An toàn thực phẩm trong trường học:

Báo động tình trạng buông lỏng quản lý tại các bếp ăn trường học

(Dân trí) - Một công ty cung cấp thực phẩm cho hàng loạt các trường mầm non cũng như tiểu học trên địa bàn TP. Thanh Hóa vừa bị cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Thế nhưng, Phòng Giáo dục cũng như nhiều trường không hề hay biết. Đáng nói, sau khi thu hồi, đơn vị này vẫn tiếp tục cung ứng thực phẩm đến các trường như không có chuyện gì xảy ra.

Phó mặc cho nhà cung cấp

Công ty TNHH TMDV thực phẩm Phúc Nguyễn (số 24 Tây Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa) đi vào hoạt động từ năm 2017. Công ty này không sản xuất bất kỳ mặt hàng nào mà là đơn vị trung gian lấy mặt hàng từ các đơn vị cung ứng khác. Thời điểm đi vào hoạt động, công ty này được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) trong sơ chế, bảo quản các sản phẩm.

Từ đó đến nay, công ty đã cung ứng rất nhiều các mặt hàng cho hàng loạt trường bán trú trên địa bàn TP. Thanh Hóa như: Trường Mầm non Tân Sơn, Mầm non Hoa Mai, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Điện Biên 1, Điện Biên 2…

Báo động tình trạng buông lỏng quản lý tại các bếp ăn trường học - 1

Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sơ chế, bảo quản sản phẩm của Công ty thực phẩm Phúc Nguyễn đã bị thu hồi.

Ngày 26/3 vừa qua, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đi thẩm định định kỳ đã phát hiện vi phạm của công ty và lập biên bản, ra thông báo thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sơ chế, bảo quản các sản phẩm đã cấp trước đó. Thông báo nêu rõ: Căn cứ điểm a, Khoản 6, điều 17, Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018… Và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do đơn vị này cấp vào ngày 26/9/2017 hết hiệu lực từ ngày 2/4.

Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Thanh Hóa cho biết: “Nguyên nhân thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP của công ty thực phẩm Phúc Nguyễn chỉ là do công ty chuyển địa điểm mới, địa điểm này chưa được cơ quan chức năng chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP”.

Bà Thu cũng cho rằng từ nguyên nhân trên nên đoàn không thẩm định các chỉ tiêu đánh giá khác được ghi trong mẫu biên bản như:  Địa điểm sản xuất; trang thiết bị sản xuất; người trực tiếp sản xuất; nguyên liệu và các yếu tố đầu vào; bao gói, ghi nhãn, bảo quản vận chuyển; ghi chép và truy xuất nguồn gốc….

Báo động tình trạng buông lỏng quản lý tại các bếp ăn trường học - 2

Dù đi thẩm định nhưng cho rằng công ty chuyển địa điểm, cần thu hồi giấy chứng nhận nên Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã không thẩm định bất cứ tiêu chí nào.

Dù đi thẩm định, phát hiện vi phạm trên, tuy nhiên Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Thanh Hóa không nắm được công ty dừng hoạt động ở vị trí cũ và đã chuyển địa điểm mới, không đăng ký, không thông báo, hoạt động “chui” từ thời điểm nào.

Đáng nói, hàng loạt các trường với hàng nghìn học sinh  mỗi ngày vẫn ăn thực phẩm mà đơn vị này cung cấp. Lãnh đạo trường vẫn đặt niềm tin vào tấm giấy chứng nhận an toàn mà công ty đã được cấp từ năm 2017 và trong 2 năm qua, Chi cục này mới quay lại thẩm định.

Hầu hết các hiệu trưởng thừa nhận, mỗi ngày nhà trường nhận hàng từ công ty mà không truy xuất nguồn gốc vì tin vào bộ hồ sơ có tấm giấy chứng nhận “an toàn” kia. Việc công ty không hoạt động ở vị trí cũ, chuyển đến địa điểm mới các hiệu trưởng hoàn toàn không biết, không kiểm tra, không giám sát…

Thế nhưng, cho đến khi bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép, công ty vẫn không có bất kỳ thông báo nào về việc dừng hoạt động cung ứng thực phẩm.

Ghi nhận của PV Dân trí vào sáng ngày 3/4, công ty vẫn cung ứng thực phẩm cho rất nhiều trường. Tại Trường Mầm non Hoa Mai, công ty này vẫn cung cấp hơn 25 kg thịt gà, Trường Mầm non Tân Sơn vẫn lấy hàng chục kg thịt ngan, bò và rau…. “Hôm nay trường vẫn lấy thịt ngan, thịt bò, rau cho các con ăn. Nhà trường vẫn không thấy công ty thông báo gì cả nên các chị không biết” - cô giáo Phạm Thị Minh Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn cho biết.

Trao đổi với PV, ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Thanh Hóa cho biết, không nắm rõ được chính xác con số các trường trên địa bàn mà công ty thực phẩm Phúc Nguyễn đang cung cấp. Ông cũng chưa nắm được công ty này bị thu hồi giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

“Nếu đúng là công ty bị thu hồi giấy chứng nhận ATTP thì Phòng sẽ gửi thông báo đến các trường biết và dừng việc hợp đồng với công ty này” - ông Lựu nói.

Có hay không lợi ích nhóm?

Theo nguồn tin riêng, ông Nguyễn Hữu Đức - đại diện công ty thực phẩm Phúc Nguyễn thừa nhận mình có “ô dù” nên rất dễ dàng có được hồ sơ “đẹp” gửi đến các trường. Tất cả các giấy tờ, hồ sơ được làm một cách nhanh chóng mà không cần qua các khâu thẩm định.

Đặc biệt, ông này còn cho biết tên hai lãnh đạo của TP. Thanh Hóa đã gọi điện đến các trường giới thiệu để công ty được đưa thực phẩm vào trong trường.

Đáng nói, người đàn ông này còn khẳng định có thời điểm nhập khoai tây vào với giá 4 nghìn/kg nhưng bán đi các trường lên đến 16-18 nghìn/kg; xu hào nhập 2 nghìn/kg, bán vào các trường 7 nghìn/kg.

Liệu có sự chỉ đạo, có sự bao che và phối hợp để Công ty thực phẩm Phúc Nguyễn đưa thực phẩm vào trong bếp ăn trường học?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!

Nguyễn Thùy