Bạo lực học đường: Phụ huynh thiếu kiểm soát và thấu hiểu con

(Dân trí) - “Gần như không khi nào tôi hỏi con về các sự việc đánh nhau hay to tiếng gây gổ có xảy ra ở lớp hay không. Vì tôi nghĩ nếu có xảy ra việc hư hỗn của con thì cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện ngay lật tức cho phụ huynh, nên tôi bỏ qua vấn đề này”.

Là chia sẻ của phụ huynh khi được hỏi về việc đã dạy con trẻ cách phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) ra sao khi thời gian gần đây không ít những vụ ẩu đả học đường liên tiếp xảy ra, phổ biến các hình thức đánh bạn hội đồng, bắt phạt quỳ xin lỗi và quay video tung lên các trang mạng xã hội…

Khoảng trống từ phụ huynh

Các sự việc bạo lực liên tiếp xảy ra, hàng ngày, hàng giờ, thế nhưng không ít bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ vấn nạn này và đôi khi lại biện hộ cho những hành động đó “xuất phát từ sự bồng bột của trẻ con, lớn lên sẽ tự ngoan”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, sau mỗi giờ tan học, đón con về nhà, tôi thường hỏi con ‘ngày hôm nay ở trường thế nào?’, ‘có gì vui không?’, ‘con chơi với các bạn ra sao?’… gần như không khi nào tôi hỏi về các sự việc đánh nhau hay to tiếng gây gổ có xảy ra ở lớp con hay không. Vì tôi nghĩ nếu có xảy ra việc hư hỗn của con thì cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện ngay lật tức cho phụ huynh, nên tôi bỏ qua vấn đề này.

Bạo lực học đường: Phụ huynh thiếu kiểm soát và thấu hiểu con - 1
Phụ huynh lúng túng dạy con phòng chống bạo học đường (ảnh minh họa).

Anh Hà Quốc Trị (Đoan Hùng, Phú Thọ) có hai cậu con trai học cấp 1 cho rằng, bố mẹ thường ít hỏi con cái về những việc như to tiếng, hay giận hờn bạn nào ở lớp; thay vào đó sẽ lặng lẽ quan sát diễn biến tâm lý và sức khỏe của con mỗi ngày để xét tình hình. Ví dụ ngày nào đi học về thấy con buồn, con chán nản không hào hứng với trò chơi, không muốn ăn cơm, ít trò chuyện với bố mẹ… như vậy là con đã gặp phải vấn đề ở lớp.

Đối với phụ huynh có con lớn tuổi hơn như anh Bùi Tiến Dũng (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, con cái trong và sau độ tuổi dậy thì diễn biến tâm lý rất phức tạp, bố mẹ rất khó để hiểu được tâm sinh lý ấy. Thường ngày, gia đình chỉ hỏi việc học hành, điểm số, thời khóa biểu của con. Chúng tôi không hay nói chuyện về những chủ đề bạo lực học đường; thi thoảng cả nhà ngồi ăn cơm tối, tivi có chiếu về các vụ việc đánh nhau thì gia đình cũng chỉ nhắc nhở cháu không học theo các thói hư tật xấu.

Chị Nguyễn Phương Thảo (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, gia đình vẫn thường xuyên chỉ bảo con không được đánh bạn, không được tụ tập bỏ học và đua theo thói hư của các bạn trong lớp… Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ chỉ bảo, răn đe bằng cách biện pháp trừng phạt nếu con vi phạm.

Phần đa những lời chia sẻ của các bậc phụ huynh, dễ dàng để thấy việc quan tâm và giáo dục con cái trước bạo lực học đường đang bị mơ hồ và bỏ trống; tạo ra một lỗ hổng lớn cho con trong cách ứng biến khi chẳng may gặp phải sự cố bạo lực ở trường.

Bố mẹ là người hiểu con cái nhất

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tư vấn tâm lý nhận định, hiện nay dù toàn ngành giáo dục và cả xã hội đang quyết liệt lên án các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) nhưng về phía phụ huynh lại rất lúng túng trong việc chỉ dạy và khuyên con trước phòng chống vấn nạn này.

Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy sự ảnh hưởng của gia đình và những nhóm xã hội lân cận quyết định phần lớn tới hành vi của các em. Nhưng thời gian bố mẹ dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không.

Mặt khác, phụ huynh cũng đang quá nuôi chiều con quá mức, chỉ biết cung cấp, đáp ứng về tiền bạc, giải trí mà thiếu kiểm soát, quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con trẻ. Mặc nhiên nghĩ rằng nhu cầu giáo dục phòng chống BLHĐ là việc của nhà trường và các thầy cô giáo cần làm đối với học sinh.

Chính vì sự chủ quan như vậy mà các phụ huynh vẫn luôn có suy nghĩ “cháu ở nhà rất ngoan và chăm chỉ; đi học về đều chào hỏi lễ phép và ít khi đi chơi về muộn”. Điều này cần được thay đổi ngay lật tức trước khi quá muộn; giáo dục cho con phòng chống BLHĐ là việc làm liên tục, mỗi ngày thông qua lời nói, cử chỉ, hành động của bố mẹ với hàng xóm và mọi người xung quanh sẽ là tấm gương phản chiếu cho con trẻ noi theo.

PGS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, “tôi cho rằng trong giáo dục phòng chống bạo lực, phụ huynh chiếm 50% sự định hướng, kiểm soát và thấu hiểu con cái trước những hành vi, lời nói, thái độ sau mỗi giờ học trên lớp. Do đó, bản thân các bậc làm bố, làm mẹ cần tự ý thức được trách nhiệm dạy dỗ để mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu các hình thái và hướng xử lý của BLHĐ.

Hà Cường