Xôn xao tranh luận vụ “giám thị tố giám thị”

(Dân trí) - Sau khi đăng tải loạt bài về vụ việc “Giám thị tố cáo… giám thị”, Dân trí đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc bình luận quanh vấn đề này với nhiều ý kiến trái ngược nhau.

“Bộ chủ quản chậm chạp, làm sao có thêm người dám tố cáo tiêu cực?” - Seekvn2000@gmail.com

 

Với dự định sát nhập hai kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học và kì thi đại học vào cuối năm 2009, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhưng quyết định nghiêm khắc để xử lí những gian lận trong thi cử một cách triệt để. Nhưng, thực tế qua những báo cáo và những con số chưa hoàn chỉnh, chúng ta thấy điều mà Bộ Giáo dục đã hứa chỉ là… hứa rồi để đấy.

 

Tình trạng phao thi, gian lận trong thi cử càng lúc càng tinh vi hơn. Điều đó được dẫn chứng qua những hình ảnh thi cử quá “nóng” tại Hà Tây, Bắc Giang. Tại Bắc Giang, phóng viên Dân trí còn chộp được cả cảnh công an cùng bảo vệ ném bài cho thí sinh...

 

Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra, một hiện tượng có thể nói là lần đầu tiên xuất hiện trên cơ quan ngôn luận, đó là việc “giám thị tố giám thị”. Thực tế này càng cho thấy trên phương diện giấy tờ, công văn thì có vẻ như sự việc làm nghiêm kỷ luật phòng thi đang được Bộ Giáo dục quan tâm một cách nghiêm túc nhưng thực tế lại ngược lại.

 

Quy chế của Bộ có đề rõ việc các giám thị tiếp tay cho thí sinh vi phạm thi cử thì có thể tuỳ theo mức độ để xử lý. Trong đó nói rất rõ nếu giám thị nhận hối lộ với mức vi phạm nghiêm trọng có thể cho ra khỏi ngành. Những hành vi nhận tiền để giám sát kì thi lỏng lẻo tại các điểm thi ở Hà Tây có thể quy vào trách nhiệm nhận hối lộ và Bộ liệu có xử được đến nơi đến chốn?

 

Rõ ràng, theo những thông tin từ “giám thị tố cáo” thì những giám thị ở trường Phú Xuyên A đã nhận tiền đều có thể quy vào trách nhiệm nhận hối lộ và phải xử lý theo đúng điều luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc Bộ GD-ĐT chậm chạp trong việc kiểm tra và xử lí mức độ vi phạm là điều mà xã hội không mong muốn.

 

Hiện nay, Bộ chỉ có mỗi một cách để giữ gìn kỷ luật phòng thi, xử lý triệt để hiện tượng tiêu cực là tăng cường đội ngũ giám thị, giám sát và nhân viên bảo vệ kì thi. Nhưng sự thực là ngân sách nhà nước đã phải tiêu phí cho đội ngũ giám sát đó vì họ chưa hề làm tròn trách nhiệm của mình, đã thế lại còn nhận hối lộ. Vậy, cách mà Bộ đang hướng tới là không khả thi!

 

Trên báo Điện tử Dân trí ngày 3/6/2006, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã khẳng định là giải quyết vụ việc “giám thị tố giám thị” đến cùng, nhưng trong bài phỏng vấn Thứ trưởng cũng chưa đề cập đến phương pháp giải quyết triệt để vấn đề.

 

Cho đến nay, kì thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc được gần một tuần song các sự việc tiêu cực tại các điểm thi nóng như ở Hà Tây, Bắc Giang... Bộ cũng chưa có một động thái nào để xử lí một cách gọi là nghiêm minh mà trước đó Bộ đã từng tuyên bố.

 

Tuy  Bộ GD-ĐT có nói là hoan nghênh những “tố cáo” tiêu cực, gian lận trong thi cử. nhưng khi đứng trước những người có can đảm nói lên những hiện tượng đó với mong muốn làm “trong sạch” nền giáo dục nước nhà thì Bộ lại chậm chạp và chỉ đưa ra được những lời giải thích không rõ ràng.

 

Nếu tiếp tục tình trạng ì trệ này, đến lúc nào những người dũng cảm dám đối đầu với tiêu cực có thể yên tâm được với những gì họ đang làm và sẽ làm? Đó là một bài toán mà chưa biết đến bao giờ Bộ mới có lời giải chính thức!

 

Xôn xao tranh luận vụ “giám thị tố giám thị” - 1

Bài giải bằng tay môn Toán được tuồn vào phòng thi dưới sự “giúp đỡ” của các giám thị Hội đồng thi trường Phú Xuyên A. (Ảnh do “giám thị tố cáo” cung cấp).

“Động cơ thực sự của giám thị này là gì?” - Hoàng Phong, (muahexanh2006@gmail.com)

 

Đọc bài báo “Giám thị tố giám thị” trong đầu tôi đặt ra hai câu hỏi?

 

1. Lí do nào khiến người giám thị này hành động như vậy?

2. Có phải chăng một nền giáo dục tiên tiến đã hình thành nên bắt đầu thấy xuất hiện những người dũng cảm?

 

Qua những dẫn chứng của báo và những thông tin xung quanh vụ việc thi chúng ta nên tin tưởng vào câu hỏi thứ hai hơn. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế hơn.

 

Hà Tây đã “được” các báo đưa tin nhiều về hiện tượng tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp 2006. Và tất nhiên không chỉ có trường Phú Xuyên A mà còn rất nhiều trường khác thuộc địa bàn Hà Tây cũng đều có những hiện tượng tương tự. Tôi muốn phân tích điều này như sau:

 

Theo thông tin từ bài “Giám thị tố cáo giám thị” thì có vẻ như thầy giáo tố cáo này là người có thâm niên trong ngành. Điều này cũng có nghĩa là việc đi coi thi không phải là một việc xa lạ, những hiện tượng mà thầy giáo này vừa chứng kiến trước đó không phải là không có. Nhưng tại sao phải đến năm 2006 thầy giáo này mới quyết định hành động như vậy?

 

Có lẽ cái động cơ hành động của thầy giáo này không cao đẹp như mọi người nghĩ. Theo tôi, nếu là một thầy giáo tâm huyết và đạo đức với nghề thì chắc hẳn là thầy đã phải hành động điều này từ rất lâu rồi.

 

Hiện tượng tiêu cực đến mức giám thị này không chịu được cảnh đồng nghiệp nhận hối lộ và buộc lòng phải gọi điện cho báo có phải chăng là thể hiện cho một điều cao đẹp của nền giáo dục? Rất khó nói! Thiết nghĩ: Việc các phụ huynh thu tiền bồi dưỡng giám thị coi thi là điều mà thầy giáo này chắc hẳn đã biết trước đó, nếu hiện tượng này được ngăn chặn lại từ đầu thì có lẽ thầy giáo này hẳn là có tâm huyết hơn! Vậy mà chỉ đến khi cả đồng nghiệp và học trò của mình đều đã lâm vào trận “mua - bán”, thầy mới ra tay như vậy?!

 

Bây giờ thầy có thể “tố” đồng nghiệp cũng như học trò của mình! Nhưng đối với bao nhiêu thí sinh gian lận để cầm được tấm bằng tốt nghiệp cũng như bao nhiêu giám thị đã từng nhận hối lộ, còn một điều khác tệ hại và đau lòng hơn là việc tôn vinh một thầy giáo dũng cảm mà ta chưa hề biết động cơ là gì? 

 

“Ông đừng lo Bộ không muốn làm đến cùng!” - Edunet

 

Giám thị đứng ra tố cáo giám thị đúng là một tấm gương tốt về công tác coi thi: có những giám thị trung thực, dũng cảm tố cáo. Tuy nhiên, biện pháp làm sồn sồn như thế này thì chưa tốt. Tốt nhất cứ đem tang chứng vật chứng lên gặp thẳng Bộ trường, Thứ trưởng hay Thanh tra Bộ. Mọi người đều biết rằng năm nay chính Bộ là người khởi xướng lấy Hà Tây làm trọng điểm để giám sát, mời cả phóng viên các báo đi cùng để mục sở thị.

 

Hà Tây là một tỉnh cá biệt đã lọt vào tầm ngắm của Bộ và điển hình của sự tiêu cực trong giáo dục một cách có hệ thống cả về không gian lẫn thời gian. Các bạn yên tâm, vụ này Bộ đã có chủ trương và đã có cách làm. Chưa thể công bố vội được. Động cỏ, rắn chạy mất. Còn ông giám thị dũng cảm ơi, ông cứ lẳng lặng đem vật chứng lên mà gặp Thứ trưởng Bành Tiến Long. Tuy nhiên, đừng có la toáng lên như vậy, hỏng việc cho cả ông lẫn cho cả Bộ. Ông cũng đừng lo Bộ không muốn làm đến cùng.

 

“Không có nội gián, không thể dẹp được đại loạn chốn trường thi” - Nguyễn Hữu Hiển (haninh4_2005@yahoo.com)

 

Sự việc lộn xộn trong thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây đã gây xôn xao trong dư luận, sự thật này đáng buồn cho nền giáo dục của nước ta. Việc một giám thị đã dũng cảm đứng ra tố cáo những vụ việc diễn ra trong phòng thi mà chỉ có những người đó mới biết  được. Quả thật, nếu không có giám thị đó đứng ra làm “nội gián” việc đại loạn ở chốn trường thi từ nhiều năm nay sẽ không có cách gì khắc phục được.

 

Khi đọc bài “Giám thị tố cáo... giám thị” trên báo Dân trí, tôi và nhiều bạn bè đã vỗ tay tán thưởng rất cảm kích hành động của giám thị đó. Tôi cũng là nhà giáo nên tôi hiểu khi tố cáo những việc làm này thì người giám thị đó đã phải suy nghĩ rất nhiều, một bên là “số phận” của học sinh, một bên là “hành động” của đồng nghiệp. Nhưng thà để số học sinh đó năm sau thi lại, số giám thị đó bị nhận kỷ luật đích đáng còn hơn là để hiện tượng này xảy ra triền miên. Bộ phải xử lý dứt điểm việc này vì theo tôi được biết hiện tượng này không chỉ ở Hà Tây.

 

“Giám thị - giám thị: Những thoả hiệp ngầm!” Nguyễn Thị Hồng (rosena79@gmail.com)

 

Tình trạng thi cử nhập nhèm, hiện tượng giám thị dung túng cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta gần như là chuyện thường tình, không chỉ riêng đối với trường Phú Xuyên A mà là phổ biến ở nhiều tỉnh, thành.. Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng có thể đề cập đến 2 vấn đề lớn: 1. Do tâm lý buộc phải đỗ tốt nghiệp của tất cả HS THPT; 2. Do bệnh thành tích, địa phương nào cũng muốn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao.

 

Tôi nghĩ rằng hiện tượng này không phải Bộ không biết, nhưng biết mà bất lực! Bộ có chủ trương là thi tốt nghiệp nghiêm túc, thực chất. Song khi thực hiện kỳ thi thì các chủ trương này phụ thuộc lớn vào khâu giám thị coi thi. Mà giám thị coi thi thì gần như đều có những  thoả thuận giữa các trường THPT theo kiểu “ông dễ cho tôi, tôi dễ cho ông!”

 

Đó là một hiện tượng tiêu cực tồn tại từ lâu trong ngành giáo dục và người ta ngang nhiên thừa nhận nó. Giáo viên cũng có nhiều người bức xúc nhưng lâu dần đối mặt với sự thật như thế người ta cũng quen đi. Thái độ giám thị tố cáo nói trên là rất đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích nếu chúng ta muốn nỗ lực làm trong sạch nền giáo dục nước nhà. Cần phải có nhiều cơ quan chức năng vào cuộc mà đi đầu là thanh tra Bộ GD.

Nhóm PVGD

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006