Bảo mẫu hành hạ trẻ: Quá trình đào tạo giáo viên có vấn đề?

(Dân trí) - Thêm một vụ bảo mẫu bạo hành trẻ tại TPHCM gây phẫn nộ bởi các hành vi tát, đánh, bóp cổ, dọa dẫm... mất nhân tính với những đứa trẻ. Đáng sợ những hành vi đó đươc các bảo mẫu sử dụng như một phương pháp giáo dục.

Quá trình đào tạo có vấn đề?

Sự việc diễn ra tại điểm giữ trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TPHCM). Chủ trường Lê Thị Đông Phương và cô cấp dưỡng 18 tuổi Nguyễn Lê Thiên Lý dùng rất nhiều “chiêu đòn” đáng sợ với trẻ như tát, đánh, bẻ đầu, bóp cổ, dọa cho đầu thùng nước...

Nhìn cảnh hai người phụ nữ này bạo hành trẻ, nhiều người phẫn nộ đến uất ức, rơi nước mắt, thậm chí không dám nhìn, dám xem cảnh clip quay lại. Có người thốt lên không hiểu Phương và Lý có vấn đề về thần kinh hay không mà có thể ra tay một cách lạnh lùng, thản nhiên đến thế?

Về góc độ tâm lý, chuyên gia Ngô Minh Uy, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TPHCM đưa ra một số lý giải về hành gây phẫn nộ của bảo mẫu tại điểm giữ trẻ Phương Anh. Có thể xuất phát từ áp lực công việc, họ đối diện thường xuyên với bốn bức tường, trẻ đông, ít cô nên quay vòng công việc liên tục dẫn đến sự mệt mỏi, căng thẳng. Khi đó, họ đã nhìn những đứa trẻ như là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi cho mình.

Đặc biệt, đối với với hành vi bạo hành của cấp dưỡng Nguyễn Lê Thiên Lý (nhiều lần dúi đầu trẻ vào giữa hai đùi mình), ông Uy băn khoăn cô gái này có thể gặp về vấn đề gì đó về đời sống tâm lý. Thế nên dẫn đến những hành vi bất thường để xả bức xúc, mệt mỏi.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, việc hành xử này có nguyên nhân trong quá trình đào tạo chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nhà giáo, trong đó có tình yêu trẻ của những bảo mẫu này ở trường sư phạm đã không đạt. Hay nói cách khác là thực sự có vấn đề.

Bảo mẫu hành hạ trẻ: Quá trình đào tạo giáo viên có vấn đề?
Được đào tạo chuyên môn nhưng những bảo mẫu ở điểm giữ trẻ Phương Anh có cách giáo dục vô cùng phản giáo dục và mất nhân tính. 

Theo thông tin từ UBND Q. Thủ Đức, Lê Thị Đông Phương có trình độ đại học, loại Khá chuyên ngành Giáo dục mầm non của ĐH Sài Gòn. Ngoài ra, Phương đã qua đào tạo về chuyên môn như sơ cấp cứu căn bản, lớp cấp dưỡng, lớp quản lý chủ trường và có nhiều năm kinh nghiệm dạy trẻ tại một trường mầm non ở Q.1, TPHCM.

Người ra đòn với vẻ lạnh lùng, bình thản mỗi lúc cho trẻ ăn - Nguyễn Lê Thiên Lý đang học điều dưỡng tại ĐH Sài Gòn, được tuyển vào làm cấp dưỡng và đang trong quá trình thử việc.

Chiều 17/12, trong buổi làm việc với UNND Q. Thủ Đức về vụ việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng chia sẻ băn khoăn về đạo đức nghề nghiệp của các bảo mẫu, nhất là của chủ trường Lê Thị Đông Phương.

Cô này có đủ bằng cấp chuyên môn sư phạm mầm non, từng là giáo viên mầm non nhiều năm lại có thể hành xử kinh khủng như vậy với trẻ. Chưa kể đến những sai phạm mở lớp trông trẻ không đăng lý, tuyển người giữ trẻ không chuyên môn.

Đừng chủ quan tâm lý trẻ bị bạo hành

Khi sự việc phanh phui, nhiều phụ huynh gửi con tại điểm giữ trẻ Phương Anh thẫn thờ cho biết, từ khi gửi ở đây, con mình khi đã có dấu hiệu sợ hãi, khóc lóc khi phải đến trường. Về nhà, có em góc thét, mơ ngủ, bỏ ăn... rất trầm trọng.

Bà Bùi Thị Thanh Lệ, P. Hiệp Bình Chánh, TPHCM - mẹ của cháu Lê Tuấn Khang (19 tháng tuổi) bị Nguyễn Lê Thiên Lý dí đầu xuống đất, dí cổ, bóp đầu, đánh vào mông, lưng... - chia sẻ từ ngày gửi con ở đây, cháu ốm yếu hơn nhiều và có nhiều biểu hiện khác thường như ngủ hay la hét, gặp ác mộng... Bà Lệ gửi con ở đây hơn 3 tháng nay với mức phí 1,3 triệu đồng/tháng.

Bảo mẫu hành hạ trẻ: Quá trình đào tạo giáo viên có vấn đề?
Trước khi sự việc phanh phui, cháu Khang - người bị Nguyễn Lê Thiên Lý dí đầu xuống đất, dí cổ, bóp đầu, đánh vào mông, lưng... - đã có dấu hiệu sợ hãi, ngủ hay la hét, gặp ác mộng.

Ông Ngô Minh Uy đánh giá hành vi bạo hành trẻ của bảo mẫu tại điểm giữ trẻ Phương Anh cực kỳ vô cảm. Nhất là việc đánh trẻ không vì bản thân họ đang tức giận, hay đứa trẻ đang quậy phá, không ngoan. Dường như đòn roi, sự dọa dẫm được những bảo mẫu này sử dụng một cách thường xuyên và nhuẫn nhuyễn như thể đó là một phương pháp giáo dục.

Những đứa trẻ có thời gian dài bị bạo hành với phương thức như vậy, theo ông Ngô Minh Uy là vấn đề đáng lo ngại và nghiêm trọng đối với tâm lý các em.

Ông Trần Đăng Thảo (chuyên gia tham vấn tâm lý, tổng đài 1088) bức xúc cho rằng chỉ những người không được đạo tào về chuyên môn, đạo đức hoặc việc đào tạo thế nào đó thì họ mới có hành xử một khủng khiếp, phản giáo dục như vậy.

Bởi những hành vi bạo hành đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ sau này. Nếu thường xuyên bị bạo hành, không được phát hiện kịp thời trẻ sẽ có những biểu hiện hành vi lo lắng, sợ hãi, co cụm, không chịu nói chuyện, dần trở nên nhút nhát, mất tự tin. Nặng hơn sẽ có những rối loại về tâm lý như trầm cảm, lo âu có thể ảnh hưởng đến lúc trưởng thành.

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh không nên chủ quan với tâm lý của trẻ bị bạo hành. Tuy nhiên, lâu nay khi một vụ việc bạo hành trẻ bị phanh phui, chúng ta thường mới tập trung vào việc xử lý người vi phạm. Còn các em nhỏ là nạn nhân của những vụ việc đau lòng lại chưa được giúp đỡ đúng mức để ổn định tâm lý, lấy lại thăng bằng tránh những bất ổn về sau.  

 

“Nếu có thể, các em bị bạo hành nên được trò chuyện với các chuyên gia tâm lý để được nói, bày tỏ hết về nỗi sợ hãi lẫn sự tức giận của mình khi bị cô giáo hành hạ như vậy. Hoặc chính bố mẹ nên giúp đỡ con nói ra hết.

Con người sẽ có khả năng tự phục hồi, lấy lại cân bằng nếu được chăm sóc tốt. Sau khi được bày tỏ hết sự sợ hãi của mình, điều cần thiết là em cần có điều kiện, môi trường chăm sóc, giáo dục tốt để sớm cải thiện tình hình” - chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy.

Hoài Nam
Dòng sự kiện: Nhà trẻ tự phát