Bán cái thị trường cần

Trên thị trường lao động thì cũng giống như trên các loại thị trường khác, chúng ta chỉ có thể bán được cái thị trường cần chứ không phải là cái chúng ta có. 162.000 cử nhân, thạc sĩ là cái chúng ta có, nhưng có vẻ như đó lại chưa phải là cái thị trường cần. Chính vì vậy, lực lượng lao động cao cấp này đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài dài.

 
Bán cái thị trường cần
 
Thật khó tin, nhưng thị trường lao động đang gần như lặp lại vết xe đổ của thị trường bất động sản. Các biệt thự cao cấp đang bị bỏ hoang hàng loạt, trong lúc đó các căn hộ cho người thu nhập thấp (và cả người thu nhập trung bình) lại tìm không có mà mua.  

Các cử nhân, thạc sĩ đang chỉ ngồi chơi xơi nước (không chắc đã có nước mà xơi), trong lúc đó lao động có tay nghề cho các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp lại không dễ tuyển dụng. Cung và cầu đã không gặp nhau không chỉ ở trong phạm vi của cái chợ làng, mà trong phạm vi của cả cái chợ quốc gia. Các nhà kinh doanh bất động sản đang tìm cách chuyển đổi các căn hộ cao cấp sang căn hộ trung bình để có thể bán được trên thị trường. 

Các cử nhân, thạc sĩ thì lại đang tìm cách giấu nhẹm chuyện mình đã có bằng đại học, trên đại học để có thể được tuyển dụng vào các nhà máy điện tử của Hàn Quốc (và không chỉ của Hàn Quốc). Cái thời cứ đầu tư vào bất động sản là chắc thắng đã qua. Cũng tương tự như vậy, cái thời cứ học càng cao càng “ấm thân” nghe ra cũng đang qua nốt. Sự thật là: Đất nước ta càng chuyển sang nền kinh tế thị trường nhanh bao nhiêu thì chúng càng qua đi nhanh bấy nhiêu.

Vấn đề là chuyện người người đua nhau làm bất động sản thì đã chấm dứt, thế nhưng chuyện nhà nhà đua nhau cho con vào đại học thì chắc sẽ còn tiếp tục dài dài. Nếu cách làm truyền thống và tâm lý “thích học để làm quan” vẫn còn ngự trị thì chúng ta vẫn còn tiếp tục cho ra không ngừng nghỉ những thứ mà chúng ta có, chứ không phải là những thứ mà thị trường cần.

Thị trường có thể thay đổi và nhu cầu đối với lực lượng lao động cấp cao có thể xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhưng đó phải là hệ quả của một nền kinh tế đã chuyển đổi. Trước khi điều đó xảy ra, việc đào tạo cho thật nhiều cử nhân, thạc sĩ cũng giống như xây dựng cho thật nhiều biệt thự cao cấp mà thôi. 

Nắm bắt sự chuyển động của nền kinh tế để đổi mới công tác giáo dục - đào tạo là rất quan trọng, nhưng quả thật là rất không dễ. Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu của các nhà tuyển dụng để điều chỉnh công tác nói trên chắc chắn sẽ dễ dàng hơn. Thông tin về nhu cầu của các nhà tuyển dụng vì vậy là rất quan trọng. Thông tin này không chỉ là định hướng hết sức quan trọng cho các cơ sở đào tạo, mà còn cho đông đảo các bậc phụ huynh và các em học sinh. 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng
Lao Động