Áp lực của học sinh trường chuyên

(Dân trí) - Áp lực của học sinh trường chuyên - luôn phải là "cánh chim đầu đàn" thật sự rất nặng nề, bạn không có quyền tụt hạng, không có quyền đuối sức. Khi bạn đuối sức thì lại vấp phải những phản ứng gay gắt, thiếu cảm thông từ gia đình và bè bạn...

Câu chuyện của em học sinh chuyên Anh - trường chuyên THPT Lê Quý Đôn (Bình Định) tự tử tại nhà riêng khiến lòng tôi đau nhói. Có thể nói, những người đau lòng nhất là gia đình em, sau đó là nỗi ám ảnh cho bạn bè cùng lớp, thầy cô từng dạy dỗ em.

Mọi người đều ngạc nhiên vì em không có biểu hiện gì bất thường, em có bề dày thành tích thi học sinh giỏi, là niềm tự hào của thầy cô trong trường, bản thân em cũng hoạt động phong trào sôi nổi, không ai nghĩ ra lý do để em quẫn trí và hành động dại dột, tước bỏ mạng sống của mình.

Tôi nghĩ học sinh ở lứa tuổi THPT là lứa tuổi cực kì nhạy cảm, các em đang nỗ lực khẳng định bản thân nên chỉ những va vấp rất nhỏ, rất bình thường (trong con mắt người lớn) thì với các em là áp lực đẩy các em tới cảm giác bế tắc và tuyệt vọng.

Tôi từng trải qua cái cảm giác kinh khủng khi đánh mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống trong cảnh học trường chuyên, sống xa nhà, bản thân cảm thấy hoang mang tột độ và không tìm ra lối thoát. Tôi từng là học sinh chuyên từ cấp 2, là học sinh giỏi quốc gia, giành giải Nhất, giải Nhì thi học sinh giỏi của tỉnh, cũng từng là một thành viên năng nổ trong các hoạt động của lớp, được thầy cô bạn bè yêu mến.

Vậy mà khi học lên cấp THPT, tôi đã gục ngã vì những lý do trời ơi đất hỡi. Trong môi trường lớp chuyên, bạn bè tụ về đều là những gương mặt ưu tú xuất sắc từ các huyện, thị xã. Tôi thấy mình lọt thỏm trong vườn hoa thi nhau đua sắc ấy, cảm thấy mình phải phấn đấu không ngừng nghỉ nếu không sẽ thua kém bạn bè ngay lập tức. Bạn bè đẹp hơn, giỏi hơn cũng khiến mình mất ăn mất ngủ, có cảm giác cuộc chạy đua này không cho tôi được nghỉ giải lao. Bạn bè so nhau từng điểm số, xuýt xoa ngưỡng mộ khi ai đó có thành tích nổi bật. Những thành viên cuối bảng thường bị bạn bè xem thường, dù không ai nói ra lời. Thầy cô cũng chỉ chú trọng những gương mặt ưu tú nhất để chọn hạt giống vào đội tuyển thi quốc gia.

Với riêng bản thân tôi khi học THPT xa nhà còn là cảm giác cô độc lạc lõng ở môi trường thành phố náo nhiệt, sôi động, khác biệt với lối sống đơn giản hồi còn ở quê. Có những lời nói, hành động của mọi người khiến tôi cảm thấy mình tổn thương trầm trọng và những nỗi buồn nhỏ này tích tụ lại khiến tôi đến lớp âm thầm như cái bóng.

Tự mình nhận thấy bản thân đã rơi vào trầm cảm, tôi tha thiết xin chuyển về quê học lớp 12. Hai năm học chuyên xa nhà không đem lại thành tích mà người thân mong đợi, tôi chỉ còn là một học sinh thờ ơ, bất mãn với chuyện học hành.

Thi trượt đại học 2 năm liên tiếp, tôi bằng lòng với việc học trung cấp nghề và giấu biệt quá khứ học hành giỏi giang ngày xưa. Chỉ những bạn bè cũ cùng quê mới biết rõ thăng trầm của tôi thời đi học, họ chỉ nhắc lại với vô vàn thắc mắc khi gặp nhau buổi họp lớp. Tôi chỉ cười xòa: "Giờ tớ quên hết rồi, chả nhớ lý do vì sao".

Thế mới biết, áp lực của một học sinh giỏi trường chuyên - luôn phải là "cánh chim đầu đàn" thật sự rất nặng nề, bạn không có quyền tụt hạng, không có quyền đuối sức. Khi bạn đuối sức thì lại vấp phải những phản ứng gay gắt, thiếu cảm thông từ gia đình và bè bạn. Tôi cho rằng, tôi rất may mắn khi rẽ ngang đi học và đi làm xa nhà, được quyền quên đi "mình là học sinh giỏi trường chuyên".

Những bài học thấm thía thời đi học dạy cho tôi cách nghĩ sâu sắc trong việc định hướng, kèm cặp con học hành. Tôi không đặt nặng thành tích cho con, chỉ cần con cố gắng hết mình, tiến bộ và con được làm những gì con yêu thích là tôi thấy hạnh phúc.

Đời sống tình cảm và tâm lý của lứa tuổi THPT biến động phức tạp, nếu người thân không quan tâm đúng mức, chỉ đặt nặng vấn đề học hành điểm số thì chuyện mất con trong tích tắc không còn là chuyện hiếm nữa.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)