Bạn đọc viết:

Bao nhiêu đứa trẻ phải gồng mình học thêm để “mua sự yên tâm”?

(Dân trí) - Dõi theo hai bài viết trên báo Dân trí về câu chuyện học thêm “Thông báo của cô giáo “sức học của các con còn chậm” và “Khi học thêm không phải để tìm kiến thức mà mua sự yên tâm”, tôi lại dấy lên trăn trở vì câu chuyện xưa cũ này chưa bao giờ vơi sức nóng.

Ôm sách vở, tiền bạc, thời gian, công sức… đến lớp học thêm nhưng không nhằm mục đích góp nhặt kiến thức mà chỉ để làm hài lòng giáo viên. Đó là câu chuyện bi hài đang âm thầm diễn ra khiến nhiều gia đình đau đầu, nín nhịn, chịu đựng.

Nó phản ánh mặt trái của thực trạng dạy thêm - học thêm mà dư luận luôn ca thán. Và chính nó làm hoen ố danh tiếng của những người thầy tâm huyết muốn truyền đạt thêm kiến thức cho trò, kiếm thêm thu nhập bằng sức lao động chân chính.

Chúng ta phải khẳng định rằng dạy học thêm không xấu. Bởi khi xã hội có như cầu thì người thầy hoàn toàn có thể mở lớp dạy thêm để có thêm đồng ra đồng vào bổ trợ cho mức lương còn khiêm tốn của mình. Bất kỳ hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập chính đáng nào cũng cần được tôn trọng.

Nhiều gia đình gửi con đến lớp học thêm để rèn luyện, củng cố thêm kiến thức cũng như mở rộng, năng cao, bồi dưỡng tài năng phục vụ cho các kỳ thi lớn. Với xuất phát điểm đó, con trẻ học thêm để tìm kiến thức, người thầy dạy thêm để tăng thu nhập là điều không cần bàn cãi.

Vấn đề là đằng sau bức tranh dạy thêm học thêm đủ đầy gam màu sáng tối ấy tồn tại không ít người thầy lợi dụng áp lực điểm số, thành tích để lôi kéo học sinh đến lớp học thêm. Và trong muôn vàn chiêu trò, nổi trội hơn cả vẫn là việc ép điểm số bằng cách ra đề kiểm tra khó và bộ đề kiểm tra chỉ được giải ở lớp học thêm.

Trò muốn đạt điểm cao, chỉ có một phương án duy nhất: đăng ký học thêm. Nhiều gia đình quyết định đăng ký học thêm cũng chỉ vì lý do cập nhật đề ở lớp và làm bài đạt điểm cao. Từ đây, nảy sinh thêm một hệ lụy mới: cùng một môn học, trò vừa đăng ký học thêm ở giáo viên đứng lớp để lấy điểm vừa theo học các lớp nâng cao khác ở trung tâm ở mở rộng kiến thức, vậy là áp lực học tập tăng gấp đôi, chi phí học tập tăng gấp đôi.

Để chống tiêu cực trong dạy thêm - học thêm, nhiều lần ngành giáo dục ra công văn yêu cầu giáo viên không được dạy thêm học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy. Nhưng thú thật, việc quản lý dạy thêm của giáo viên đang có nhiều lỗ hổng, không ai có thể đảm bảo khi giáo viên mở lớp dạy thêm ở nhà hay đăng ký dạy ở trung tâm, học sinh không ùa theo học bởi đơn giản bọn trẻ sợ bị… điểm kém.

Tôi xin kể câu chuyện một đứa cháu dạy Văn cấp hai của tôi vừa chuyển công tác từ huyện lên thành phố. Cháu kể rằng vừa đến nhận công tác ở trường mới, được bố trí chuyên môn ba lớp 6. Mới nhận lớp buổi đầu tiên, học sinh đã lên hỏi tới tấp về lớp học thêm và mấy hôm sau phụ huynh đã chở con đến đăng ký học đều tăm tắp dù trước đó học sinh đang theo học giáo viên khác.

Vậy là trong số hơn trăm học sinh đến lớp học thêm đó, không ít đứa trẻ chỉ theo học như một phong trào mà chưa hề biết năng lực của giáo viên giỏi đến đâu, khả năng truyền đạt của giáo viên tốt đến thế nào và bản thân các em sẽ tiếp thu được gì ở lớp học thêm.

Giáo viên chỉ mới “chân ướt chân ráo” đến trường, không hề “đánh tiếng” dạy thêm, càng chưa hề có tai tiếng “ép”, “đì” học sinh không học thêm, vậy mà phụ huynh đã sớm “lo xa”, tìm cách “mua sự yên tâm”!

Tiêu cực trong dạy học thêm, trách ai bây giờ?

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!