Nghệ An:

6 Sở, ngành đối thoại “nóng” chuyện cô giáo “rơi” tuổi

(Dân trí) -Ngày 13/9, tại trụ sở UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các Sở, ban ngành với bà Phạm Thị Ngọc Liêm (sinh ngày 10/10/1956, xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An) - nhân vật trong bài viết “Cô giáo bị “ép” về hưu sớm khốn khổ “đòi” năm sinh”.

Tham gia buổi đối thoại có đại diện Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh, BHXH tỉnh Nghệ An, UBND huyện Yên Thành cùng các cơ quan, ban ngành liên quan. Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An chủ trì buổi đối thoại.

Toàn cảnh buổi đối thoại 
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa các Sở, ban ngành với bà Phạm Thị Ngọc Liêm. (Ảnh: Doãn Hòa)

Không có chuyện “ép” cô giáo về hưu sớm?

Sau khi bài viết “Cô giáo bị ép về hưu sớm khốn khổ đòi năm sinh” được đăng tải trên báo Dân trí, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm với những khó khăn của bà Phạm Thị Ngọc Liêm đồng thời mong muốn các Sở, ban ngành Nghệ An sớm xác minh, làm rõ sự thật và trả lại các quyền lợi, chế độ chính đáng cho cô Liêm.

Mở đầu buổi đối thoại, bà Phạm Thị Chính - em gái bà Liêm, người đại diện đối thoại hợp pháp cho bà Liêm cho rằng, việc giải quyết chế độ hưu trí cho bà Liêm vào năm 2007 khi bà Liêm mới 51 tuổi, chưa đủ 55 tuổi theo quy định của Luật Lao động, pháp lệnh cán bộ, công chức đã gây thiệt thòi về tinh thần và kinh tế cho bà Liêm.

Toàn cảnh buổi đối thoại 
Bà Phạm Thị Chính - em gái bà Phạm Thị Ngọc Liêm cung cấp nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến ngày sinh 10/10/1956.

“Tất cả các hồ sơ như chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận trúng tuyển kỳ thi hết cấp hai trường phổ thông, bằng tốt nghiệp cấp 3 Bổ túc văn hóa, giấy chứng nhận tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, sổ BHXH ban đầu của BHXH tỉnh cấp năm 1996 cho chị gái tôi đều thể hiện ngày sinh là 10/10/1956. Không hiểu sao, năm 2005, từ lúc cấp lại sổ BHXH thì ngày sinh chị gái tôi lại chuyển sang thành 10/6/1952”, bà Phạm Thị Chính cho biết.

“UBND huyện Yên Thành giải quyết chế độ nghỉ hưu cho chị gái tôi khi chỉ căn cứ vào sổ BHXH năm 2005 trong đó có sự sai lệch về ngày, tháng, năm sinh là không đúng. Tại sao cùng một việc xác minh năm sinh liên quan đến sổ BHXH cho chị tôi mà tổ công tác liên ngành gồm 5 đơn vị và đoàn thanh tra của Sở LĐTB&XH lại có 2 kết quả trái ngược khác nhau?”, bà Chính đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, có hay không chuyện “ép” bà Liêm phải nghỉ hưu sớm trước 4 năm, đại diện phòng GD-ĐT, phòng Nội vụ huyện Yên Thành đều khẳng định, việc tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định giải quyết chế độ hưu trí đối với bà Liêm là căn cứ theo thông tin cá nhân bà Liêm tại các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết chế độ hưu trí (sổ BHXH năm 2005 - PV).

Toàn cảnh buổi đối thoại 
Ông Trần Văn Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành khẳng định không có chuyện "ép" bà Phạm Thị Ngọc Liêm về hưu sớm 4 năm.

Ông Trần Văn Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho hay: “Trước thời điểm cô Liêm nghỉ hưu thì toàn bộ hồ sơ cán bộ, công viên chức của cô Liêm do phòng GD-ĐT quản lý. Tuy nhiên, trong hồ sơ thì có cả sinh năm 1956 và năm 1952 (?). Ngày tháng, năm sinh của cô Liêm có sự sai lệch từ năm 1996, khi làm tờ khai cấp sổ BHXH. Năm 2004, thực hiện công văn của Sở Nội vụ điều chỉnh dữ liệu trong danh sách cán bộ công chức, viên chức có sự sai sót về ngày tháng năm sinh, tên đệm, trong đó có sổ BHXH. Do cô Liêm không cung cấp được hồ sơ gốc, giấy tờ gốc theo quy định, lý lịch gốc đã bị sửa chữa, tẩy xóa nên không thể điều chỉnh lại được năm sinh”.

Còn ông Nguyễn Viết Hưng - PCT UBND huyện Yên Thành cũng cho rằng, họ tên, ngày tháng, năm sinh của bà Liêm có sự không thống nhất. Việc không điều chỉnh năm sinh của cô Liêm từ năm 1952 thành 1956 trong hồ sơ là do cô Liêm không cung cấp được các loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định. “UBND huyện quyết định cho cô Liêm nghỉ hưu là căn cứ vào hồ sơ được lưu từ phòng giáo dục, phòng Nội vụ, Sở Nội vụ chứ không hề có chuyện ép cô Liêm phải nghỉ trước 4 năm”, ông Hưng khẳng định.

Tờ khai cấp sổ và sổ BHXH của cô Liêm năm 1996.
Tờ khai cấp sổ và sổ BHXH của cô Liêm năm 1996.
Tờ khai cấp sổ và sổ BHXH của bà Liêm năm 1996.


Tuy nhiên, bà Phạm Thị Chính lại “phản pháo”: “Lý lịch gốc, hồ sơ gốc của chị tôi do tổ chức quản lý cán bộ (trực tiếp là phòng giáo dục huyện - PV) lưu giữ. Tại sao chị tôi đã làm đơn với trường gửi lên phòng giáo dục để điều chỉnh ngày sinh trong hồ sơ gốc cho đúng với sổ BHXH lại không được?”

“Có sự buông lỏng trong quản lý hồ sơ cán bộ”!

Nói về quy trình cấp, đổi thẻ BHXH, bà Phan Thị Linh - Phó phòng cấp sổ BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi người lao động lập 3 tờ khai lao động cấp sổ BHXH thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào hồ sơ gốc cán bộ công chức, viên chức đang lưu giữ tại đơn vị để kiểm tra, đối chiếu, xác minh và thời gian công tác của người lao động để lập danh sách trình lên BHXH huyện để cấp sổ.

Bà Phan Thị Linh - Phó phòng cấp sổ BHXH tỉnh Nghệ An nói về quy trình cấp sổ BHXH
Bà Phan Thị Linh - Phó phòng cấp sổ BHXH tỉnh Nghệ An nói về quy trình cấp sổ BHXH.

Trong tờ khai của bà Liêm năm 1996 thể hiện ngày sinh là 10/6/1952. Tuy nhiên tờ khai đó có sửa chữa, tẩy xóa từ năm 1952 sang 1956. Năm 1999, thấy sổ BHXH có nhiều lỗi sai do người lao động tự sửa chữa, BHXH tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra. Cán bộ kiểm tra đã sửa lại từ 10/6/1952 sang ngày 10/10/1956 và đóng dấu kiểm tra. Theo bà Linh, đây là một “nghiệp vụ chuyên môn chưa có giá trị pháp lý” vì chưa được giám đốc BHXH tỉnh điều chỉnh bằng một văn bản hành chính!

“Năm 2005, BHXH huyện Yên Thành yêu cầu điều chỉnh sổ BHXH của 99 trường hợp, trong đó có trường hợp của cô Liêm. Trên cơ sở quản lý dữ liệu của Sở Nội vụ không điều chỉnh được ngày tháng, năm sinh của cô Liêm nên chúng tôi đã cấp lại sổ BHXH của cô Liêm theo ngày sinh 10/6/1952 là căn cứ theo tờ khai ban đầu vào năm 1996”, bà Linh nói.

Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An phát hiểu tại buổi đối thoại
Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An phát hiểu tại buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, ông Đinh Xuân Lâm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng: “Việc giải quyết khiếu nại của cô Liêm giữa 2 đoàn: tổ công tác liên ngành (Sở Nội vụ chủ trì) và đoàn thanh tra (Sở LĐTB&XH chủ trì) không có chuyện “đá” nhau (?). Kết quả kiểm tra, rà soát khiếu nại của cô Liêm mà Sở Nội vụ đã báo cáo lên UBND tỉnh có cái chính xác, có những cái chưa hợp lý. Sau khi xem xét lại các hồ sơ, chúng tôi đồng tình với quan điểm giải quyết khiếu nại của Sở LĐTB&XH”.

Ông Lâm cũng cho hay, thời gian trước đây, đời sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn nên một số người có “động cơ” khai tăng tuổi khi làm thủ tục cấp sổ BHXH để được nghỉ hưu sớm. Sau này, chế độ đãi ngộ với giáo viên được cải thiện hơn nên họ lại có ý định được giữ nguyên năm sinh cũ để nhân dài thời gian hưởng chế độ. “Ngoài trách nhiệm người lao động tự sửa chữa ngày tháng, năm sinh thì cơ quan quản lý của người lao động cũng có sự buông lỏng trong quản lý hồ sơ. Khi người lao động làm thủ tục kê khai bảo hiểm tùy tiện và sửa chữa nhưng tổ chức, đơn vị vẫn cho qua…”, ông Lâm nói.

Nhìn nhận vấn đề khiếu nại của cô Liêm, ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An cũng cho rằng: “Trách nhiệm của tổ chức, đơn vị ở đây còn thiếu sót trong quản lý hồ sơ cán bộ công chức viên chức; không lưu trữ đầy đủ, để thất lạc hồ sơ. Căn cứ quan trọng nhất để xác định nhân thân của một người là giấy khai sinh bản gốc được cấp lần đầu tiên. Trong quá trình giải quyết, xử lý về năm sinh của cô Liêm nếu chỉ căn cứ vào một số giấy tờ để ra một quyết định là không chính thống và chưa đảm bảo yêu cầu”.

Ông Nguyễn Bằng Toàn - 
Ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND huyện Yên Thành tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan

Kết luận buổi đối thoại, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Bằng Toàn khẳng định: “Việc giải quyết khiếu nại lần 2 của Sở LĐTB&XH là căn cứ vào hồ sơ, tài liệu liên quan tại thời điểm cô Liêm nghỉ hưu là có cơ sở, căn cứ. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ của cô Liêm, từ năm 1996 trở về trước thể hiện sinh năm 1956 nhưng hồ sơ lý lịch gốc đã bị tẩy xóa nên giá trị pháp lý không cao. Từ năm 1996 đến năm 2007 (thời điểm cô Liêm nghỉ hưu - PV) thể hiện sinh năm 1952. Để xảy ra tình trạng không thông nhất ngày tháng, năm sinh, họ tên cô Liêm có trách nhiệm của phòng GD-ĐT, phòng Nội vụ, Trường THCS Hồng Thành và cá nhân cô Liêm”.

 
Ông Toàn cũng yêu cầu UBND huyện Yên Thành tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời thông qua buổi đối thoại, Sở LĐTB&XH ghi nhận ý kiến của bà Liêm để báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An giao cho cơ quan thẩm quyền có giải quyết trong thời gian tới.
 

Trong lúc cuộc đối thoại của các Sở, ban, ngành chưa có hồi kết, chúng tôi thấy bà Phạm Thị Ngọc Liêm ngồi lặng lẽ bên người em gái của mình. Trò chuyện với PV Dân trí  sau buổi đối thoại, bà Liêm tâm sự, bà cũng đã quá mệt mỏi sau chặng đường khiếu nại đến các cơ quan, ban ngành suốt hơn 4 năm qua để “đòi” lại năm sinh cho mình.

“Chỉ vì sự chênh lệch năm sinh trong hồ sơ BHXH với chứng minh nhân dân mà tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh cũng như thiệt thòi về tinh thần lẫn vật chất. Tôi chỉ mong sao, các ban ngành sớm làm rõ sự thật, quan tâm để tôi được hưởng các quyền lợi, chế độ chính đáng…”, bà Liêm bộc bạch.


Doãn Hòa - Nguyễn Duy