3 bí quyết soạn, giảng đáp ứng nội dung đổi mới dạy và học

Kinh nghiệm mà tôi rút ra sau nhiều năm giảng dạy là để một tiết dạy thành công, giáo viên cần làm tốt 3 khâu: Một là người tổng đạo diễn, hai là diễn viên, ba là nhà phê bình.

3 bí quyết soạn, giảng đáp ứng nội dung đổi mới dạy và học
 
Giáo viên nên hiểu câu nói “Biết 10 thì mới dạy 1”. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin làm rõ một số vấn đề về phương pháp soạn bài và giảng bài bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đối tượng học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò kiến tạo và dẫn dắt cho học sinh...

Khi giáo viên thực hiện bài giảng khâu đầu tiên là phải soạn bài, bài soạn tốt là tiền đề cho tiết dạy có hiệu quả nên bài giảng phải đảm bảo các khâu sau:

Nội dung phải chính xác khoa học, có tính hệ thống, rõ trọng tâm, có liên hệ thực tế, có tính giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh mà giáo viên dạy.

Phương pháp phù hợp với đặc trưng bộ môn, nội dung của bài lên lớp, biết kết hợp tốt các hoạt động dạy và học.

Phương tiện và thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài giảng, tạo hình ảnh trực quan, dễ tiếp thu cho học sinh. Trình bày bảng hợp lý, chữ viết và nói rõ ràng, có nhấn mạnh kiến thức cần thiết, hình vẽ chuẩn xác.

Tổ chức thực hiện linh hoạt các khâu lên lớp, phân phối thời gian hợp lý, hướng dẫn học sinh tham gia vào bài giảng tích cực, chủ động. Biết tạo ra các tình huống để học sinh tham gia giải quyết vấn đề một cách hứng thú.

Kết quả bài giảng phải đạt được là đa số học sinh nắm được bài, biết vận dụng vào một số bài tập.

Để làm tốt các phần việc trên công việc đầu tiên giáo viên cần biết kiểu bài dạy từ đó có cách soạn bài cho phù hợp. Ví dụ bài dạy lý thuyết về khái niệm, định lý, công thức, bài dạy bài tập, ôn tập chương, ôn tập cuối học kỳ.

Nếu bài dạy khái niệm mở đầu thì giáo viên cần tìm hiểu khái niệm này xuất hiện do đâu, hoàn cảnh nào, tác giả là ai, hướng khái niệm đó giải quyết những vấn đề gì... có như vậy giáo viên tạo được phương hướng học của học sinh về khái niệm đó.

Nếu bài dạy bài tập, giáo viên cần nắm chắc các dạng toán của phần kiến thức đó từ đó chế biến, tổng hợp lại tạo ra các bài toán mới có tính bao quát, hệ thống, dễ nhớ và vận dụng. 

Giáo viên cần phân biệt chữa bài tập cho học sinh với dạy học sinh làm bài tập. Nếu là bài tập tiết 1 thì cần ôn lại kiến thức đã học như thế nào, chọn những nội dung bài tập nào trong sách giáo khoa, sách bài tập để chữa cho học sinh. 

Sau mỗi loại bài tập đã giải quyết cần rút ra được điều gì, căn cứ vào đặc điểm nào để đề ra đường lối giải của loại bài toán đó. Giải xong bài toán nên hướng dẫn học sinh cách đặc biệt hóa, khái quát hóa để được các bài toán mới, xếp nhóm các bài toán lại với nhau tạo ra công cụ tư duy toán về sau. Đối với học sinh trung bình, yếu, giáo viên cần phải nêu rõ từng bước giải bài toán.

Nếu là bài dạy hỗn hợp giữa lý thuyết và bài tập thì phải chú ý bài tập làm rõ lý thuyết và lý thuyết tạo nên cách giải bài tập, do đó bài tập phải đan xen trong khi dạy lý thuyết.

Nếu là dạng bài ôn tập chương thì giáo viên hướng dẫn học sinh cách tổng kết lý thuyết ở nhà, tổng hợp các dạng toán có trong bài tập của chương. 

Khi dạy giáo viên cần tích hợp lại bằng bài toán có tính chất tổng hợp cho học sinh để ôn tập. Chú ý giáo viên cần đưa ra được các tình huống học sinh hay hiểu nhầm, hiểu sai khi giải bài để các em rút kinh nghiệm.

Hoặc khi giải bài toán tưởng chừng đơn giản, giáo viên không làm cụ thể khi cần hướng dẫn học sinh sẽ lúng túng như bài toán sau: Cho tứ diện ABCD có tất cả các cạnh tiếp xúc với một mặt cầu. Chứng minh ràng tổng các cặp cạnh đối bằng nhau.

Khi giảng về các đường tiệm cận của đồ thị hàm số ta nhận thấy thông thường một đồ thị hàm số có tiệm cận đứng và tiệm cận ngang hoặc tiệm cận đứng và tiệm cận xiên. Giáo viên nên đặt ra câu hỏi có đồ thị hàm số nào có cả ba loại tiệm cận đứng, ngang và xiên không? Nếu có lấy ví dụ minh họa.

Khi soạn bài để giảng cho học sinh, giáo viên cần đặt ra câu hỏi soạn thế nào, hệ thống câu hỏi để hỏi học sinh ra sao, phù hợp với lớp học sinh dạy chưa, trọng tâm bài dạy là đâu, dự kiến câu trả lời của học sinh để giáo viên có hướng giải quyết tiếp theo… 

Sau khi giảng xong bài cho học sinh, giáo viên cần tự tổng kết, đánh giá kết quả giảng dạy điều gì tốt, điểm nào không phù hợp cần điều chỉnh, điều nào hay cần bổ sung vào giáo án. 

Thay đổi mức độ một số kiến thức cũng như phương pháp từ lớp này chuyển sang lớp kia để đối chiếu và rút ra được các ưu nhược điểm trong bài giảng.

Ví dụ khi giáo viên dạy cho học sinh về phép tính gần đúng bằng công cụ đạo hàm, nếu giáo viên thực hiện theo trình tự như sách giáo khoa thì học sinh có thể đặt ra câu hỏi là em đã bấm máy ra kết quả ngay mà không cần phải làm nhiều thao tác như hướng dẫn của giáo viên. 

Đó là một câu hỏi hay của học sinh. Khi đó giáo viên sẽ khó chủ động giải thích cho học sinh. Giáo viên nên đảo lại cách hướng dẫn là vào nội dung học, cho học sinh tính đại lượng gần đúng bằng cách bấm máy tính và đọc kết quả. 

Tiếp theo giáo viên hỏi học sinh là làm thế nào mà máy tính thực hiện được có kết quả trên, từ đó đi đến bài học xây dựng cách tính gần đúng bằng công cụ đạo hàm.

Khi giáo viên thiết kế bài giảng cần chú ý đến các bước tiến hành của một giờ trên lớp theo yêu cầu mới, chia kiến thức cần dạy thành các đơn vị nhỏ hơn, tính thời gian cho từng đơn vị kiến thức đó, cách thức truyền đạt kiến thức từng phần, liên kết giữa các phần học trên. 

Ví dụ khi thiết kế bài giảng về bài tập giới hạn hàm số sau giờ lý thuyết (Chương trình đại số lớp 11) chúng ta cần đưa ra được các đơn vị kiến thức sau: Bài tập tìm giới hạn theo định nghĩa (một bài đơn giản), bài tập tìm giới hạn theo định lý (hai bài), bài tập cần phải biến đổi để đưa về dạng định nghĩa hoặc định lý (hai bài), bài tập tổng hợp của hai dạng trên (một bài). Dạng này chỉ áp dụng với lớp có học sinh khá, giỏi. 

Trong quá trình dạy, giáo viên cần đưa ra được các thiếu sót mà học sinh hay mắc phải như không có dấu lim, không có giá trị x dần tới, sử dụng định lý không đúng… Đối với lớp khá, giỏi, giáo viên có thể giới thiệu thêm về kỹ thuật thêm bớt, đặt ẩn phụ, tách các số hạng...

Giáo viên phải biết tạo ra các phản ví dụ cho học sinh nhận biết bài học sâu sắc hơn, nhất là các bài về khái niệm mới.

Giáo viên nên thay đổi hoặc bổ sung, thêm bớt nội dung bài dạy cho phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Phải hiểu rõ kiến thức dạy thì giáo viên sẽ biết dạy cái gì và dạy như thế nào. 

Giáo viên cần hỏi học sinh câu nào, hỏi như thế nào để làm nổi bất kiến thức cần dạy. Kiến thức nào cần thuyết trình, kiến thức nào cần phát vấn, kiến thức nào để học sinh tranh luận có hiệu quả hơn. Giáo viên cần chỉ ra kiến thức khi học sinh vận dụng hay gặp sai sót, nhầm lẫn để các em biết phòng tránh.

Để nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên cần điều chỉnh dung lượng kiến thức cho phù hợp, quá trình nhận thức của học sinh phải đảm bảo từ trực quan đến trừu tượng, từ cụ thể đến khái quát và từ khái quát về cụ thể.

 Để có bài giảng tốt, giáo viên cần trao đổi thường xuyên với đồng nghiệp, sách báo, các phương tiện thông tin khác. Cần ghi chép lại cẩn thận những phát hiện hay, bài giảng tốt trong giáo án để lần sau giảng tốt hơn và chia sẻ được với đồng nghiệp.

Giáo viên cần phải cập nhật thông tin về giảng dạy, kiến thức nâng cao và thay đổi ở trong nước cũng như trên thế giới. Phải đặt giáo viên vào hoàn cảnh của học sinh thì mới có thể xem xét về mức độ nhận biết, tiếp thu bài có được không nếu cần ta thay đổi cách tiếp cận khác cho tốt hơn. Giáo viên cần lắng nghe ý kiến phản hồi lại trừ phía học sinh để điều chỉnh cách soạn và giảng dạy cho phù hợp hơn cho học sinh.

Theo Nguyễn Đăng Kỹ - GV trường THPT Ngô Sĩ Liên
Sở GD&ĐT Bắc Giang
Theo Giáo dục & Thời đại