Bạn đọc viết:

Áp lực điểm 10

(Dân trí) - “Sao lại 9 điểm?”. Câu hỏi hơi gằn giọng và khuôn mặt nghiêm nghị của một số ông bố, bà mẹ khi nghe các con học Tiểu học báo điểm kiểm tra học kì khiến chúng ta giật thót người và trăn trở quá đỗi. 9 điểm là điểm giỏi mà, sao lại chưa làm hài lòng phụ huynh chứ?

Từ lúc nào chẳng biết, người ta ngầm mặc định với nhau rằng: Muốn nhận được lời khen thì phải đạt điểm số tuyệt đối: 10! Bố mẹ đặt chỉ tiêu cho con phải có bao nhiêu điểm 10 cho bấy nhiêu môn học. Để làm gì ư? Để khoe con trong các cuộc chuyện trò xôm tụ. Để khoe mình chăm con giỏi, dạy con ngoan trên các trang mạng. Và để tham gia cuộc chạy đua khốc liệt vào các trường điểm cho bằng chị bằng em nữa chứ.

Mỗi con điểm từ 0 đến 10 là đều những con số biết nói. Đạt bao nhiêu phần trăm yêu cầu của đề bài sẽ có những điểm số tương ứng. Mặc dù đã có qui định đánh giá mới ở cấp tiểu học nhằm giảm áp lực về điểm lâu nay vẫn đè nặng lên vai các cháu. Nhưng mỗi mùa kiểm tra giữa và cuối học kì, các bài làm vẫn được qui đổi thành điểm số. Và chẳng may không nhận được điểm 10, các cháu vẫn nơm nớp lo lắng, vẫn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một mùa học thêm, học kèm sắp tới.

Có người ví von rằng điểm số cũng như đồng tiền đang ngày càng trượt giá. Ngày xưa ấy, mỗi lần đạt điểm 8 là niềm vui đã nhen nhóm lên rồi, còn nhận điểm 9, điểm 10 của thầy cô thì phải gọi là lâng lâng sung sướng. Vậy mà giờ đây, hoa điểm 10 đạt được dễ dàng quá nên mất hết cái cảm giác háo hức, rộn ràng ấy rồi.

Một điều hiển nhiên là các môn Toán, Tiếng Anh có khả năng đạt được điểm 10 cao hơn nhiều so với môn học Tiếng Việt. Các cháu phải kiểm tra phần đọc thành tiếng, viết chính tả, trả lời câu hỏi phần đọc hiểu và làm phần Tập làm văn nữa mới hoàn thành bài thi Tiếng Việt. Mà khó đạt điểm tuyệt đối nhất phải kể đến bài thi Tập làm văn.

Hoàn thiện một đoạn văn ở lớp 3 hay một bài văn có bố cục ba phần ở lớp 4, lớp 5 để đạt điểm 10 đâu dễ dàng gì. Các cháu phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung, diễn đạt, trình bày và không mắc phải các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. Vậy nên môn học này thường chỉ có vài em đạt trọn vẹn điểm 10. Nhưng nhiều phụ huynh buộc con đạt 10 điểm, phải chăng đó là điểm xuất phát dẫn đến nạn chép văn mẫu và học thuộc lòng?

Điểm 10 là đỉnh cao nhất trong bậc thang đánh giá hiện nay. Muốn đạt được con điểm đó, người học phải chứng minh mình là một học sinh xuất sắc. Nhưng mỗi lớp chỉ có vài em xuất sắc thôi chứ hàng loạt như thế thì vô tình tạo ra ảo tưởng cho các cháu và cả phụ huynh. Rồi tất cả sẽ nhanh chóng hụt hẫng bởi lên cấp hai, thang điểm đánh giá sẽ khác rất nhiều. Những bài văn điểm 10 khắp nước ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay, điểm 9 thì thỉnh thoảng và phấn đấu đạt tám điểm cho một bài văn đã là một niềm hạnh phúc.

Mỗi con trẻ có một sở trưởng và sở đoản riêng. Có cháu thiên về các môn tự nhiên, thích những con số, những thí nghiệm. Có cháu có năng khiếu viết lách, thích các môn lí thuyết. Có cháu lại có say mê âm nhạc, hội họa. Phát hiện và tạo điều kiện để con phát huy điểm mạnh của mình có vai trò rất lớn của bố mẹ. Không thể đòi hỏi con phải giỏi một cách toàn diện. Cũng không thể so sánh một cách hời hợt con mình và con người ta về cùng một phương diện. Bởi chúng ta sẽ tự làm khổ mình và làm khổ con!

Nếu bạn có một đứa con đạt toàn điểm 10 thì chưa chắc con bạn sẽ là một đứa trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, thể lực và kĩ năng sống. Bởi khi áp lực điểm số đặt lên vai, các cháu buộc phải tập trung học và luôn mang tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Vừa học vừa nơm nớp lo như thế thì đôi khi sẽ phản tác dụng. Và vô tình, gánh nặng điểm số ấy nhen nhóm lên trong lòng con trẻ của chúng ta muôn nỗi sợ: Sợ học, sợ thi cử, sợ kiểm tra.

Nếu yêu con và hiểu con, chúng ta đừng bao giờ đặt nặng thành tích, biết phát hiện và khơi dậy năng khiếu riêng của con và quan trọng nhất là dạy con có một tâm hồn đẹp: biết yêu thương, giàu sẻ chia. Bạn đã là một người bố, người mẹ thành công và giàu có!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!