Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2

Quốc Triều

(Dân trí) - Lớp học lợp bằng tôn, vách tường là những tấm lồ ô đan lại với nhau. Ánh nắng xuyên qua bức vách tạm rọi thẳng vào những gương mặt lấm tấm mồ hôi đang mải mê lần giở từng trang sách.

Chúng tôi tìm đến điểm lẻ của trường Tiểu học Trà Thanh (thôn Môn, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vào một ngày cuối tháng 9. Điểm trường nằm chênh vênh trên lưng chừng đồi với 3 phòng học. Trong đó có 2 phòng học được xây dựng kiên cố và một phòng tạm làm bằng lồ ô.

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 1

Phòng học tạm bợ của học sinh lớp 2 thuộc điểm lẻ của trường Tiểu học Trà Thanh (thôn Môn, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 2

Trong lớp học dựng tạm có diện tích chừng 30m2, 14 học sinh khối lớp 2 đang cặm cụi viết bài. Những tia nắng xuyên qua kẽ hở của bức vách rọi thẳng vào những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Chiếc quạt máy duy nhất trong lớp không đủ xua đi cái nóng.

Điểm trường lẻ thôn Môn có 40 học sinh khối lớp 1, 2 và 3. Phòng học kiên cố chỉ đủ cho khối lớp 1 và 3. Khối lớp 2 phải học trong căn phòng tạm bợ sát bên cạnh.

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 3

Vách lồ ô, mái lợp tôn và che chắn thêm bằng nhiều vật liệu tạm bợ nên mùa hè nóng rát, mùa đông lạnh như cắt

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 4

Cô giáo Hồ Thị Sang cho biết, phòng tạm được lợp bằng tôn nên mùa hè rất nóng. Đến mùa đông, cái lạnh vùng cao ùa vào phòng khiến những đứa trẻ phải co ro. Trường cũng không có kinh phí xây nhà bán trú, học sinh phải mang cơm từ nhà đến trường ăn trưa và ngủ ngay tại lớp học. 

“Học trò ở đây ăn uống kham khổ, phòng học thì thiếu thốn đủ thứ nhưng các em vẫn cố gắng đi học đầy đủ. Thương nhất là vào mùa đông, áo ấm thì thiếu mà phòng học tạm nên các em phải chịu cái lạnh như cắt”, cô Sang bày tỏ.

Theo thầy Nguyễn Thái Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Thanh, năm học mới 2020 - 2021, trường có 368 học sinh. Tổng số phòng học tại tất cả các điểm trường trực thuộc là 13 phòng, trong đó có 1 phòng học tạm bợ.

"Huyện vùng cao nên điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, do đó vẫn còn một số phòng học xuống cấp. Ở đây, giáo viên luôn mơ về những lớp học khang trang cho các em học tập”, thầy Dũng trăn trở.

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 5

Bà Đinh Thị Thu Hương - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, năm học mới, Phòng đã trích nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục gần 3 tỷ đồng để gia cố, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các trường. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này như “muối bỏ bể” vì còn quá nhiều điểm trường, phòng học xuống cấp.

Xót xa phòng học tạm bợ bằng tấm lồ ô bên lưng đồi của cô trò lớp 2 - 6

Cô và trò trường Tiểu học Trà Thanh luôn mơ về những lớp học khang trang

Theo bà Hương, trên địa bàn huyện có 55 trường học trực thuộc, 160 điểm trường lẻ với hơn 13.000 học sinh. Trong đó có 7 phòng học tạm bợ, 2 điểm phải mượn nhà văn hóa xã Trà Sơn và nhà kho của trường Tiểu học Trà Lâm làm phòng học.

"Địa phương rất cố gắng nhưng điều kiện kinh tế, xã hội còn quá khó khăn. Nguồn kinh phí ít ỏi trong khi các điểm trường đều xuống cấp nên chỉ đủ dùng sửa chữa, chưa có nguồn kinh phí xây dựng phòng học mới cho các em", bà Hương chia sẻ.