Tổng kết năm học giáo dục THPT:

5 nhiệm vụ của giáo dục THPT trong năm học mới

(Dân trí) - Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với phát triển năng lực và phẩm chất người học; Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học... là những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục THPT trong năm học mới.

Công tác phân luồng chưa cao

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong năm học 2016- 2017, công tác giáo dục THPT đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các loại hình trường lớp trung học đã được các sở chú trọng phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến.

Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được duy trì tích cực, hiệu quả, tạo được nhiều chuyển biến trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trung học. Tích cực thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng GDTrH và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Công tác phân luồng học sinh THCS và THPT chưa đạt hiệu quả cao. (ảnh minh họa)
Công tác phân luồng học sinh THCS và THPT chưa đạt hiệu quả cao. (ảnh minh họa)

Các sở GDĐT đã tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo địa phương tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng, tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều tra, quản lý đối tượng, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và kết quả phổ cập giáo dục THCS.

Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên thể hiện qua kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực các cấp tăng so với năm học trước; kết quả các kỳ thi, cuộc thi quốc gia, quốc tế có số lượng và chất lượng giải đều tăng.

Mặc dù vậy, công tác phổ cập giáo dục THCS ở một số huyện, xã miền núi, vùng cao có tỉ lệ đạt chuẩn chưa đảm bảo tính bền vững. Công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa đạt hiệu quả cao.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Để tiếp tục triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ và 05 giải pháp cơ bản của toàn ngành, trong năm học mới, giáo dục trung học phổ thông tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông trung học chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục trung học. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục trung học.

Đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ giáo dục trung học.

Thứ 3, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trung học để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Căn cứ chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng để làm quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại; rà soát quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và tôn vinh đội ngũ nhà giáo theo chuẩn; rà soát tinh giản, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý để đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học và quản lý.

Rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Năm học mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp cận chương trình phổ thông mới (ảnh minh họa)
Năm học mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp cận chương trình phổ thông mới (ảnh minh họa)

Thứ 4, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục trung học

Tiếp tục khai thác có hiệu quả trang mạng Trường học kết nối và các hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh trung học.

Tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế để đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động nhiều nguồn lực phục vụ đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng.

Thứ 5, đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh ở địa phương, mô hình phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường trung học đào tạo kỹ năng nghề trong giáo dục hướng nghiệp. Huy động các nguồn lực tài chính giúp tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học.

Tham mưu với Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Mỹ Hà