Xúc động nghe học sinh khiếm thính “hát” Quốc ca

(Dân trí) - Không nói được, không nghe được nhưng mỗi sáng thứ 2, các em đều đứng dưới lá Quốc kỳ và “hát” Quốc ca theo cách của riêng mình. Mỗi giai điệu vang lên là cả một niềm xúc động cho những người chứng kiến.

Lễ chào cờ đầu tuần của thầy và trò Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật Nghệ An.
Lễ chào cờ đầu tuần của thầy và trò Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật Nghệ An.

Sáng thứ 2, các em học sinh Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật Nghệ An xếp bàn ghế để chuẩn bị cho lễ chào cờ đầu tuần. Các em học sinh tại đây hầu hết bị khuyết tật về khả năng nghe nói. Ngoài ra, có khoảng 30 em học sinh chậm phát triển về trí não.

Các em học sinh có độ tuổi, mức độ khuyết tật và khả năng nhận thức khác nhau, bởi vậy để ổn định các em ngay hàng thẳng lối cũng mất khá nhiều thời gian. Các giáo viên gần như phải đến từng hàng để điều chỉnh và nhắc nhở các em tập trung. Một giáo viên điều khiển buổi chào cờ, một giáo viên khác có trách nhiệm “phiên dịch” ra thành ngôn ngữ ký hiệu để các em học sinh hiểu và làm theo.

Sau động tác chào cờ, giáo viên điều khiển buổi lễ hô “Quốc ca”. Xen lẫn với những tiếng hát của các giáo viên và một số học sinh khuyết tật vận động là “tiếng hát” bằng ngôn ngữ ký hiệu của các em khiếm thính. Lời bài Quốc ca được diễn tả bằng ngôn ngữ cử chỉ của những bàn tay. Những đôi mắt ngây thơ, những động tác tay đưa lên đưa xuống nhịp nhàng theo từng ca từ.

Bài Quốc ca được các em học sinh thể hiện bằng thủ ngữ điệu bộ.
Bài Quốc ca được các em học sinh thể hiện bằng thủ ngữ điệu bộ.

Dù có sự “vênh” nhau giữa tiếng hát của các em có khả năng nghe nói và các em bị khiếm thính nhưng khúc trầm hùng của bài Quốc ca vẫn được thể hiện một cách trọn vẹn, theo một cách rất đặc biệt. Tôi nhìn thấy trong những động tác cử chỉ của các em học sinh khiếm thính cả sự dứt khoát, mạnh mẽ của từng câu chữ bài hát.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Liễu cho biết ngôn ngữ cử chỉ là “bản năng” của các em học sinh khiếm thính. Để các em hát được trọn vẹn bài Quốc ca là cả một sự kỳ công của các thầy cô giáo, đặc biệt là các em mới vào trường, chưa được làm quen mới thủ ngữ điệu bộ. “Chúng tôi phải dạy các em từng từ, từng câu rồi ghép lại thành bài. Nếu học sinh bình thường chỉ mất 2 ngày để thuộc bài Quốc ca thì các em khiếm thính phải mất 15 ngày, thậm chí phải mất 2 tháng mới hát tốt được” cô Liễu tâm sự.

Những động tác dứt khoát, mạnh mẽ theo ca từ bài Quốc ca.
Những động tác dứt khoát, mạnh mẽ theo ca từ bài Quốc ca.

Khó khăn, kỳ công và cả sự khổ luyện của cả thầy và trò đã được cụ thể hóa bằng những buổi chào cờ với bài Quốc ca được “hát” theo cách riêng, rất đặc biệt và hết sức xúc động của các em học sinh khiếm thính.

Ông Phan Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật Nghệ An cho biết: “Trong các buổi chào cờ đầu tuần, trung tâm không sử dụng loa đài thay thế dù đặc thù của trường là nhiều em học sinh không thể nghe và nói được. Việc để các em khiếm thính “hát” Quốc ca theo cách của mình ngoài việc giúp các em củng cố thủ ngữ điệu bộ còn là một cách để giáo dục các em tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc”.


Clip các em học sinh khiếm thính hát Quốc ca.

Hoàng Lam