Xôn xao bạo lực học đường tại trường quốc tế: Chuyên gia tâm lý nói gì?

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý nhận định như thế nào về vụ việc này? Phụ huynh, nhà trường nên có biện pháp nào để bảo vệ trẻ khỏi bạo lực học đường?

Mạng xã hội đang xôn xao trước vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại một trường quốc tế có học phí đắt đỏ ở TPHCM.  Nhiều người cho rằng, nhà trường cần giải quyết vụ việc thỏa đáng, ngăn chặn bạo lực học đường. Đồng thời, đa số ý kiến trên mạng ủng hộ người mẹ này làm đến cùng để bảo vệ con cái khỏi bạo lực học đường. Mặt khác, cũng có những ý kiến cho rằng không nên ủng hộ một phía khi sự việc chưa rõ ràng, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, làm trong sạch môi trường giáo dục...

Vấn nạn bạo lực học đường từ lâu đã là một trong những "ung nhọt" nhức nhối nhất của ngành giáo dục. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra để giảm thiểu, hướng tới triệt tiêu bạo lực học đường. Tuy vậy, theo thời gian, những vụ bạo lực học đường vẫn liên tục xảy ra và khiến dư luận xã hội bức xúc. 

Phóng viên Dân trí đã có trao đổi với PGS.TS Trần Thu Hương, Giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để có nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.

Nhà trường cần chung tay cùng gia đình xử lý

Thưa Phó Giáo sư (PGS), vụ việc tại trường quốc tế ở TPHCM tiếp nối rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây. Bà có suy nghĩ gì sau vụ việc này?

- Tôi cho rằng vấn đề bạo lực học đường vẫn luôn luôn có, thường xuyên xảy ra ở mọi cấp học. Trong thời điểm hiện tại, các vụ việc có thể sẽ ngày càng gia tăng do những tác động khác nhau, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Việc trẻ có thời gian dài ở nhà, không được giao tiếp nhiều, mất kết nối với những người xung quanh, kể cả những người trong gia đình sẽ khiến trẻ trở nên khó chịu. Vì vậy, mức độ gây hấn của đứa trẻ gia tăng. Điều cần làm là nhà trường, cộng đồng, Chính phủ, Nhà nước phải nghiên cứu để đưa ra những chính sách, chương trình hành động giảm thiểu tình trạng bạo lực trong học đường.

Thực ra, nếu nói rằng một cá nhân, một đứa trẻ mong muốn có sự bạo hành với người khác thì cũng không đúng. Sẽ có những nguyên do dẫn đến hành vi này. Thông thường, hành vi bạo lực liên quan đến sự mất kết nối với những người khác, sự khó chịu ngay trong chính bản thân trẻ. Cũng có những bạn đi gây hấn, bạo lực bởi mình từng bị người khác bạo lực.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải xem xét căn nguyên vì sao họ hành xử như vậy để có cái nhìn đúng nhất. Có thể trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình đã tồn tại những hành vi bạo lực, thế nên khi có hành vi bạo lực với người khác thì về mặt bản chất là trẻ đã quen với điều đó; hoặc một nguyên nhân sâu xa nào khác.

Tóm lại, không có nguyên nhân cụ thể nào để giải thích cho hành vi bạo lực, mà sẽ là sự kết hợp của rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm thúc đẩy, gia tăng bạo lực. Nhà trường là nơi trẻ bộc lộ hành vi này. Nếu nói nhà trường là nơi làm xuất phát, làm nảy sinh bạo lực thì không hẳn đúng.

Xôn xao bạo lực học đường tại trường quốc tế: Chuyên gia tâm lý nói gì? - 1

Hình ảnh từ clip đang gây xôn xao cộng đồng mạng vụ bạo lực học đường ở trường quốc tế (Ảnh chụp màn hình).

Tranh cãi khác xung quanh vụ việc này là về cách xử lý của nhà trường. Theo bà, khi xảy ra bạo lực học đường, nhà trường nên có hướng xử lý thế nào là tốt nhất?

- Kể cả khi bạo lực xảy ra ở trong trường hay ở ngoài trường thì nhà trường cũng cần chung tay cùng với gia đình để xử lý. Thực ra, nhà trường cũng không phải trọng tài để có thể đứng ra phán xét, kết luận. Nhưng điều quan trọng, nhà trường sẽ là yếu tố trung gian, cùng làm việc với cả hai bên cha mẹ, từ đó vụ việc mới có thể được giải quyết.

Tôi cho rằng ở đây, tất cả các bên đều trong một trạng thái "đổ lỗi hoặc là bị đổ lỗi", nhà trường cũng vậy. Khi ở trong tâm thế mình bị đổ lỗi hoặc là mình đổ lỗi cho người khác thì đều sẽ giải quyết vấn đề theo hướng bằng mọi cách không có trách nhiệm của mình nhiều nhất có thể. Như thế sẽ khó giải quyết một cách êm đẹp vấn đề này.

Chúng ta nên ở trong tâm thế sẽ có bên có lỗi, nhưng cần cùng giải quyết với nhau để sửa, điều chỉnh lại hành vi không đúng. Nếu cứ ở trong tình trạng phải có bên thắng, bên thua thì rõ ràng sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Theo tôi, cả ba bên bao gồm nhà trường nên ngồi lại với nhau, trong tâm thế không phải "thắng - thua" mà mang tính xây dựng.

Bạo lực học đường bao giờ chấm dứt?

Rõ ràng dù chúng ta đã có nhiều giải pháp truyền thông, cảnh báo để giảm thiểu nhưng vấn nạn học đường vẫn phổ biến suốt nhiều năm nay. Mỗi khi có thêm một vụ việc, dư luận luôn đặt câu hỏi "Bạo lực học đường bao giờ mới kết thúc?" Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?

Rất khó để chấm dứt. Chúng ta cần hiểu hành vi gây hấn của con người là bản năng, sẽ không thể nào chấm dứt, chỉ có cách làm giảm thiểu bằng những giải pháp khác nhau.

Điều quan trọng phụ thuộc vào nền tảng giáo dục. Nếu xã hội, cộng đồng, gia đình giáo dục đứa trẻ về những giá trị không chứa đựng sự bạo lực; giáo dục việc ứng phó một cách hiệu quả với bạo lực thì các vụ bạo lực sẽ giảm đi. Ngược lại nếu chưa có sự giáo dục tốt thì rõ ràng vấn nạn này sẽ không giảm thiểu được, vẫn duy trì tình trạng như hiện nay, thậm chí là gia tăng.

Xôn xao bạo lực học đường tại trường quốc tế: Chuyên gia tâm lý nói gì? - 2

Nếu chưa có sự giáo dục tốt, vấn nạn bạo lực học đường sẽ không thể giảm (Ảnh minh họa).

Để giáo dục trẻ tốt, bản thân phụ huynh cũng phải có những ứng xử đúng, tức không có hành vi bạo lực, hạn chế sự đổ lỗi và có quan điểm ứng phó phù hợp trong tình huống mình bị bạo lực. Việc dạy trẻ không phức tạp theo nghĩa cha mẹ phải dạy thành từng bài học, mà bằng ứng xử của người lớn hàng ngày, đứa trẻ sẽ tự học hỏi theo các hành động ấy. Nên giáo dục con ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí từ 2-3 tuổi chứ không chờ lúc trẻ lớn mới hướng dẫn.

Những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây, bao gồm cả vụ ở trường quốc tế tại TPHCM có điểm chung là xảy ra ở học sinh lớp 7, lớp 8. Tâm sinh lý ở lứa tuổi này có phải là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ có hành vi gây hấn?

- Trẻ học cấp 2 và cấp 3 (12-18 tuổi) là lứa tuổi dễ có hành vi gây hấn và bạo lực với người khác. Các nghiên cứu khoa học cũng đều khẳng định điều này. Trẻ có nhiều sự nổi loạn, dễ rơi vào tình huống khó ứng phó được với các vấn đề. Bởi vậy, cha mẹ có con trong độ tuổi này nên tìm hiểu về những vấn đề con có thể gặp phải và cần có sự thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ; giảm bớt việc áp đặt, kiểm soát. Điều này sẽ giúp trẻ có thể thoải mái chia sẻ vấn đề của mình để cha mẹ hỗ trợ.

Cần các chính sách giúp trẻ có nền tảng gia đình tốt

Một đứa trẻ bị bạo lực học đường sẽ phải đối mặt với những tổn thương nào, thưa PGS?

- Trẻ bị bạo lực có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề, tất nhiên tùy thuộc vào mức độ bạo lực và đặc tính của mỗi bạn. Trên thực tế, đã có những bạn rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, ở trong trạng thái ám ảnh suốt thời gian dài. Một số trẻ có sự rối loạn, không kiểm soát được cảm xúc cũng như hành vi, dẫn đến có hành vi nguy cơ, tự làm cho mình đau. Thậm chí, có những trẻ đi đến câu chuyện toan tự sát.

Theo bà, các cơ quan quản lý nên có những chính sách hoặc định hướng dài hơi nào để phòng chống, giảm thiểu tối đa vấn nạn bạo lực học đường?

- Trên thực tế, các cơ quan Nhà nước, ví dụ như Cục Trẻ em của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường,… vẫn quan tâm đến việc xây dựng các chính sách, các chương trình giáo dục cho trẻ em trong nhà trường. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn làm, không phải không có.

Theo tôi, vấn đề ở chỗ các chương trình mới chỉ đang chú tâm đến đứa trẻ mà chưa chú tâm đến xuất phát điểm của đứa trẻ, hay nói cách khác là chưa chú tâm đến nền tảng gia đình. Việc giáo dục những đứa trẻ thôi là không đủ, mà cần giáo dục nhận thức của toàn bộ xã hội, gia đình và nhà trường về các vấn đề của đứa trẻ, đặc biệt là sự phát triển của trẻ. Cần giải thích tại sao ở trong thời điểm đó, những đứa trẻ đó lại dễ có hành vi gây hấn, bạo lực với người khác hoặc dễ ở trong tình trạng bị các bạn khác bạo lực.

Các vấn đề của trẻ em là biểu hiện của những vấn đề trong gia đình mà chúng ta cần giải quyết; nếu chỉ hướng tới riêng trẻ em thì sẽ không làm giảm thiểu được. Bởi vậy, các chương trình, các chính sách bảo trợ cho trẻ em nên tập trung cả tới các vấn đề trong gia đình.

Xin trân trọng cám ơn PGS!