Câu chuyện giáo dục:

Ba bài văn học thuộc

(Dân trí) - Trước ngày thi học kỳ, cô con gái lớp 3 của chị ôn luyện bằng cách học thuộc lòng ba bài văn đã được cô chữa ở lớp một cách tỉ mỉ.

Con gái chị học tại một trường tiểu học công lập. Năm nay, trường học đã bỏ đánh giá học sinh bằng điểm số chuyển sang đánh giá bằng nhận xét. Vậy nhưng trong cả năm, các học sinh vẫn phải trải qua kỳ thi học kỳ và thi cuối năm để lấy điểm.

Trước ngày cháu thi học kỳ môn tiếng Việt, chị ngạc nhiên rồi chỉ biết lắc đầu trước cách ôn thi của con. Cháu ngồi vào bàn, đọc thuộc lòng ba bài văn do cháu làm theo đề bài ra sẵn của cô giáo.

Học thuộc bài văn mẫu - phương pháp học Văn quen thuộc ở bậc tiểu học?
Học thuộc bài văn mẫu - phương pháp học Văn quen thuộc ở bậc tiểu học?

Không chỉ vậy, các bài văn đã được cô giáo sửa từng ly từng tý, yêu cầu các cháu đọc thuộc bài đã chữa để ngày mai thi chỉ việc chép lại. Người mẹ băn khoăn vì biết rõ đây không phải là viết văn mà phải gọi là chép văn. Nói gì với con lúc này cháu cũng không chịu khi cô đã dặn rất kỹ lưỡng, cháu chỉ nghe lời cô.

Chị mạnh dạn trao đổi với giáo viên. Rõ ràng như cách cho học trò ôn luyện, cô trả lời rằng bài đã chữa, chỉ cần viết vậy là đủ, trẻ con biết gì đâu mà suy diễn. Chị thở dài. Lúc này chị không còn cần điểm 9, điểm 10 ở con nữa nhưng con chị vẫn cần…

Nhìn con hớn hở với điểm 10 môn tiếng Việt mà chị vui không nổi!

Hoá ra nhiều đứa trẻ ở nhiều trường học khác cùng cảnh ngộ như con chị. Vào thời điểm thi học kỳ, các em được giáo viên cho sẵn một số đề làm trước rồi lại được cô chỉnh sửa “trọn vẹn”. Đến ngày thi, học trò chỉ việc chép lại.

Trẻ được đến trường, được học hành để khơi gợi sự sáng tạo, tư duy mà rồi chẳng khác nào chiếc máy chép. Đối với môn Văn còn để làm đẹp cho tâm hồn, cho trí tưởng tượng bay bổng nhưng riêng việc cô giáo yêu cầu học sinh học thuộc để đối phó với thi cử không chỉ “bóp nghẹt” mà phải nói rằng đã “bôi đen” tâm hồn con trẻ.

Từ bài văn học thuộc, trẻ được làm quen với sự dối trá; ngang nhiên “xào” chất xám của người khác trong khi “giết” sự sáng tạo của mình; hình thành thói ỷ lại, dựa dẫm ở trẻ…

Sẽ có giáo viên lý giải rằng phải làm như vậy vì muốn tốt cho trẻ, do bệnh thành tích… Điều đó có nhưng cũng phải nhìn nhận, cũng rất nhiều thầy cô đang sáng tạo, mạnh dạn dạy trẻ để thoát khỏi tình trạng dạy học áp đặt, cứng nhắc. Họ đang giúp trẻ thích ứng với sự thay đổi nhanh của xã hội mà hơn hết là nhích dần đến bản chất thật sự của giáo dục.

Một khi người thầy còn cứng nhắc, lười sáng tạo, coi trọng thành tích trước hết là của bản thân thì sẽ còn… đổ lỗi. Họ đang đi ngược với sự chuyển mình của đổi mới giáo dục.

Bệnh thành tích là điều đáng sợ nhất trong giáo dục. Nhưng đáng sợ hơn hiện không ít người triệt để xem “bệnh thành tích” làm bệ đỡ cho tất cả sự ì ạch, trì trệ, gian dối… của mình. Và họ đang góp sức lớn cho việc kìm hãm chính bản thân trước khi "triệt tiêu" sự sáng tạo của học trò.

Hoài Nam