400 trẻ mầm non “khát” nước

(Dân trí) - Trường mới được xây dựng khá khang trang, nhưng lại không có lấy một giọt nước. Điều này khiến hơn 400 trẻ nhỏ cùng các giáo viên trong trường phải sống trong cảnh “khát” nước, phụ huynh phải mang theo nước đến trường, giáo viên phải... đi vệ sinh ngoài vườn.

Phụ huynh phải mang nước đến trường
 
Đó là tình cảnh mà thầy và trò Trường mầm non Sa Bình (xã Sa Bình, Sa Thầy, Kon Tum) đang phải gánh chịu mùa khô này. Ngôi trường này mới được xây dựng khang trang với kinh phí 1,5 tỷ đồng và được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2012. Nhưng cả hệ thống trường gồm 13 phòng học có hệ thống nhà vệ sinh tự hoại đầy đủ, với 443 trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi đang được nuôi dạy từ sáng đến chiều tại trường, cùng 17 giáo viên và 3 cán bộ quản lý tại trường lại không có lấy một giọt nước để thầy trò sinh hoạt từ nấu ăn, vệ sinh lau rửa cho các bé, cho đến vệ sinh tiêu tiểu. Điều này khiến mọi sinh hoạt dùng nước của cô và trẻ đều bị đảo lộn.
 
400 trẻ mầm non “khát” nước - 1
Trường mầm non Sa Bình được xây dựng khá khang trang nhưng lại không có lấy một giọt nước để sử dụng vì không có giếng cũng như hệ thống nước sạch.
 
Cô Nguyễn Thị Liên, hiệu phó nhà trường cho biết, do các bé ăn ở tại trường từ sáng đến chiều tối, nên mỗi ngày cần một lượng nước khá nhiều cho các bé sinh hoạt, đặc biệt là tiêu tiểu và vệ sinh tay chân cho các bé. Nhưng trường lại không có lấy một giọt nước nào, vì vậy, mỗi buổi sáng đưa con tới trường mỗi phụ huynh phải mang theo một can nước từ 10 đến 20 lít nước để cho các bé sử dụng vào việc rửa mặt, rửa tay chân, và tiêu tiểu.
400 trẻ mầm non “khát” nước - 2
Không có nước khiến sinh hoạt của hơn 400 trẻ nhỏ và giáo viên bị đảo lộn.

“Ở đây hệ thống nhà vệ sinh thì đầy đủ, nhưng nước lại không có lấy một giọt. Phụ huynh phải tự mang nước tới trường để cho con mình sử dụng, nhưng có gia đình cũng không có nước để mà mang đi vì ở đây đang mùa khô hạn, nhiều nhà giếng không có nước, nên chúng tôi phải dùng thật tiết kiệm cho các bé”, cô Liên tâm sự.
400 trẻ mầm non “khát” nước - 3
Những can nước của phụ huynh chất đầy nhà vệ sinh của lớp để cho con em dùng.

Không chỉ khâu vệ sinh thiếu nước trầm trọng, mà việc nấu ăn bữa trưa và bữa xế cho các bé cũng không có lấy một giọt nước để dùng. Nên mỗi buổi sáng, 3 cô cấp dưỡng của trường phải mang mỗi chiếc can nhựa từ 20 lít trở lên thay nhau đến nhà dân để xin nước về nấu ăn cho các bé: “Mỗi ngày, chúng tôi phải chở gần 40 can nước như thế này mới đủ dùng cho việc nấu ăn”, một cô cấp dưỡng của trường cho biết.
 
400 trẻ mầm non “khát” nước - 4
Những can nước để ngoài hiên để các bé rửa tay chân.

Ái ngại nhất đó là khâu vệ sinh của 20 cô trong trường, do hầu hết các cô nhà đều cách trường hơn 10km, trong khi trường lại không có nước. Vì thế, mỗi lần đi vệ sinh, các cô phải tìm nơi vắng người ngoài rẫy mì để "giải quyết".
 
400 trẻ mầm non “khát” nước - 5
Mỗi buổi sáng 3 cô cấp dưỡng của trường phải vào khắp làng xin và chở hơn 30 can nước như thế này để nấu ăn phục vụ các bé.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra với Trường mầm non Sa Bình, mà còn diễn ra nhiều năm nay với Trường tiểu học cơ sở Nguyễn Bá Ngọc (nằm sát vách với Trường mầm non Sa Bình). Mặc dù trường vừa được xây dựng khu nhà vệ sinh khá khang trang, sạch sẽ nhưng lại được khóa im ỉm vì không có nước, đồng nghĩa với việc các em học sinh phải “lang thang” đi vệ sinh ngoài khu vườn bên cạnh trường.

“Ở đây các em chỉ đi tiểu, còn đi cầu thì không có chỗ đi. Vì không có nước, nếu làm nhà vệ sinh tạm cho các em đi cầu thì cũng không được, vì mùa khô gió to mùi hôi thối sẽ bốc lên không chịu được, nên trường không có chỗ cho các em đi cầu. Còn giáo viên muốn đi vệ sinh thì phải đi nhờ nhà vệ sinh của trạm y tế xã, hoặc đến nhà của một số hộ dân xung quanh để đi nhờ”, cô Dương Thị Hảo, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc ái ngại nói.

Khao khát có 1 cái giếng khoan

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, khi mùa khô đến là tình trạng thiếu nước lại diễn ra với các thầy trò của 2 ngôi trường trên. Cô Hảo cho biết, mặc dù trường có 2 chiếc giếng đào sâu đến gần 20m, nhưng khi mùa khô đến là giếng khô cạn, phải nhờ vào “ơn trời”.
 
400 trẻ mầm non “khát” nước - 6
Chiếc giếng của Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc đào sâu 20m nhưng vào mùa khô cũng đành bỏ hoang vì không có nước.

Cô Liên cho biết thêm: “Một số nhà dân bên cạnh có giếng tự đào nhưng giỏi lắm cũng chỉ đào sâu được 15 đến 20 mét là gặp đá bàn, sẽ không đào được nữa, vì vậy giếng ở đây rất ít nước, mùa khô thì không có nước. Mà công đào giếng cũng rất cao 1,2 triệu đến 1,5 triệu/m đất. Đào một cái giếng cũng hết mấy chục triệu tiền công chưa nói tiền bi giếng, nhưng mùa khô cũng không có nước”.

Không có nước dùng, một số nhà dân đã phải chung tiền bắt đường nước ở dưới sông lên để sinh hoạt, mặc cho việc vệ sinh không được đảm bảo, nhưng vì thiếu nước họ cũng không còn nguồn nước nào khác. “Chúng tôi xin người dân bắt đường ống dẫn nước từ gần sông lên để dùng vào việc vệ sinh tiêu tiểu, nhưng kinh phí để mua đường ống dẫn nước khá nhiều, vì phải mất vài trăm mét đường ống. Và người dân cũng yêu cầu trường phải đóng 150.000 đồng/ngày tiền điện, nên chúng tôi không có tiền để bắt nước chung với họ”, cô Liên than thở.
 
400 trẻ mầm non “khát” nước - 7
Khu nhà vệ sinh khá khang trang nhưng đành phải khóa cửa vì không có nước, các em học sinh phải đi vệ sinh lung tung ngoài đất trống.

Vì đào giếng vừa tốn kinh phí, vừa không có nước vào mùa khô, cách duy nhất để có nước ở đây đó là khoan giếng. Nhưng để có một chiếc giếng khoan ít nhất cũng phải mất từ 100 triệu đồng trở lên, vì phải khoan sâu ở độ sâu gần 100m. Trong khi cả hai ngôi trường đều không có nguồn kinh phí nào.

Cô Liên cho biết, trước tình hình trên, cách đây hơn 1 tháng, trường đã họp các phụ huynh để bàn về chuyện đóng tiền khoan giếng, với kế hoạch gia đình nào có các cháu lớp chồi, lớp mầm… thì đóng 200 nghìn đồng, còn các cháu lớp lớn thì đóng 100 nghìn đồng. Nhưng do hoàn cảnh nhiều gia đình khó khăn, có nhiều phụ huynh là người dân tộc thiểu số, các gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, giá mì năm nay lại thấp nên nhiều gia đình đã không đồng ý với việc đóng tiền.
 
“Đến nay mới có khoảng 5 gia đình đóng tiền để thực hiện kế hoạch khoan giếng, còn các gia đình khác chưa chịu. Cũng phải thông cảm vì người dân ở đây đang còn nhiều khó khăn, giá mì năm nay lại bị rớt”, cô Liên bùi ngùi nói.

Trong khi đó, Trường tiểu học Cơ sở Nguyễn Bá Ngọc cũng đã nhiều lần làm đơn trình lên Phòng Giáo dục huyện xin kinh phí xây giếng nhưng vẫn chưa thành.

Một chiếc giếng khoan cung cấp nước vào mùa khô cho các em học sinh là mong ước thống thiết nhất hiện nay của 2 ngôi trường này.

Thiên Thư