Ý kiến giáo viên: Vun bồi văn hóa đọc từ trong nhà trường

(Dân trí) - Đọc bài viết “Thương học sinh Việt phải gói mình trong sách giáo khoa” trên báo Dân trí, bản thân là giáo viên, tôi cảm nhận được nỗi trăn trở khi văn hóa đọc trong nhà trường tuột dốc cùng khát khao thay đổi thói quen đọc sách của học sinh.

Là một giáo viên đứng lớp, tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần học sinh “đuối” khi tôi đưa ra một câu hỏi ngoài sách giáo khoa. Những hiểu biết cơ bản về các danh nhân lịch sử hay các kiến thức liên quan đến khoa học kỹ thuật, khoa học thường thức đều khiến các em “bó tay”. Nhiều lần tôi nhìn học sinh của mình và thốt lên ngao ngán “Cô bất lực với các em”.

Tôi còn nhớ trong tuần trước, khi tìm hiểu về các phương châm hội thoại trong tiếng Việt, tôi nhắc nhở học sinh tìm đọc các truyện cười dân gian, truyện cười thế giới để phát hiện, phân tích các trường hợp vi phạm phương châm hội thoại để bật lên tiếng cười. Hôm qua, sau một tuần quay lại bài cũ, điều tôi nhận được vẫn là “nụ cười trừ” của trò.

Hỏi các em sao không lên thư viện mượn sách báo để đọc và thực hiện yêu cầu của bài học, nhiều em thật thà kể lý do, nào là đổi tiết có 5 phút không kịp lên thư viện, ra chơi thì phải tập thể dục và múa hát sân trường. Rồi các em kể học buổi sáng thì chiều và tối lại kín mít lịch học thêm, thời gian để dành cho sách cực kỳ hạn chế. Thiếu thời gian dành cho sách là một thực tế!

Đó là còn chưa kể nhiều học sinh mải mê với vô số thú vui khác như game online, mạng xã hội… Các em không thể một ngày không lướt mạng trong khi sách thì hầu như ít chạm đến, với thư viện thì những cô cậu lười đọc sách lại càng vắng bóng. Và quanh đi quẩn lại với học sinh vẫn là những đầu sách giáo khoa đơn điệu.

Một số trường học nổi tiếng với những dự án khuyến đọc trong học sinh. Nhưng hầu như nhiều trường học không hề có sự ràng buộc nào giữa học sinh với sách. Khi nhà trường không phát động đọc sách, giáo viên không khuyến khích đọc sách, học sinh thiếu hẳn động lực đọc là lẽ tất nhiên.

Tôi thường nói với học sinh của mình về sự thiếu thốn và thèm thuồng được đọc sách của thế hệ chúng tôi ngày trước. Giữa cuộc sống thiếu thốn bộn bề nỗi lo, sách vở khan hiếm đến mức chúng tôi vẫn chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến những quyển sách cũ mèm, vàng ố, long gáy, rách bươm. Vậy mà niềm vui được đọc vẫn nhân lên bội phần mỗi khi vớ được một quyển sách hay.

Các em ngày nay được bao quanh bởi thế giới sách đồ sộ. Nhà sách luôn bố trí điểm đọc miễn phí. Thư viện hiện đại với nhiều sách hay được chọn lọc. Sách tinh tươm thơm mùi giấy mới lại chẳng đủ sức thu hút một bộ phận bạn trẻ ư? Tiếc thay! “Gói” mình trong sách giáo khoa, đời sống tâm hồn của học sẽ khô cằn chỉ biết đến kiến thức, kiến thức và… kiến thức.

Trong khi nguồn tài nguyên ở thư viện đang bị lãng quên và lãng phí, nhiệm vụ vun bồi văn hóa đọc trong nhà trường trở nên cực kỳ cấp thiết. Tôi biết ở nhiều địa phương đã chủ động bố trí tiết đọc sách cho học sinh nhưng đó vẫn chỉ là một hoạt động tự phát, thiếu tính định hướng thống nhất. Còn lại đa phần trường học vẫn bỏ lửng nhiệm vụ khuyến đọc mà chăm chăm vào chất lượng giáo dục.

Vậy nên, tôi ủng hộ đề xuất xây dựng tiết đọc sách trong chương trình chính khóa như một giải pháp hữu hiệu nâng cao văn học đọc, góp phần xây dựng và rèn luyện phương pháp tự đọc và tự học của học sinh!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!