Bác Hồ trong ký ức thầy giáo dạy học sinh miền Nam

Gắn bó 20 năm cùng học sinh miền Nam (HSMN) với 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, thầy giáo Lê Ngọc Lập (SN 1934), Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Thanh Hóa luôn làm theo lời dạy của Bác, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".


Phần thưởng thiêng liêng của Bác Hồ
trao tặng thầy giáo Lê Ngọc Lập. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Phần thưởng thiêng liêng của Bác Hồ trao tặng thầy giáo Lê Ngọc Lập. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Gắn bó 20 năm cùng học sinh miền Nam (HSMN) với 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, thầy giáo Lê Ngọc Lập (SN 1934), Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Thanh Hóa luôn làm theo lời dạy của Bác, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".

Kỷ niệm lần đầu gặp Bác

Chúng tôi ghé thăm nhà thầy giáo Lê Ngọc Lập trong một con phố nhỏ thuộc phường Ngọc Trạo, (TP Thanh Hóa). Kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời dạy học của mình, thầy Lập cho biết: Năm 1956, thầy tốt nghiệp Trường Sư phạm Khu lục xá Nam Ninh (Trung Quốc). Đúng lúc đó, theo chủ trương, chiến lược của T.Ư Đảng và Bác Hồ, đông đảo HSMN được tập kết ra Bắc học tập, rèn luyện để sau này trở thành những “Hạt giống đỏ” cho đất nước.

Về nước, thầy Lập được Bộ GD&ĐT cử về dạy Trường HSMN tại trường số 14, ở thôn La Khê, thị xã Hà Đông. Khi đó, thầy Lập mới 22 tuổi. Rồi thầy đã gắn bó với các Trường HSMN 20 năm đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng (Từ 1956-1976). Những năm tháng cống hiến ấy, thầy Lập đã vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần.

Nhắc lại kỷ niệm lần đầu gặp Bác Hồ, thầy Lập xúc động kể: Đầu năm học 1956-1957, trước khi khai giảng năm học mới, Bộ GD&ĐT tổ chức lớp học tập chính trị cho các thầy cô giáo dạy HSMN tại Trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội).

Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ, hầu hết là các thầy giáo mới ra trường, cũng chưa một lần được trực tiếp gặp Bác Hồ. Hôm đó, chúng tôi không được thông báo trước việc có Bác Hồ đến thăm. Khi Bác xuất hiện, mọi người vô cùng ngỡ ngàng rồi cùng reo lên vui sướng. Mọi người đứng lên chào Bác, ai cũng muốn được nhìn thấy Người.

Trong bộ áo nâu giản dị, Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người rồi căn dặn: “HSMN xa nhà, thiếu thốn tình cảm, chưa quen với phong tục tập quán của miền Bắc, các thầy cô giáo phải yêu thương, gần gũi với các em, coi HSMN như con em của mình. Các thầy cô giáo thay mặt cho Đảng, Bác Hồ, đồng bào Miền Bắc để chăm sóc cho các em HSMN…”.

Những lời động viên, dặn dò của Bác đã khiến các thầy cô giáo trẻ, còn nhiều lo lắng khi chưa hiểu về HSMN thấy vô cùng phấn khởi và yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Vững tin theo lời Bác

Thầy
  giáo Lê Ngọc Lập xúc động kể lại những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn
  Quỳnh

Thầy giáo Lê Ngọc Lập xúc động kể lại những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Mùa hè năm 1958, thầy Lập lại vinh dự được gặp Bác Hồ lần thứ 2 khi đang theo học lớp chỉnh huấn giáo viên dạy Trường HSMN tại Trường HSMN ở Chương Mỹ - Hà Đông.

Thầy Lập nhớ lại: Thông tin Bác đến thăm được giữ bí mật hoàn toàn. Hôm đó, gần kết thúc đợt chỉnh huấn, Ban lãnh đạo lớp chỉ báo là có khách từ Trung ương về thăm.

Tuy nhiên, sáng hôm sau tin Bác về thăm bị lộ ra ngoài nên đông đảo học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân dân tập trung đông kín bên ngoài và trường học. Do đông quá, nên nhà trường thông báo lại là Bác bận không đến được. Mọi người thất vọng ra về. Lúc đó tôi cũng thấy hụt hẫng vì không được gặp Bác.

Nhưng sáng hôm sau, Bác bất ngờ xuất hiện, mọi người hò reo vui sướng đón Bác. Tiếng vỗ tay vang rộ bên ngoài, ai cũng muốn được gần Bác, được nghe Bác nói chuyện. Bác đưa tay lên ra hiệu cho mọi người ngồi xuống và yên lặng, rồi Bác hỏi thăm tình hình dạy học của Trường HSMN.

Những lời động viên, dặn dò của Bác hôm đó thầy Lập vẫn luôn ghi nhớ: “Các thầy cô phải chăm lo cho HSMN thật tốt. Miền Bắc còn nhiều khó khăn, các thầy cô phải giáo dục để các cháu thông cảm cho những khó khăn của miền Bắc để học tập cho tốt. Các thầy cô giáo phải luôn luôn tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp; Giáo viên Trường HSMN phải thực hiện 3 tốt là: Nuôi tốt, dạy tốt và học tốt”…

Lời Bác dặn luôn ghi trong tim

Năm 1960, thầy Lập tiếp tục được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm lớp chỉnh huấn giáo viên dạy HSMN tại Trường Bổ túc Công Nông ở Hà Nội.

“Mỗi lần được gặp Bác, được nghe Bác động viên, thăm hỏi, căn dặn, chúng tôi như có thêm động lực để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Thực hiện lời dạy của Bác, các thầy cô giáo dạy HSMN luôn phấn đấu đạt kết quả tốt trong dạy học, chăm lo, yêu thương HSMN. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Bác Hồ mà còn là tình cảm Nam - Bắc ruột thịt” - thầy Lập nói.

Với sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng, năm 1963, thầy Lập được Bác Hồ tặng Bằng khen; Năm 1964, thầy được Bác tặng phần thưởng là giáo viên dạy giỏi năm 1963 - 1964. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thầy Lập đã trực tiếp đưa gần 500 HSMN về Sài Gòn bàn giao cho gia đình và Bộ GD&ĐT.

Hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương Thanh Hóa, thầy Lập được cử về dạy tại Trường sư phạm 10 + 3. Năm 1978 đến năm 1995, thầy Lập được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường sư phạm 12+2 Thanh Hóa. Năm 1998 đến nay, thầy được mời làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt.

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục với 20 năm gắn bó với HSMN như con em mình, niềm tự hào của tôi là các thế hệ HSMN đã trưởng thành. Trong đó, nhiều người là cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà Nước, nhiều người là doanh nhân thành đạt, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp như lời Bác Hồ đã từng dạy” - Thầy giáo Lê Ngọc Lập.

Theo Nguyễn Quỳnh/GD&TĐ