Bao giờ ĐH Bách khoa lại phải “chạy” ra ngoại thành?

Nhiều trường ĐH trước kia nằm ở bên lề TP, giờ Hà Nội phát triển và mở rộng, nó thành ra lại ở khu vực trung tâm và nằm trong diện phải di dời đến điểm mới. Vậy nếu 50 năm sau, địa điểm mới đó lại trở thành trung tâm, liệu trường có phải “chạy” lần nữa?

Hà Nội đang thực hiện chủ trương cải tạo và di dời gần 50 cơ sở y tế - giáo dục ra khu đất mới “nhằm giảm mật độ dân số khu vực trung tâm, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị”. Câu chuyện có vẻ như đã được bàn thảo kỹ lưỡng của các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa thuyết phục được nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc. Để tìm hiểu thêm, xin giới thiệu bài viết của KTS Ngô Doãn Đức - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam về vấn đề này.

Chuyện di dời nhiều trường đại học ở trong trung tâm thành phố để đáp ứng sự phát triển… đã trở thành một chủ trương, đặc biệt sau khi Hà Nội được mở rộng, có quỹ đất giành cho các trường đại học. Sự bàn thảo đã diễn ra ở một số đơn vị liên quan nào đó, kết quả là đã có việc lựa chọn ra danh sách các cơ sở y tế - giáo dục phải cải tạo hoặc phải di dời. Nguyên nhân phải di dời đã được nói rõ, “nhằm giảm mật độ dân số trung tâm, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị”. Câu chuyện di dời dường như đang được thực hiện một cách bài bản nhưng thực tế có một số vấn đề cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Rõ ràng đất không thể để không

Lịch sử  xây dựng Hà Nội đã được 1000 năm. Trường đại học đầu tiên của Hà Nội là Quốc Tử Giám vẫn còn tới bây giờ. Rồi các trường ĐH Dược, ĐH Y, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm… được hình thành theo chuỗi thời gian, tạo nên một hệ thống các cơ sở giáo dục tại Hà Nội. Tên tuổi, vị trí, kiến trúc của nhiều trường… đã trở thành thương hiệu của mỗi trường, song hành cùng đời sống xã hội. 

Chưa kể, hệ thống các cơ sở giáo dục đó đã trở thành những địa chỉ, gắn với Hà Nội. Chắc chúng ta chưa từng nghe thấy trường Oxford, Havard… tính đến chuyện di dời? Chưa và nhiều khả năng là không bao giờ, vì thành phố Cambridge nếu không còn trường Havard sẽ không còn là Cambridge.

Bao giờ ĐH Bách khoa lại phải “chạy” ra ngoại thành?  - 1
Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Người ta nói đã có những tiêu chí để xem xét di dời các cơ sở y tế - giáo dục ở Hà Nội. Vậy tiêu chí đó dựa trên cái gì, căn cứ vào đâu, đã được sự đồng thuận của phần đông dư luận chưa? Tôi cảm thấy có điều gì đó còn đại khái, có đến gần nửa số trường và cơ sở y tế nêu trong danh sách là không nên di dời đi nơi khác nên cần phân tích cho thấu đáo hơn. Di dời đi, rõ ràng đất không thể để không. Vậy dùng đất làm gì, nhà ở à, văn phòng chăng, hay cái gì khác? Nếu di dời trường để giảm mật độ dân số thì xin hỏi, nhà chung cư, văn phòng làm việc hay trung tâm thương mại… không đông người sao? 

Thêm nữa, ở phương án trường di dời đi một phần và xây thêm cơ sở mới: khi đó ông Hiệu trưởng sẽ ngồi đâu để chỉ đạo cả hai? Giảng viên sẽ phải đi cả chục cây số từ cơ sở 1 tới cơ sở 2 để giảng bài? Rõ ràng với điều kiện của Việt Nam, điều đó là chưa thực tế.

Bệnh viện cũng có tính chất tương tự. Dù là cấp trung ương hay của địa phương thì đều là những cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho dân sinh với nhiều đối tượng và với cự ly nhất định. Nhiều bệnh viện đã có lịch sử tồn tại hàng trăm năm, trở thành dấu ấn gắn liền với lịch sử phát triển đô thị Hà Nội. Phát triển bệnh viện tư nhân sẽ thành một xu thế tất yếu, sẽ góp phần giảm tải cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước nhu cầu ngày một tăng. Thay việc phải di dời, cần cải tạo và nâng cấp trang thiết bị, như ở các cơ sở y tế, bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… cùng với phát triển mạng lưới khám bệnh tư nhân có uy tín là cách làm nên suy tính kỹ lưỡng.

Bao giờ trường ĐH Bách khoa phải “chạy” tiếp?


Đối với trường hợp của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, do Liên Xô thiết kế, quy hoạch, giúp Việt Nam xây dựng trường từ những năm 1956. Lúc đó, địa điểm của trường là ở ngoài trung tâm thành phố.  

Khuôn viên ban đầu của trường tới 40-50 ha, giờ chỉ còn gần 30 ha. Hiện có một phường là phường Bách khoa có đông dân cư trú trên đất trước đây vốn là đất của trường, bản thân trường Bách khoa phát triển đến nay lại thiếu đất. Nếu đặt vấn đề cải tạo có dám tính đến việc di dân để trả lại khuôn viên hay là để phát triển tiếp lại đề xuất phương án “chạy” trường?

Sao không nghĩ tới việc trả lại không gian cho trường này một cách nghiêm túc? Thực ra, thời gian qua, chúng ta đã làm hỏng đi cơ ngơi của một trường ĐH vốn có quy mô khá lớn và được quy hoạch một cách khoa học, bài bản. Không nên nghĩ chuyện cải tạo đơn thuần hoặc di dời nó đi chỗ khác, hãy nghĩ đến chuyện di dời dân để trả lại khuôn viên-trả lại cho Xêda những gì Xêda có, nhằm hoàn thiện nó một cách tốt nhất tại chỗ!

Không thể không đặt câu hỏi: Giả sử như trường ĐH Xây dựng, ĐH Công đoàn... sẽ di dời và giả sử 50 năm nữa, địa điểm mới đó lại trở thành trung tâm (điều đó có khả năng lắm chứ), vậy các trường sẽ chạy đi đâu? Chẳng lẽ lại dời tiếp sang một địa điểm khác? 

Còn một câu hỏi nữa, có lẽ cũng nên đưa ra: Có không, các nhà quy hoạch tham gia bàn thảo phương án cải tạo trường ĐH Bách khoa có nghiên cứu về “lịch sử hình thành phường Bách Khoa” không? 

Sao cứ phải ép “cụ già” thành “đứa trẻ”?


Có một lập luận là bình thường ở các nước phương Tây, bệnh viện trường học ở khu vực ngoại vi. Đó là cơ cấu của một đô thị mới, bài bản. Còn Hà Nội là một đô thị phát triển tiếp nối từ hàng trăm năm nay, nếu không nói tới cả ngàn năm (Hà Nội vừa mới tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đó thôi) thì lại khác. 

Nếu muốn một cơ cấu đô thị tạm gọi là chuẩn mực như thế, hãy đi xây một đô thị khác. Sao lại ép “cụ già” Hà Nội 1.000 năm giống đứa trẻ vài ba tuổi? Điều đó không chỉ vô lý mà còn là điều không chấp nhận được.

Lịch sử này thuộc về cộng đồng, chúng ta chấp nhận cái xứng đáng chấp nhận và cần phải được chấp nhận, như chấp nhận ĐH Dược, ĐH Bách khoa, bệnh viện Việt Đức…, những nơi chẳng phải di dời đi đâu cả.
 
Bao giờ ĐH Bách khoa lại phải “chạy” ra ngoại thành?  - 2
Phố phường Hà Nội trên báo Mỹ.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không di dời bất cứ cơ sở y tế - giáo dục nào. Phải tổng kiểm kê đánh giá và phân loại lại các trường ĐH hiện có trên các phương diện, làm căn cứ xác định cụ thể số trường phải cải tạo hoặc di dời. Phải có quy hoạch vì sự phát triển bền vững lâu dài, chứ đừng chặc lưỡi chấp nhận khó khăn để bị tật khó chữa.

Chúng ta đã có nhiều bài học về những sai lầm trong công tác quy hoạch xây dựng. Nếu không suy nghĩ, bàn bạc một cách thấu đáo, khi hoàn thiện rồi lại loay hoay sửa. Việc di dời này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy, làm phân tán không ít cơ sở chuyên sâu về đào tạo là trường ĐH. Không khéo sẽ làm mất đi tính lịch sử của nhiều trường, bệnh viện và để sửa chữa điều đó là vô cùng khó.

Không loại trừ có những trường hợp lợi dụng việc di dời mà có những “bài tính ngầm” ở nhiều vị trí trở thành những khu đất “vàng”, đắc địa. 5 năm người ta có thể nhớ địa chỉ đó trước kia là trường ĐH nọ đã từng quen thuộc một thời, 10 năm người ta có thể vẫn nhớ nhưng tới 50 năm thì sao? Loanh quanh một hồi có thể lợi ích trong việc di dời không thuộc về các trường học, bệnh viện, càng không thuộc về người dân? 

 
Theo KTS Ngô Doãn Đức
Bee