Anh: Hai tổ chức giáo dục lớn nhất bắt tay lập “liên minh”

(Dân trí) - Thông tin từ Nghiệp đoàn quốc gia các nhà giáo Anh quốc (NUT) cho biết Nghiệp đoàn này đang trong quá trình đàm phán với Hiệp hội giáo viên và giảng viên (ATL) về việc thành lập cái gọi là “siêu nghiệp đoàn các nhà giáo Anh quốc”.

Cả NUT và ATL đều tin tưởng rằng việc sáp nhập này sẽ gia tăng trọng lượng tiếng nói của họ với lãnh đạo ngành giáo dục Anh. “Với việc các nhà giáo Anh tập trung trong một tổ chức duy nhất, giới giáo chức chúng tôi sẽ dễ dàng thể hiện quyền lực của mình, không nhất thiết cứ phải là đình công hay biểu tình”- Peter Pendle, Phó Tổng thư ký ATL, cho biết.

Lãnh đạo NUT cũng tiết lộ, NUT cũng đang kêu gọi NASUWT- nghiệp đoàn các nhà giáo lớn nhất tại Anh và từ lâu vẫn có mối quan hệ đầy hiềm khích với NUT- cùng gia nhập liên minh.

Tại Anh, NUT và ATL từ lâu đã được xem là hai tổ chức tập hợp các nhà giáo hùng mạnh và có thế lực bậc nhất. NUT lâu đời hơn (ra đời năm 1870) đứng vị thế chỉ sau NASUWT với 330.000 giáo viên thành viên, đội ngũ giáo viên chủ yếu giảng dạy ở cấp cơ sở. ATL ra đời năm 1884, hiện tập hợp khoảng 170.000 giáo viên, chủ yếu đang giảng dạy tại các trường đại học hoặc các trường độc lập tại Scotland, bắc Ireland.

Tuy nhiên, hai tổ chức này vẫn được tiếng là không đồng nhất về mặt quan điểm. Trong khi ATL nổi tiếng là ôn hòa nhất trong 2 nghiệp đoàn báo chí tại Anh (cùng với NUT và NASUWT) thì NUT lại “hung hăng” hơn khi thường xuyên phát động giáo viên đình công.

Mới đây nhất là việc NUT kêu gọi hủy bỏ kì thi kiểm tra cơ bản đối với các trẻ em lên… 4 vì cho rằng kì thi này tạo áp lực quá sớm với các em nhỏ. Dù vậy, họ lại có chung một quan điểm giáo dục: nên tăng cường các viện, trường không thu phí.

Theo giới quan sát, một trong những yếu tố khiến NUT, ATL và rất có thể là NASUWT quyết định bắt tay thành lập liên minh duy nhất hay “siêu nghiệp đoàn các nhà giáo Anh quốc” là những dự báo ảm đạm về tình hình kinh doanh giáo dục tại Anh trong thời gian tới.

Theo dự báo, dù chính đảng nào lên nắm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới thì nhiều khả năng khoản chi của Chính phủ dành cho giáo dục vẫn bị cắt giảm khoảng 12%.

Hồng Sâm (theo The Independent, The Guardian)