Bạn đọc viết:

Bà mẹ hai con chia sẻ cách cùng con vượt qua kỳ nghỉ dài vì dịch Corona

(Dân trí) - Hai tuần các con nghỉ để phòng dịch Corona là cơ hội để cả nhà cùng trò chuyện, đọc sách, làm việc nhà. Tôi còn giao cho con làm "bài tập" viết nhật ký qua đó giúp tôi hiểu tâm trạng bọn trẻ.

Khi có thông báo từ nhà trường về lịch nghỉ học chống dịch Corona, bọn trẻ nhà tôi reo ầm nhà mừng rỡ. Không phải lo dậy sớm, cuống cuồng vệ sinh, ăn sáng rồi hớt hải đến trường. Không phải lo soạn bài, làm cả đống bài tập, ôn kiểm tra các môn.

Các con nghĩ, mình sẽ được vui chơi xả láng, xem ti vi đã mắt, ngủ nướng thoải mái không bị bố mẹ la mắng, quản lý sát sao như thường ngày. Làm sao có thể giám sát chặt chẽ các con khi bố mẹ vẫn đi làm? Tôi làm gần nhà nên vẫn có thể đảo về nhà xem chừng và nhắc nhở các con. Nhiều phụ huynh đi làm xa, chỉ còn phương án nhờ ông bà ở quê lên trông các con, gửi các con về quê, bí nhất là nhốt lũ trẻ trong nhà với cái ti vi mở suốt ngày cho đến khi bố mẹ đi làm về.

Nhưng lũ trẻ chẳng vui được mấy hồi. Bởi vì dịch Corona, các phương tiện truyền thông liên tục phát đi thông báo cách thức phòng chống dịch bệnh nên các gia đình đều nghiêm cấm lũ trẻ lang thang ra ngoài, chỉ được phép loanh quanh ở nhà. Con chán quá chạy sang nhà hàng xóm chơi 15 phút là phải về nhà. Một ngày ở nhà chật chội, bí bách, làm sao để các con có những hoạt động bổ ích, không lãng phí thời gian nghỉ dài và vẫn có thái độ tự học là điều mà tôi suy nghĩ, trăn trở.

Con trai tôi học lớp 7, sang ngày nghỉ thứ hai, cô giáo chủ nhiệm gửi phiếu bài tập qua Zalo. Tôi in về để con làm bài. Bài tập thầy cô giao thật sự cần thiết, giúp các con bám sát chương trình, tự ôn luyện và làm bài tại nhà. Những bài tập căn bản trong sách giáo khoa vậy mà con vẫn có chỗ nhầm lẫn. Tôi xem lại bài con làm, chỉ cho con chỗ sai và phát hiện ra con chưa nắm vững lý thuyết. Tôi nhắc con cần hoàn thành hết bài cô giao, thời gian trong ngày chia rõ giờ học, giờ chơi hợp lý.  

Môn Văn cô giao có một câu hỏi thời sự nóng hổi: Trình bày suy nghĩ của em về bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona và nêu các biện pháp phòng tránh căn bệnh này. Tôi nghĩ bài tập này làm khó con và chắc chắn con sẽ hỏi và tham khảo hướng dẫn từ mẹ. Thật ngạc nhiên là bài tập về dịch bệnh Corona này con làm một lèo, liền mạch và có lập luận chặt chẽ: “ Chính phủ Trung Quốc đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì hết khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Những bác sĩ ở vùng tâm dịch đã phải hi sinh mái tóc dài để tránh bị lây nhiễm. Ở Việt Nam, có nhiều cửa hàng lợi dụng tăng giá khẩu trang để trục lợi. Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ đã tình nguyện phát khẩu trang miễn phí cho người dân... Em mong sẽ sớm có thuốc đặc trị để ngăn được con vi rút và chữa khỏi bệnh cho mọi người”. Con thuộc lòng biện pháp phòng tránh dịch bệnh nhưng đến lúc ham chơi, muốn chạy nhảy tụ tập với các bạn thì con quên và tôi phải nhắc con ngay.

Hai con có nhiều lúc kêu ở nhà chán quá, không được gặp bạn bè, thầy cô và nhớ lớp, nhớ trường. Chính lúc này, tôi nói với các con về niềm vui đến trường, niềm vui say mê học tập để được hiểu biết về thế giới rộng lớn xung quanh. Tôi chở con gái đến hiệu sách trung tâm thị trấn, mua tặng con trai truyện Nguyễn Nhật Ánh, con gái tự tay chọn cuốn Đô rê mon mà con yêu thích. Hai tuần nghỉ ở nhà, tôi luôn nói với con: “Đây chính là thời gian tuyệt vời nhất để các con thỏa thích đọc sách, khám phá nội tâm nhân vật và tích lũy vốn từ, cách diễn đạt mượt mà đầy hình ảnh của các nhà văn”.

Con gái lớp 3 được mẹ dạy những kỹ năng đơn giản nhất về nấu ăn: nhặt rau, thái cà chua, rửa rau, đập trứng quấy đều cùng gia vị làm món trứng rán, xới cơm cho cả nhà. Con không có bài tập cô giao nên tôi giao cho con viết một vài bài chính tả và làm những đoạn văn ngẫu hứng về cây hoa trong vườn, niềm vui ngày Tết, niềm vui đi học, nỗi buồn khi bị mẹ mắng. Tôi dạy con cách xem giờ đồng hồ, vì con chỉ thuộc lý thuyết trong sách nhưng cứ xem đồng hồ treo tường nhà là con trả lời sai lung tung. Hai mẹ con cùng đố nhau toán, tiếng Việt, cùng học vui tiếng Anh, mẹ nói sai thì con hào hứng sửa giúp.

Hai tuần nghỉ của các con chính là cơ hội để cả nhà cùng trò chuyện, đọc sách, tự học và làm việc nhà với nhau nhiều hơn. Những bài tập nhỏ tôi giao cho con viết chính là nhật ký sinh động, hồn nhiên giúp tôi hiểu tâm trạng bọn trẻ và điều chỉnh cách dạy con hiệu quả.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!