Bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam: Chưa phản ánh đúng bức tranh giáo dục

(Dân trí) - Lần đầu tiên có một nhóm độc lập đứng ra công bố xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam, tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục nhiều tiêu chí đánh giá vẫn còn chưa bao quát được hiện trạng giáo dục ĐH hiện nay.

Mong có các đợt đánh giá thực chất hơn

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng nhận định việc xếp hạng là xu thế khách quan, không chỉ xếp hạng trường ĐH mà có thể xếp hạng về rất nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống hiện đại.

Theo ông Hội Nghĩa, xếp hạng (ranking) các trường ĐH là việc các tổ chức truyền thông, tổ chức chuyên ngành hoặc thậm chí chính một vài trường ĐH tiến hành, nhưng cần nhấn mạnh: xếp hạng chủ yếu căn cứ vào một hệ thống chỉ số, không bao hàm hết được chất lượng toàn diện của một trường ĐH. Vì muốn đánh giá chất lượng cần bộ tiêu chuẩn toàn diện, ​cả định tính và định lượng, thông qua quy trình chặt chẽ, với đoàn đánh giá gồm các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn đánh giá và đo lường trong giáo dục.

Cần theo dõi các bảng xếp hạng khác nhau, tuy nhiên đánh giá, sử dụng kết quả xếp hạng là công việc cần thận trọng, cân nhắc trong kết luận”.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM hoan nghênh tinh thần của nhóm tác giả đã đưa ra bảng xếp hạng đại học Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM hoan nghênh tinh thần của nhóm tác giả đã đưa ra bảng xếp hạng đại học Việt Nam

Với bảng xếp hạng vừa công bố, ông Hội Nghĩa hoan nghênh tinh thần của nhóm tác giả tuy nhiên cũng nhìn nhận gần như mọi bảng xếp hạng bao giờ cũng có ý kiến đa chiều.

Các vấn đề thường hay được nêu lên là: năng lực của chủ thể xếp hạng, bộ tiêu chuẩn/tiêu chí xếp hạng, trọng số của các tiêu chuẩn/tiêu chí, công tác thu thập dữ liệu (tính đầy đủ, tính chính xác, độ tin cậy, ...).

Ngay tổ chức xếp hạng QS nổi tiếng thế giới cũng hết sức ​cân nhắc trong công việc của mình, họ phải nỗ lực rất nhiều để tìm mọi biện pháp nhằm thu thập được thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn, ... Các tổ chức này cũng thay đổi bộ tiêu chuẩn theo thời gian, thay đổi hệ số trong việc tính toán kết quả định lượng.

“Theo tôi, kết quả của bảng xếp hạng vừa qua là một kênh tham khảo, bên cạnh nhiều thông tin khác về các đơn vị trong danh sách. Với chủ thể xếp hạng khác, bộ tiêu chuẩn khác, cách thu thập dữ liệu khác, sẽ có ranking khác. Và tùy quan điểm của các bên liên quan mà họ có sự xếp hạng của riêng mình. Tôi cũng mong là sẽ có các đợt đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn, thực chất hơn về các khía cạnh khác nhau của các trường ĐH”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tiêu chí đánh giá thiếu tính thời đại

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “đây là lần đầu tiên có bảng xếp hạng đại học thì tất nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chẳng hạn theo tôi không thể đánh đồng giữa các ĐH vùng, ĐH quốc gia với các trường ĐH địa phương, trong đó có tới 90 trường đại học thường với số lượng giảng viên rất đông, cơ sở vật chất mạnh thì so thế nào được trong vấn đề đầu tư với tổng hợp ĐH quốc gia hay ĐH vùng. Phải tách các trường ĐH thành viên để so với các trường ĐH đơn lẻ mới có sự công bằng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng bảng xếp hạng lần đầu tiên được công bố nên không thể tránh khỏi những thiếu sót
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng bảng xếp hạng lần đầu tiên được công bố nên không thể tránh khỏi những thiếu sót

Điều thứ 2 là mỗi trường có một sứ mệnh của mình theo phân tầng đại học, chẳng hạn có trường theo định hướng nghiên cứu, có trường theo định hướng công nghệ.

Nhưng ở VN hiện nay, trường định hướng nghiên cứu sinh viên ra trường dễ bị thất nghiệp hơn các cơ sở đào tạo ít nghiên cứu; còn các trường theo hướng công nghệ sinh viên lại dễ kiếm việc làm đáp ứng nhu cầu của nhiều người đồng thời vấn đề nghiên cứu không được những trường này quan tâm, việc công bố bài báo ISI rất tốn kém và các trường này không ưa chuộng.

Trong khi đó, một số trường có tiềm lực tài chính nên đầu tư số lượng bài báo ISI đạt thứ hạng cao nhưng lại chưa phản ảnh được năng lực của người sinh viên sau khi ra trường hay không.

Các tiêu chí đưa ra của nhóm nghiên cứu phần nào tạm đủ nhưng vẫn thiếu yếu tố đang gắn với thời đại hiện nay chính là sự sáng tạo và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sinh viên các trường.

"Tôi nghĩ nhóm nghiên cứu cần bổ sung một tiêu chí không thể thiếu hiện nay là innovation tức phải liên tục cải cách, đổi mới liên tục chứ vấn đề của các trường ĐH Việt Nam hiện nay là sức ì rất lớn. Theo tôi, nếu bảng xếp hạng này có tiêu chí về mức độ hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường thì trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xứng đáng xếp hạng thứ 10 chứ không phải là vị trí thứ 14" - ông Dũng nhấn mạnh.

Bảng xếp hạng mang tính chất tham khảo

Còn PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ thì cho biết: "Quan điểm của chúng tôi việc đánh giá xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam rất quan trọng nhưng không nhằm mục đích đúng nhất. Mà căn cứ vào đó, trong tất cả quy trình đào tạo nhà trường phải làm sao đó phát huy một cách tối đa vốn tiềm lực gồm cơ sở vật chất kỹ thuật và con người. Ít nhất đây cũng là một kênh để trường định hình được mình đang ở đâu, căn cứ vào đó mới tính đến việc sẽ đi đến đâu.

PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng bảng xếp hạng là một kênh có giá trị để các trường ĐH tham khảo và điều chỉnh
PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng bảng xếp hạng là một kênh có giá trị để các trường ĐH tham khảo và điều chỉnh

Đó cũng là nguyên lý đảm bảo chất lượng mà Đại học Cần Thơ vận hành trong mấy chục năm qua. Ông Xê cho rằng theo bảng xếp hạng này, trường ĐH Cần Thơ được xếp thứ 6, trong đó tiêu chí "cơ sở vật chất và quản trị" xếp thứ 3, cá nhân ông cũng thấy hài lòng với đánh giá này".

Thầy Xê cũng nhìn nhận, bảng xếp hạng đại học Việt Nam vừa được công bố, việc so sánh chung giữa các ĐH Quốc gia, ĐH vùng gồm nhiều trường thành viên với các trường đại học đơn lẻ cũng có phần chưa công bằng.

Tuy nhiên theo ông, việc xếp hạng trường đại học chỉ mang tính tương đối nên không thể đòi hỏi sự chính xác 100% được vì thế chúng ta không nên tranh cãi nhiều về kết quả xếp hạng này. Tôi cho rằng bảng xếp hạng này cũng có giá trị tham khảo nhất định.

Lê Phương