Bạn đọc viết:

Bao giờ áp lực thành tích vơi bớt đi trên vai con trẻ?

(Dân trí) - Bài viết “Chì chiết con vì không được khen thưởng ngày 1/6” của bạn Loát Trần mở ra một mảnh ghép buồn của những ngày đầu kỳ nghỉ hè đầy mơ mộng trong lòng bọn trẻ.

Một bé gái lớp 7 rớt danh hiệu học sinh giỏi. Một người mẹ là giáo viên cấp hai không tiếc lời mắng con. Một gia đình xào xáo vì chuyện học hành của con cái không như ý. Có lẽ bức tranh ấy không chỉ hiện hiện ở một vài gia đình mà trở thành tình cảnh chung của nhiều mái ấm đang liêu xiêu dịp cuối năm vì bệnh thành tích.

Trường tôi cũng vừa tổ chức hoạt động vui chơi, phát thưởng cho con giáo viên nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi. Những tờ giấy khen phô tô được bố mẹ cẩn thận nộp cho công đoàn để lên danh sách nhận thưởng. Và có những khuôn mặt chưa vui, những đứa trẻ hoàn toàn vắng bóng tại “lễ vinh danh” trong khuôn viên nhà trường.

Một chị đồng nghiệp của tôi có hai cậu con trai, cháu lớp 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học còn cháu lớp 8 rớt danh hiệu học sinh giỏi. Vậy là chị buồn hiu hắt, né hẳn bàn luận đến đề tài danh hiệu cuối năm của con. Chị nhờ tôi vốn gần nhà nhận giúp chị phần thưởng của cháu lớp 1. Vậy là có hai đứa trẻ buồn hiu dịp cuối năm, không được tham gia các hoạt động thiết kế riêng cho các cháu.

Trong khi khá nhiều ông bố bà mẹ hỉ hả khoe điểm 10, khoe thành tích học sinh giỏi thì có không ít người lại ấm ức vô cùng bởi con trẻ không đạt kết quả như mong muốn. Mà kết quả như mong muốn của đa phần phụ huynh là gì?

Đó là những điểm 10 tuyệt đối ở tiểu học, là danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc ở các khối lớp trên. Và tuyệt vời hơn hết thảy là bọn trẻ kiếm thêm được một vài giải năng khiếu các cấp để phần thưởng nhiều thêm ra, niềm tự hào của bố mẹ tràn thêm ra, khuôn mặt hãnh diện của cả nhà cũng rạng rỡ hơn hẳn.

Con điểm 10 vô tri, danh hiệu học sinh giỏi vô giác ấy bỗng hóa thành thước đo năng lực của con trẻ. Một đứa con “thành công” và “thành nhân” là đứa trẻ phải đạt được cái mốc 10 và giỏi ấy ư?

Và con điểm 10 ấy, danh hiệu học sinh giỏi ấy cũng tự bao giờ đã trở thành thước đo sự hài lòng của người lớn. Nhiều người vẫn thường bảo điểm nào cũng được, danh hiệu gì cũng chẳng sao nhưng chúng ta thẳng thắn thừa nhận: ai chả thích điểm 10, ai chẳng thích học sinh giỏi! Và vì ai cũng thích điều đó nên nhiều người bận lòng vô cùng mỗi khi bọn trẻ không đạt ngưỡng mong muốn.

Con điểm thấp, bố mẹ nặng lòng. Học trò chưa đạt số lượng giỏi, thầy cô phiền lòng. Nhà trường không đạt chỉ tiêu, ban giám hiệu không hài lòng. Và như một quy trình khép kín: con điểm thấp, bố mẹ ép con học nhiều hơn; học trò chưa đạt, thầy cô tìm mọi cách nâng chất lượng; chỉ tiêu toàn trường không đạt, ban giám hiệu nhăm nhe nhắc nhở, đe nẹt…

Cuối cùng, khối áp lực khổng lồ vẫn đổ dồn lên vai con trẻ. Thời khóa biểu học kín mít. Luyện thi đến căng người. Hồi hộp vào phòng thi. Nơm nớp chờ đợi điểm số… Chừng ấy vẫn chưa là gì so với việc cuối năm rớt danh hiệu, rớt điểm 10!

Lời chì chiết từ bố mẹ oang oang bên tai. Nỗi tự ti không bằng con nhà người ta nhen nhóm. Sự mặc cảm không được tôn vinh trong lễ phát thưởng ở trường, ở cơ quan bố mẹ, ở dòng họ, ở hội khuyến học phường xã,… càng khoét sâu hơn nỗi buồn trong lòng con trẻ.

Bao giờ áp lực học hành, áp lực thành tích vơi bớt đi trên vai con trẻ? Ấy là khi thước đo về sự hài lòng trong gia đình, nhà trường và xã hội đổi thay. Chỉ tiếc rằng ngay đến một ngày hội dành riêng cho bọn trẻ vui chơi như Quốc tế Thiếu nhi 1/6 mà còn nặng nề chuyện thành tích thì sự đổi thay thước đo hài lòng ấy hẳn còn lắm xa vời…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!