Lào Cai:

Anh Chảo Kèn Dùng 30 năm chở đò miễn phí cho học sinh và giáo viên

(Dân trí) - Gần 30 năm gắn bó trên dòng suối Bo, với anh Chảo Kèn Dùng, dòng suối này chất chứa thật nhiều kỷ niệm. Biết bao chuyến đò mà ngày ngày anh Dùng thầm lặng chở giáo viên, học sinh qua sông giờ vẫn còn in sâu trong tâm khảm.

Giúp con trẻ học lấy cái chữ

Dòng suối Bo vốn hiền hòa nhưng lại như “lưỡi dao” chia cắt 5 thôn: Bản Cam, Khe Luộc, Đội 6, Đông Thông, An Thắng của xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Muốn đi từ bên này qua bên kia suối phải đi thuyền hoặc mảng, có những hôm nước cạn, học sinh và giáo viên xắn quần lội sang bờ để đến trường. Sểnh chân ngã là quần áo và sách vở ướt hết cả.

Người lái đò Chảo Kèn Dùng đã 30 năm chở đò miễn phí cho học sinh và giáo viên tới trường

Người lái đò Chảo Kèn Dùng đã 30 năm chở đò miễn phí cho học sinh và giáo viên tới trường

Là người dân thôn Khe Luộc, lại có con gái nhỏ học bên kia suối, anh Chảo Kèn Dùng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của bà con vùng quê nghèo lam lũ. Thương các cháu học sinh ngày ngày đi học đường vòng xa xôi cả chục cây số, anh Dùng nhận tiếp quản chiếc thuyền của UBND xã Gia Phú và ngày ngày chuyên chở giáo viên, học sinh đến trường. Vất vả và gian truân nhất là thời điểm mùa mưa, nước suối dâng cao. Những ngày này, người dân đành phải chịu ở lại bên bờ, học sinh và giáo viên thì chấp nhận nghỉ dạy, học.

Anh Dùng đứng bên bờ suối Bo, mắt xa xăm nhìn xuống mặt nước in bóng nắng lấp loáng hồi tưởng lại: Động lực duy nhất của tôi là được thấy bọn trẻ học giỏi, chăm ngoan. Thôn xóm dù nghèo đấy nhưng không thể để các cháu bỏ lỡ chuyện học hành. Còn chuyện tôi không lấy tiền của bà con thì cũng không có gì to tát, tôi làm để vui qua ngày thôi.

Theo lời anh Dùng thì cứ 4h sáng anh đã dậy để chuẩn bị chuyến đò đầu tiên trong ngày, bất kể mưa nắng, giá rét. “Đi một ngày đàng không bằng một gang nước”, nghề lái đò không phải chuyện giản đơn, chỉ cần sơ sảy là có thể tai nạn ngay.

Mỗi ngày có cả trăm lượt người đi lại qua dòng suối Bo mà chỉ có hai con thuyền chở khách. Thấm thoắt đã gần 30 năm - nửa cuộc đời bồng bềnh trên sông nước.

Ngoài chở miễn phí cho học sinh và giáo viên, thì nghề chở đò cũng giúp anh Dùng kiếm thêm thu nhập với những khách vãng lai. Thế nhưng, trong lòng anh luôn ao ước về một cây cầu bắc ngang dòng suối. “Khát vọng về một cây cầu vượt suối Bo có lẽ là niềm mong ước của tất cả người dân đôi bờ”. Anh Dùng bảo thế.

Cây cầu nối những ước mơ

Những ước mong của người lái đò tốt bụng và các học sinh, giáo viên xã Gia Phú cuối cùng cũng được đền đáp. Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể, mới đây, một cây cầu đã được xây dựng nối đôi bờ suối Bo.

Dòng suối Bo sau trận mưa đêm hôm trước nước dâng cao, đục ngầu. Tôi gặp lại anh Dùng đang ngồi đăm chiêu nhìn dòng nước. “Nếu như chưa có cây cầu này, thì hôm nay các em học sinh phải nghỉ học đấy! Có cầu mới rồi, mưa bão không cản được chân các em đến với “con chữ”. – Anh Dùng nói trong niềm phấn khởi.

Chia tay anh, tôi tìm đến ngôi trường THCS số 3 Gia Phú, cùng thầy trò nhà trường chia sẻ niềm vui cây cầu mới. Tiếp chúng tôi, cô giáo Đinh Thị Mỹ Lệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường không giấu nổi xúc động: “Cây cầu vừa đưa vào sử dụng đầu năm học vừa rồi, nhờ có cây cầu này mà năm học tới số học sinh bán trú của nhà trường giảm đáng kể. Nhiều em cách trường 6 - 7 km, ở bên kia suối cũng có thể ngày ngày đạp xe đến trường”.

Học sinh phấn khởi khi có cây cầu mới

Học sinh phấn khởi khi có cây cầu mới

Ngoài ra, cây cầu còn giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tình hình, vận động học sinh đến lớp, tăng sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, giảm áp lực cho các phòng bán trú.

Ngoài trường THCS số 3 xã Gia Phú còn có 2 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường mầm non cũng được “hưởng lợi” từ cây cầu này. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: “Cây cầu có chiều dài 110 mét, rộng 2 mét, tải trọng 2,5 tấn. Cùng với công trình cầu treo Tả Thàng – Khe Luộc – Bản Cam thì tuyến đường Khen Luộc – Bản Cam dài 2,7 km sắp được hoàn thiện sẽ giúp cho bà con và học sinh trong xã thuận tiện đi lại và học hành. Công trình mở nhiều triển vọng về phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”.

Đứng trên cây cầu treo vững chãi nhìn từng đoàn xe đi lại tôi cảm nhận được niềm tự hào, phấn khởi trong ánh mắt của những người dân từng chịu cảnh “lụy đò”. Dòng suối Bo vẫn còn đó, người lái đò Chảo Kèn Dùng cũng vẫn còn đó và những câu chuyện về chuyến đò ngang sẽ mãi là ký ức đẹp…

Lê Tú