Bạn đọc viết:

Bạn có dạy con bài học về sự sẻ chia?

(Dân trí) - Tình cờ đọc bài viết "Món quà từ ông già Noel và những băn khoăn của con trẻ" trên báo Dân trí, tôi như bắt gặp một khúc ca nhịp nhàng trong buổi sáng tinh sương.

Đúng như tác giả Thanh Thanh đã viết, không khí Giáng sinh đã qua nhưng những món quà thì ở lại. Tình yêu thương của chúng ta dành cho mỗi thiên thần bé bỏng của mình mãi mãi chẳng vơi cạn. Và không chỉ Giáng sinh, mỗi ngày mỗi thời khắc trôi qua chúng ta đều có thể dành trọn thương yêu cho con bằng vô số món quà từ trái tim người bố, người mẹ.

Đọc bài viết "Món quà từ ông già Noel và những băn khoăn của con trẻ", tôi bắt gặp một cô bé lên ba hết sức vô tư, hồn nhiên, háo hức và sung sướng vô ngần khi đón món quà từ ông già Noel theo dịch vụ đặt quà tại trường. Và tôi trân quý hơn nữa khi nhận ra tâm hồn con bắt đầu gợn sóng khi phát hiện hai bạn cùng lớp không có quà bởi gia cảnh mỗi cháu mỗi khác nhau.

Những băn khoăn trong lòng con cùng nỗi lo lắng bạn sẽ buồn khi không nhận được quà ẩn hiện qua ánh mắt và câu nói ngây thơ của con. Con đã bắt đầu biết quan tâm bạn bè, và khi con mỉm cười đồng ý hôm sau dành tặng hai bạn hai quyển truyện mới, tôi bật cười nghĩ về sự sẻ chia ấm áp của cô bé lên ba.

Bài học về sự sẻ chia, bạn đã dạy con chứ? Cô bé lên ba ấy và vô số con trẻ khác đang như những trang giấy trắng tinh cần bố mẹ vun xới tính cách, tâm hồn. Khi chúng ta biết gieo những hạt mầm tốt tươi cho con từ tấm bé, chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặt được quả ngọt mát lành trong tương lai.

Tôi biết có khá nhiều cô bé, cậu bé ngoài kia đã đủ lớn, đủ khôn vẫn một mực giữ khư khư đồ chơi, áo quần cũ của mình. Cứ hễ bố mẹ muốn con chia đồ chơi cho bạn hay đem áo quần đã không còn dùng được đi cho là y như rằng cháu giẫy đạp, ăn vạ.

Tôi biết nhiều ông bố bà mẹ ôm con và bao bọc con trong vòng tay của mình từ miếng ăn, giấc ngủ, tấm áo đến tất tần tật mọi thứ. Họ lo cho con, sợ con vất vả nên không cho con động tay vào việc nhà. Họ chu cấp cho con mọi thứ vì lo con thua thiệt bạn bè.

Để rồi quen được cung phụng, con trẻ lớn lên như "búp bê trong tủ kính" - ít giao tiếp, ngại làm quen và chuyện mở lòng ra để san sẻ yêu thương càng là điều hiếm gặp.

Cậu học trò mà tôi từng làm gia sư năm lớp 5 bộc bạch rằng cháu từng gặp một người ăn xin rách rưới ngả nón và không biết ứng xử thế nào dẫu lúc đó trong túi áo cháu có mười lăm nghìn đồng. Tôi hỏi cháu sao không mạnh dạn cho ông một vài nghìn thì nhận được cái lắc đầu "Cháu sợ…".

Cậu bé 11 tuổi lúc ấy vẫn xao lòng trước tình cảnh cực khổ, khốn khó của người ta. Nhưng cậu bé chưa từng, chưa hề và chưa bao giờ cầm một vài nghìn lẻ để vào tay ông cụ một cách trân trọng, cảm thông. Phải chăng bố mẹ cậu bé đã vô tình quên hướng dẫn con cách "cho đi"?

Cậu bé ấy còn biết rung động trước những mảnh đời bất hạnh. Từ những rung động ban đầu ấy, nếu con được bố mẹ vun xới lòng thương người, sự sẻ chia thì chắc chắn trong tương lai, mầm nhân ái sẽ đâm chồi mọc rễ tốt tươi trong con!

Tôi từng bắt gặp khá nhiều bố mẹ sớm tập cho con làm việc thiện. Thỉnh thoảng, các con có thể gom góp sách vở, áo quần tặng bạn nghèo hoặc trích một phần tiền tiết kiệm để tặng các quỹ từ thiện. Đôi khi, một vài cô bé, cậu bé còn được bố mẹ động viên cầm tiền trực tiếp cho những người cơ nhỡ, hoạn nạn.

Chỉ bằng hành động nhỏ bé ấy thôi, chúng ta sẽ nhen nhóm trong lòng con những cảm xúc tích cực về tình người, tình đời. Có biết quan tâm người khác, con mới biết yêu thương hơn bố mẹ của mình và cảm nhận rõ ràng hạnh phúc khi mình chìa bàn tay ra nắm lấy bàn tay run rẩy của người khác.

Hy vọng rằng cô bé lên ba trong câu chuyện "Món quà từ ông già Noel và những băn khoăn của con trẻ" sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mầm nhân ái trong trái tim mình. Còn bạn, bạn đã dạy con bài học về sự sẻ chia chưa?

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!