Ba cậu học trò sáng tạo với sản phẩm đậm chất Tây Nguyên

(Dân trí) - Có chung niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo, ba cậu học trò đã hợp tác sáng chế ra nhiều sản phẩm có ích. Trong đó, sản phẩm “chưng cất rượu hương cà phê” đã đoạt giải quốc gia cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật. Với thành tích đạt được, ba em đã được tuyển thẳng vào đại học.

Cùng là học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), Nguyễn Thành Luân, Tô Hoàng Khang và Lê Đức Thông là những người bạn rất thân thiết với nhau. Ở lớp, cả ba nổi trội về thành tích học tập cũng như đã cùng nhau có chung nhiều giải thưởng xứng đáng cho những sáng tạo độc đáo ở lứa tuổi học trò.

Khang, Thông và Luân
Khang, Thông và Luân (từ trái sang) bên sản phẩm máy "chưng cất rượu hương cà phê".

Vào năm 2013, khi biết thông tin Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp cùng Sở Khoa học - Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk, ba cậu học trò Luân, Khang và Thông đã họp bàn nhau, suy nghĩ đề tài và đã đăng ký tham dự với mô hình “Xe môi trường đô thị đa năng”. Đề tài được thực hiện dựa trên ý tưởng thiết kế 1 chiếc xe đi thu gom rác thải, nhưng đặc biệt hơn chiếc xe này có thể vừa thu gom rác, vừa quét rác và vừa có thể phun nước tưới cây ven đường. Ngoài ra, cả ba cậu học trò đã vô cùng sáng tạo, khi thiết kế thêm hệ thống phun sương để chống bụi khi tiến hành dọn vệ sinh, giúp giảm rất nhiều công lao động của các công nhân dọn vệ sinh đường phố và thân thiện với môi trường.

Với ý tưởng và mô hình vô cùng thực tế, hữu dụng này, sản phẩm “Xe môi trường đô thị đa năng” đã được ban tổ chức đánh giá cao và đã đoạt được giải Nhất toàn tỉnh.

Trong năm 2015, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cho học sinh trung học, cấp quốc gia. Nghe phổ biến cuộc thi, Luân, Khang và Thông đã tiếp tục hợp tác cùng nhau, lên ý tưởng để sáng chế ra sản phẩm dự thi. Lần này, ý tưởng mà cả ba rất tâm huyết là sáng tạo ra một loại thức uống có cồn nhưng lại mang đậm chất Tây Nguyên, khi loại nước này có hương cà phê mà trên thị trường cả nước chưa từng xuất hiện.

“Chúng em rất muốn tạo ra một sản phẩm, đậm đà bản sắc của Tây Nguyên nơi chúng em được sinh ra và lớn lên. Ở Đắk Lắk, rượu cần của người dân tộc Ê đê và cà phê là 2 loại đặc sản mà khách du lịch vô cùng ưa chuộng. Nên chúng em đã có ý tưởng sản xuất ra sản phẩm mang đậm hương vị của cả rượu và cà phê, từ đó máy chưng cất rượu này đã ra đời”, Đức Thông (Trưởng nhóm) cho hay.

Sản phẩm của ba cậu học trò dùng để sản xuất ra loại rượu mang hương vị đậm chất Tây Nguyên
Sản phẩm của ba cậu học trò dùng để sản xuất ra loại rượu mang hương vị đậm chất Tây Nguyên.

Sau khi có ý tưởng, nhóm bạn đã chủ động phân chia nhau đảm nhiệm từng nhiệm vụ riêng trong quá trình sản xuất. Thông nghiên cứu kỹ về rượu, nên đã thường phải đến các lò nấu rượu nổi tiếng của huyện để học hỏi về kinh nghiệm lên men rượu, còn Luân sau các buổi học lại lân la đến các quán cà phê để tìm hiểu cách pha chế cà phê, cũng như xin lại các bã cà phê sạch mà quán đã pha để về làm nguyên liệu thực hành; riêng Khang bắt buộc phải biết cách nấu cơm sao cho phù hợp với quy trình sản xuất rượu.

Sau gần 3 tháng nỗ lực nghiên cứu tìm, tìm hiểu, sản phẩm “chưng cất rượu hương cà phê” của nhóm bạn trẻ ra đời. Sản phẩm này thoạt nhìn vô cùng đơn giản, gồm 1 nồi cơm điện để nấu rượu và bộ phận ngưng tụ có ống dẫn; tuy nhiên để thực hiện thành công loại rượu đặc biệt này, cả ba cậu học trò đã nếm trải không ít lần thất bại. “Lúc bắt đầu làm, vì dung tích của nồi khá nhỏ nên khi nấu rất nhanh nóng và lại rất mau có mùi khê nên cả nhóm đã phải tháo máy ra, sửa chữa nhược điểm này bằng cách lắp thêm cánh quạt ở phần dưới và phần trên để làm tản nhiệt, giảm sức nóng giúp nấu không bị khê như lúc trước nữa”, Luân chia sẻ.

Chỉ cơm nấu chín, để nguội trộn cùng men rượu khoảng 1 tuần, sau đó trộn cùng bã cà phê (bã cà phê đã pha qua) sau đó đem chưng cất bằng cách đưa hỗn hợp này vào nồi nấu và đun sôi khoảng 60 phút, trong thời gian này, hơi nước sẽ thoát ra ngoài qua ống dẫn rồi tới hệ thống làm lạnh, hơi nước sẽ ngưng tụ lại và tạo thành sản phẩm là loại rượu 45 độ vừa có mùi thơm đặc trưng của cà phê, vị chan chát và nồng the của rượu.

Sản phẩm này đã gây được ấn tượng với ban tổ chức vì mang tính sáng tạo rất cao, nên máy “chưng cất rượu hương cà phê” đã nhận được giải Nhì lĩnh vực Hóa học và giải Ba chung cuộc của cuộc thi.

Thầy Phan Văn Vinh - giáo viên chủ nhiệm, cho biết: “Thông, Khang và Luân là những học sinh rất ngoan và có nhiều thành tích cao trong học tập. Cả ba em đều rất nhạy bén, thông minh với việc lên ý tưởng các sản phẩm và hiện thực hóa ngoài đời, những thành tích mà các em đạt được đã minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng trong quá trình sáng tạo”.

Đối với sản phẩm “chưng cất rượu từ hương cà phê”, thầy Vinh cho biết đây là mô hình rất dễ triển khai và có thể áp dụng rộng rãi ở các hộ gia đình và đây là sản phẩm rượu độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên mà trước giờ hầu như chưa có. Bên cạnh đó, nguyên liệu sau khi đã được nấu rượu còn thích hợp để làm phân bón cho cây trồng, rất hữu ích và không gây ô nhiễm môi trường.

Với những sáng tạo và thành tích đạt được, cả ba em đã được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Đại học FPT tuyển thẳng. Trong khi Thông quyết định nộp hồ sơ vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP Hồ Chí Minh, thì Luân lại mơ ước trở thành chiến sĩ công an nên đã đăng ký dự thi trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, Khang thì dự thi Trường Đại học Công nghệ Thông tin để theo đuổi ước mơ trở thành Kỹ sư tin học. Trong những ngày hè này, cả ba cậu học trò vẫn thường xuyên gặp nhau và tổ chức học nhóm, ôn tập bài vở  để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.
 
Thúy Diễm