộc thi đã thu hút được gần 1000 sản phẩm của các thầy cô từ 45 tỉnh thành trên cả nước. Lọt vào vòng chung kết cuộc thi có tới 50 sản phẩm cùng tranh tài.

Đặc biệt, trường PTSNLC Wellspring có đến 9 trên tổng số 50 dự án lọt vào vòng Chung Kết, 14 dự án lọt vào Top 159 của cuộc thi. Đây cũng là ngôi trường có số bài dự thi chiếm 45% tổng số bài của Hà Nội vào vòng Chung kết.

Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên - 1

Các học sinh đóng vai các nhân vật trong giờ học Lịch sử

Nhiều sản phẩm của các thầy cô không chỉ dừng lại ở việc sử dụng công nghệ như một công cụ trực quan để truyền tải thông tin, lan toả hiệu quả của các hoạt động học tập, các dự án này còn thể hiện được đầy đủ những tiêu chí quan trọng trong việc làm chủ CNTT để tạo ra trải nghiệm học tập theo tinh thần của giáo dục hiện đại - tinh thần khai phóng.

Thông qua những trải nghiệm lý thú được tạo nên bởi công nghệ và việc tiếp xúc một cách tự nhiên với các công cụ công nghệ, học sinh không chỉ hào hứng hơn với các hoạt động học tập, nắm bắt kiến thức nhanh hơn mà còn tự mình nâng cao được các kỹ năng sử dụng công nghệ và các năng lực quan trọng khác của thế kỷ 21, như tư duy phản biện, làm việc nhóm, giao tiếp, sáng tạo, quản lý con người…

Ví dụ với môn Lịch sử, giáo viên lấy ý tưởng từ cuộc thi tài của các anh hùng thời phong kiến, các thầy cô đã xây dựng kế hoạch dự án Dạ hội Lịch sử “Hội ngộ non sông” nhằm tái hiện lại không gian thời kì phong kiến Việt Nam từ TK XI đến TK XIX thông qua một đêm hội thi tài của các anh hùng hào kiệt với ba hoạt động chính:

Xây dựng video clip giới thiệu về đặc trưng, nét nổi bật của các triều đại; Thiết kế các mô hình, vẽ tranh và thuyết trình về các sản phẩm đó; Sân khấu hóa các chiến công của các triều đại phong kiến trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên - 2

Học sinh háo hức khi hóa thân vào nhân vật lịch sử

Trong bối cảnh học sinh cảm thấy "chán", "khó" và không yêu lịch sử Việt Nam, thì việc dạy học và tổng hợp kiến thức môn Lịch sử cần có một cách thức mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Mục đích quan trọng nhất bên cạnh kiến thức môn học là phát triển năng lực tự học và tư duy phản biện cho học sinh. Các giáo viên đã sử dụng phương pháp dạy học dự án với chuỗi hoạt động liền mạch, thống nhất giúp từng bước đạt được các mục đích với sự hỗ trợ hiệu quả của CNTT.

Các học sinh được chia nhóm để cùng nhau hoàn thành các nhiệm vụ, sản phẩm: Video clip giới thiệu về đặc trưng các triều đại phong kiến với sự hỗ trợ của công cụ Powtoon; Thuyết trình về các phong trào đấu tranh, xây dựng đất nước với công cụ Powerpoint, thiết kế tờ rơi trình bày sự kiện lịch sử sáng tạo bằng Canva và các công cụ thiết kế khác…

Học sinh Đức Kiên hào hứng chia sẻ: “Con thấy môn lịch sử thú vị hơn rất nhiều khi tham gia các hoat động như làm clip giới thiệu, đóng kịch… Dù thời gian chuẩn bị mất khá nhiều thời gian và con phải tìm nhiều thông tin trên mạng, phải đọc nhiều nội dung trên các nguồn mà cô giáo giới thiệu và chọn lọc, ghi chép lại.

Nhưng qua đó con cũng biết thêm các trang để tìm thêm kiến thức lịch sử và biết dùng phần mềm thiết kế, làm video clip. Con thích nhất là buổi đóng kịch vì buổi đó rất vui và hài hước, có chỗ mọi người diễn sai kịch bản nhưng vẫn rất vui.”

Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên - 3

Học sinh tự tìm hiểu về Hệ mặt trời – vị trí của Trái đất trong Hệ mặt trời trong giờ học

Hay như Dự án “Our Earth - Our Home” - Đây là dự án Liên môn Địa lí – Vật lí trong chương trình của học sinh khối 10.

Dự án thực hiện nhằm giúp học sinh tự tìm hiểu về Hệ mặt trời – vị trí của Trái đất trong Hệ mặt trời dựa trên những kiến thức nền tảng đã được học trong các giờ học môn Địa lí và Vật lý, để từ những hiểu biết đó thấy được sự kỳ diệu của sự sống trên Trái đất, biết nâng niu và quý trọng những tài nguyên mà Trái đất ban tặng cho con người. Từ đó hình thành tình yêu thiên nhiên, môi trường và chính cuộc sống của con người.

Dự án được xây dựng dựa trên những công cụ của MS và sự cộng tác nhiệt tình, sáng tạo, tinh thần làm việc nghiêm túc của học sinh khối 10 hệ song ngữ trường Wellspring – Hà Nội. Thông qua các nhóm hoạt động, học sinh được phát triển các kỹ năng quan trọng như sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình…

Đặc biệt, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm cụ thể, học sinh sẽ phát triển khả năng sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả: Hoá thân thành nhà báo, nhà khí tượng học, nhà hoạt động môi trường và chuyên gia hàng không vũ trụ, sử dụng Powerpoint, Powtoon và các công cụ CNTT khác để tạo nên các bài báo, thiết kế đồ hoạ và video clip tổng hợp các kiến thức đã nghiên cứu được.

Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên - 4

Học sinh trong vai trò bác sĩ

Bên cạnh đó, Dự án “Dream Hospital” mang lại không khí mới như các em học sinh sẽ xây dựng các hoạt động trong các phòng khám khác nhau nhằm mục đích “khám – tư vấn”, phổ cập các kiến thức về hệ cơ quan, bệnh tật tới những “bệnh nhân” tham gia chương trình.

Một điểm đặc biệt nữa của dự án chính là ngoài những kiến thức gắn liền với môn Sinh, đây còn là một dự án tích hợp Hướng nghiệp. Với “Dream Hospital”, học sinh được trực tiếp trải nghiệm thực tế về các ngành nghề để có thể hiểu và có những cảm nhận nghề cho việc định hướng tương lai.

Bất ngờ trước những ý tưởng sáng tạo áp dụng công nghệ thông tin của giáo viên - 5

Tìm hiểu về kỹ năng băng bó vết thương

Với dự án này, các học sinh được hướng dẫn cách sử dụng Onenote để ghi chép và lưu trữ các nội dung thực hiện, trao đổi và tương tác với nhóm và với giáo viên; Sử dụng Todo để theo dõi các đầu công việc, checklist công việc nhóm; Sử dụng các phần mềm thiết kế trò chơi Quizizz, phần mềm thiết kế poster, infographic, brochure…

Cô Nguyễn Thị Huyền - đồng sáng lập dự án chia sẻ: “Để có thể vận dụng kết hợp các công cụ CNTT một cách sáng tạo và giúp học sinh có thể sử dụng được những công cụ đó, bản thân giáo viên cần là người hiểu rõ về công cụ trước tiên.

Tuy nhiên, giáo viên không nhất thiết phải biết về tất cả các chức năng và sử dụng thành thạo tất cả các công cụ. Điều quan trọng nhất là có cái nhìn tổng quan về nguyên lý hoạt động và tiềm năng ứng dụng của các công cụ CNTT, từ đó có thể lựa chọn được công cụ thích hợp với mục đích bài học, chủ động nghiên cứu sâu để sử dụng khi cần thiết và gợi mở, chia sẻ với học sinh để các em có thể tự mình học sử dụng các công cụ này thông qua các nguồn học liệu trực tuyến”.

Tư duy vượt ra ngoài giới hạn chức năng của các công cụ, chủ động, sáng tạo sử dụng kết hợp nhiều công cụ CNTT vào các hoạt động giáo dục và lấy mục tiêu giáo dục làm trọng tâm. Đó chính là cách người giáo viên hiện đại làm chủ công nghệ trong giáo dục thời đại số.

 Hồng Hạnh