Bạo lực học đường có thể làm học sinh rơi vào trầm cảm

(Dân trí) - Đại diện học sinh của 6 trường THCS trên địa bàn Hà Nội vừa tổng kết dự án “Be Friend – Phòng ngừa bạo lực học đường, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”. Theo chuyên gia tâm lý, bạo lực diễn ra âm thầm nhưng có thể khiến học sinh rơi vào trầm cảm.

Dự án do tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam phối hợp với Trường Marie Curie tổ chức.

Tại đây các bạn trẻ cũng được tham gia sáng tác, trải nghiệm thông điệp của gần 300 tác phẩm tranh, ảnh, áp phích nhằm đẩy lùi bạo lực học đường.

Bạo lực học đường có thể làm học sinh rơi vào trầm cảm - 1

"Hãy để yêu thương đẩy lùi bạo lực học đường". 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, nạn bạo lực học đường qua những hành động mà chúng ta có thể nhìn thấy như đánh nhau,… đã để lại những hậu quả không nhỏ, song bạo lực về mặt tinh thần còn khủng khiếp hơn nhiều.

“Nó có thể diễn ra âm thầm nhưng làm cho các học sinh rơi vào trạng thái trầm cảm”, ông Tuấn nói.

Cũng theo chuyên gia này, khi rơi vào những tình huống tương tự, học sinh có thể tìm đến các phòng tham vấn tâm lý học đường gặp các thầy cô giáo có chuyên môn để có được hướng giải quyết ngay vấn đề.

Bạo lực học đường có thể làm học sinh rơi vào trầm cảm - 2

"Tích cực yêu thương", tranh của em Vũ Thị Châu Giang. 

Dự án “Be Friend” – phòng ngừa bạo lực học đường, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ là dự án thí điểm của tổ chức GNI thực hiện tại 9 trường THCS trên địa bàn Hà Nội.

Với thông điệp “Là Bạn”, dự án muốn lấy tình bạn, các giá trị tích cực và lạc quan trong tình bạn để thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh trong việc phòng ngừa và đẩy lùi bạo lực học đường.

Nhận xét về vấn nạn bạo lực học đường trường học, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN cho rằng, bắt nạt là chuyện thường của trẻ con để lớn.

Đối với nhiều người, "bắt nạt" là một phần bình thường của tuổi thơ. Vì vậy có bộ phận người lớn xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bắt nạt từ khi mới chớm.

Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tinh thần, bắt nạt bằng lời nói thường chế giễu và phê phán phụ huynh kia là trầm trọng hóa.

Bạo lực học đường có thể làm học sinh rơi vào trầm cảm - 3

"Chung tay bảo vệ trái tim học sinh". 

“Họ cũng thường tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc nhau để lớn lên. Nhưng không phải như vậy. Trẻ em ngày nay có thể sử dụng Internet để nhốt nạn nhân của chúng vào một không gian mạng xã hội mà không thể tránh khỏi sự lo lắng, xấu hổ và nhục nhã.

Tác động của nó có thể gây chết người, lớn hơn rất nhiều so với đấm đá truyền thống”, PGS Thành Nam cho biết.

Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng, giải quyết bắt nạt không đơn thuần chỉ là loại bỏ kẻ đi bắt nạt. Những học sinh tham gia vào bắt nạt có nhiều vai trò, bên cạnh kẻ cầm đầu, còn có những kẻ ủng hộ, và cả những người chứng kiến (có thể ủng hộ hoặc có thể không).

Bạo lực học đường có thể làm học sinh rơi vào trầm cảm - 4

Nhiều bức tranh của học sinh mong muốn xã hội đừng buông tay để loại bỏ bạo lực học đường. 

Do đó, nếu chỉ đơn giản loại ra một kẻ bắt nạt, việc bắt nạt vẫn sẽ không dừng lại vì sẽ có một kẻ bắt nạt khác lên thay thế.

Để ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường, chuyên gia này cho rằng, đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai. Nhiều trường tư thục có tiềm lực tài chính có thể nhập khẩu nguyên một chương trình quốc tế về phòng chống bạo lực để áp dụng trong trường và hướng dẫn giáo viên.

Tuy nhiên, nhiều chương trình đang mang tính hô hào, hình thức và không hiệu quả. Đấy là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý.

Hạnh Nguyên