Quảng Ngãi:

Bất cập trong cấp phát gạo hỗ trợ học sinh vùng cao

(Dân trí) - Trong đầu tháng 1 này, có gần hàng tạ gạo hỗ trợ theo Quyết định 36 của Chính phủ đã đến tay mỗi em học sinh khó khăn ở vùng cao. Gạo đến tay học sinh trong niềm vui sau nhiều tháng chờ đợi, nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập.

Các em học sinh ở trường Tiểu học Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi).
Các em học sinh ở trường Tiểu học Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi).

Theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 36), bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, học sinh tại các trường ở khu vực đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ mỗi em 15kg gạo/tháng. Theo đó, học sinh các cấp Tiểu học và THCS đang học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoặc bán trú tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường, không thể đi về trong ngày được hưởng lợi từ chính sách mới này.

Trong đầu tháng 1 này, cùng với nhiều địa phương, tại huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, gạo hỗ trợ một lúc 5 tháng đầu năm học từ tháng 9 tới nay đã đến tay gần 2.000 học sinh được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ mới theo QĐ 36. Mỗi em được nhận 75kg gạo.

Niềm vui nhận gạo ngay trước Tết nguyên đán rộn ràng. Anh Hồ Văn Lâm, nhà ở xã Trà Phong (huyện Tây Trà) có 3 con nhỏ đang học các lớp 3, 5 và lớp 8 chia sẻ: “Nghe các con về nói lên trường nhận gạo hỗ trợ, tui mừng lắm. Đang mùa giáp hạt, nhà không có gạo ăn mà. Tui mang hai bao to tới trường các con để lãnh gạo. Cả ba cháu được hỗ trợ hơn 2 tạ gạo. Chưa bao giờ nhà tôi được nhận gạo nhiều như thế này”.

Vui, nhưng anh Lâm thật lòng cho biết gạo nhận được nhiều quá, cả nhà ăn 2-3 tháng cũng chưa hết, mà để lâu nữa thì gạo mốc, nên anh phải mang đi cho bớt họ hàng. Không chỉ nhà anh Lâm, việc gia đình học sinh nhận một lúc quá nhiều gạo dẫn tới cảnh khi thì đói không có gạo ăn, khi gạo thừa dùng không hết là bất cập nảy sinh khi gạo được cấp phát cho học sinh vùng cao trong đợt cấp gạo vừa qua.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Sơn - Phó Phòng GD huyện Tây Trà nói: “Gạo cấp phát một lần quá nhiều cho học sinh như vậy cũng phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều gia đình có đến 3-4 đứa con, nhận một lúc mấy tạ gạo. Trong khi gạo này đã sấy rồi để lâu quá thì bị ẩm mốc mà chỉ trong mấy tháng ngắn thì học sinh dùng chi cho hết. Thành ra, gia đình học sinh đem cho bớt, bán bớt, không đúng với mục đích là hỗ trợ các em học sinh ăn học bán trú ở trường.

Ban đầu khi gạo cấp phát về đến, huyện cũng có chỉ đạo phân gạo ra cấp phát thành 2 đợt cho học sinh. Nhưng rồi lại nghe sau Tết lại có đợt cấp phát nữa cho học kỳ 2 nên lại phải cấp phát hết một lần. Gạo cấp phát về tới nhà học trò dùng ra sao thì nhà trường không quản lý được, mà để lại trường cấp phát dần cho học sinh  thì trường không có kho dự trữ, lại thêm để lâu gạo ẩm mốc chúng tôi cũng không chịu trách nhiệm được”.

Theo Phó trưởng phòng GD huyện miền núi Tây Trà, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng cao là chủ trương rất hay, giúp học sinh có điều kiện đến trường học nhiều hơn, giảm tình trạng học sinh học “giã gạo” (học không chuyên cần) hoặc bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình khó khăn. Song việc cấp phát gạo cho học sinh nên được triển khai kịp thời và cấp phát từng tháng một chứ không nên để cảnh “no dồn đói góp” khi thì học trò đói khong có cái ăn, khi thì nhiều dùng không hết do để lâu quá thì gạo hư, rồi sau đó lại không có gạo ăn, cứ tái diễn như vậy khiến chủ trương đúng của Nhà nước khi triển khai lại không đạt hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (huyện Tây Trà) cũng chia sẻ trăn trở: “Theo quy định tại QĐ 36 thì có trường hợp hai học sinh ở trong cùng một thôn nhưng em này thì được, nhưng em kia thì lại không, do em này ở đầu thôn gần trường,còn em kia thì ở cuối thôn cách xa trường đủ khoảng cách để được hỗ trợ cấp phát gạo. Phụ huynh họ thắc mắc với nhà trường hoài, rằng sao ở cùng thôn mà nhà này được nhà kia lại không. Nhiều em gia đình rất khó khăn nhưng nhà gần trường nên không được hỗ trợ gạo. Tôi nghĩ, cấp phát gạo cho học sinh nên dựa vào điều kiện kinh tế gia đình của các em thì sẽ hợp tình hợp lý hơn là dựa trên khoảng cách từ nhà tới trường”.

Khánh Hiền