Xếp hạng đại học của Việt Nam: Kết quả cập nhật

(Dân trí) - Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS unversity Rankings 2019, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có 2 đại học lọt top 1.000 đại học hàng đầu thế giới và 7 đại học “lọt” top các đại học hàng đầu châu Á. Đây là những thành tích nổi bật của giáo dục đại học của Việt Nam sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Môi trường dành cho giáo dục đại học ngày nay không ngừng mở rộng trên phạm vi toàn cầu - không những vượt ra ngoài khuôn khổ các chương trình trao đổi sinh viên truyền thống và thỉnh giảng của học giả mà còn bao trùm lên cả những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới và cạnh tranh theo cơ chế thị trường giữa các trường đại học.

Để theo kịp xu thế toàn cầu, Nghị quyết Số 29-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt ngày 4 tháng 11 năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đặt mục tiêu Việt Nam có một số trường và ngành đào tạo đại học ngang tầm khu vực và quốc tế.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Trong bảng xếp hạng đại học thế giới 2019 được QS World University Rankings (QS) của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds của Anh công bố ngày 7/6/2018, lần đầu tiên Việt Nam có hai đại diện nằm trong top 1000 trường đại học ưu tú nhất toàn cầu là Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng đại học châu Á của tổ chức này, thứ hạng của các trường đại học của Việt Nam cũng liên tục tăng.

Giới thiệu xếp hạng đại học trên thế giới

Xếp hạng đại học (University ranking) là việc liệt kê danh sách các trường theo một thứ bậc nhất định dựa trên một tổ hợp các chỉ số. Việc xếp hạng có thể dựa trên chất lượng được hiểu một cách chủ quan qua các con số thống kê, kết quả điều tra của các nhà giáo dục, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên và các đối tượng khác (Marginson, 2007). Những bảng xếp hạng này được coi là đã "củng cố khái niệm về một thị trường đại học thế giới" (Marginson & Van der Wende, 2007), trong đó các trường đại học được đánh giá theo một quy mô toàn cầu, do đó tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đại học như một mô hình mới ở hầu hết các quốc gia (Altbach, 2006).

Các mô hình xếp hạng thay đổi đáng kể theo mục đích và phạm vi, theo các định nghĩa và theo các mẫu phương pháp luận của chúng (Usher & Savino, 2006) [1]. Ví dụ như Bảng xếp hạng học thuật các trường đại học trên thế giới (ARWU) của Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiaotong University) xem xét các tiêu chí: Chất lượng giáo dục (Cựu sinh viên của trường đoạt giải Nobel và huy chương Fields - trọng số 10%), Chất lượng giảng viên (Cán bộ của trường đoạt giải thưởng Nobel và huy chương Fields - trọng số 20%; Số các nhà nghiên cứu được trích dẫn cao trong 21 ngành khoa học - trọng số 20%), Đầu ra nghiên cứu (Số bài báo được xuất bản trên Tạp chí Nature và Science - trọng số 20%; Số bài báo được lập chỉ mục trong Chỉ số Trích dẫn Khoa học mở rộng và Chỉ số Trích dẫn Khoa học Xã hội - trọng số 20%) và Hiệu suất bình quân đầu người (Hiệu suất học thuật bình quân đầu người của một trường - trọng số 10%) [2].

Bảng xếp hạng của Tạp chí Thời báo Giáo dục đại học của Anh (Times Higher Education-THE) sử dụng 13 chỉ số đã được hiệu chuẩn nhằm cung cấp sự so sánh toàn diện và cân bằng. Các chỉ số được chia thành năm nhóm: Giảng dạy (môi trường học tập - trọng số 30%), nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng - trọng số 30%), trích dẫn khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu - trọng số 30%), triển vọng quốc tế (giảng viên, sinh viên và nghiên cứu - trọng số 7,5%), thu nhập của ngành công nghiệp (chuyển giao tri thức - trọng số 2,5%) [3].

Hay “Bảng xếp hạng trang web các trường đại học” (Webometrics) của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), tổ chức nghiên cứu công lớn nhất Tây Ban Nha, sử dụng các chỉ số web là cơ sở của các xếp hạng để phản ánh tốt hơn bức tranh toàn cảnh của một trường đại học, bởi rất nhiều các hoạt động của các giáo sư và các nhà nghiên cứu được chỉ ra bởi sự hiện diện của họ trên web bao gồm các trao đổi học thuật chính thức và không chính thức [4].

Động lực chủ yếu của việc xếp hạng là để nâng cao hơn nữa chất lượng và tính minh bạch thông tin của các tổ chức giáo dục đại học trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hoá, quốc tế hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ trong giáo dục đại học. Giữa xu thế ấy, các cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ đóng vai trò kiểm định và phân loại các cơ sở giáo dục đại học. Sân chơi về xếp hạng đại học đa phần đều do các tổ chức độc lập tiến hành [5].

Xếp hạng đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng QS

Xếp hạng đại học thế giới

Bảng xếp hạng đại học thế giới QS (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds của Anh. QS xếp hạng đại học thế giới theo 6 tiêu chí và xếp hạng đại học châu Á theo 11 tiêu chí với các trọng số khác nhau (Hình 1). Năm 2018, đánh giá học thuật được thực hiện thông qua việc thu thập ý kiến của hơn 80.000 học giả về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học. Đánh giá của nhà tuyển dụng về những trường đại học cung cấp sinh viên tốt nghiệp có năng lực, sáng tạo và hiệu quả nhất được thực hiện bằng cách khảo sát dựa trên kết quả phản hồi của hơn 40.000 nhà tuyển dụng. Năm 2018, số trích dẫn trung bình của mỗi giảng viên dựa trên số bài báo Scopus của Elsevier tính trong 5 năm (2012-2016) và số trích dẫn tính cho giai đoạn 2012-2017.


Hình 1: Tiêu chí và trọng số xếp hạng đại học thế giới và đại học châu Á của QS. (Nguồn: Tổng hợp từ website của QS, truy cập ngày 24/10/2018)

Hình 1: Tiêu chí và trọng số xếp hạng đại học thế giới và đại học châu Á của QS. (Nguồn: Tổng hợp từ website của QS, truy cập ngày 24/10/2018)

Năm 2018, Tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của 4.763 đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1233 trường được đối sánh tiếp. Kết quả cuối cùng 1.011 trường đại học của 85 quốc gia đã được xướng tên. Có 60 đại học lần đầu lọt top 1.000 này, trong đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1000. Thứ hạng đó thuộc top 79% đại học thế giới, trong đó tiêu chí Đánh giá của nhà tuyển dụng được QS đánh giá là tiêu chí mạnh nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội, đứng thứ 498. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 497 về tiêu chí đánh giá của học giả. Các lĩnh vực khác của hai đại học quốc gia như Số trích dẫn trung bình/giảng viên, Giảng viên quốc tế và Sinh viên quốc tế đều thuộc nhóm 601+ [5].

Kết quả này cho thấy chất lượng và uy tín đào tạo và nghiên cứu của hai đại học quốc gia đã hội nhập vươn ra xa hơn ở tầm thế giới, đã được các nhà khoa học và tuyển dụng trên thế giới biết đến và thừa nhận nhiều hơn. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu đã được trích dẫn cao hơn và có tầm ảnh hưởng rộng hơn, cụ thể, chỉ số trích dẫn trung bình của các bài báo của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt mức 4,2 lần/giảng viên.

Xếp hạng đại học châu Á

Năm nay, Bảng xếp hạng đại học châu Á QS (QS Asia University Rankings) xếp hạng 505 đại học thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ với 92 đại học lần đầu tiên có tên trong Bảng xếp hạng, trong đó có Đại học Tôn Đức Thắng của Việt Nam. Ngoài 10 chỉ số đánh giá như mọi năm, năm nay lần đầu tiên QS đưa thêm chỉ số về mạng lưới nghiên cứu quốc tế với trọng số 10% (Hình 1). Sử dụng số liệu được Scopus cung cấp, Chỉ số này đánh giá mức độ hợp tác quốc tế của các trường thông qua số lượng, tỷ lệ những công bố khoa học có đồng tác giả là học giả quốc tế.

Trong Bảng xếp hạng đại học châu Á được QS công bố ngày 23/10/2018, thành tích cao nhất thuộc về Trung Quốc với sự góp mặt của 112 đại học trong đó có 3 đại học lọt top 10. Tiếp theo là Nhật Bản (89 đại học), Ấn Độ (75 đại học) và Hàn Quốc (57 đại học). Mặc dù Singapore chỉ có 3 đại học có tên trong bảng xếp hạng nhưng có đến 2 đại học lọt top 10, cụ thể Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ nhất và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 3. Tương tự như vậy, mặc dù Hồng Kong chỉ có 7 trường có tên trong Bảng xếp hạng đại học của QS năm nay nhưng có đến 3 trường vào top 10, đặc biệt Đại học Hồng Kong đứng thứ 2 trong Bảng xếp hạng (Hình 2).


Hình 2. Số lượng đại học của các quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2018. (Nguồn: Tổng hợp từ Bảng xếp hạng đại học châu Á 2018 của QS, truy cập ngày 25/10/2018)

Hình 2. Số lượng đại học của các quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2018. (Nguồn: Tổng hợp từ Bảng xếp hạng đại học châu Á 2018 của QS, truy cập ngày 25/10/2018)

Trong Bảng xếp hạng năm 2018, Việt Nam góp mặt 7 đại học (tăng 1 trường so với năm trước), lần lượt theo thứ hạng là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa HN, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội với vị trí 124, tăng 15 bậc so với vị trí 139 của năm trước, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 261-270, tăng 30 bậc so vị trí 291-300 của năm 2017 (Bảng 1).

Bảng 1. Xếp hạng đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học châu Á của QS

Năm

ĐHQG

Hà Nội

ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

ĐH Bách Khoa HN

ĐH

Cần Thơ

ĐH

Huế

ĐH

Đà Nẵng

ĐH Tôn Đức Thắng

2012

201-250

2013

201-250

2014

161-170

191-200

251-300

2015

191-200

201-250

261-270

2016

139

147

301-350

251-300

301-350

2017

139

142

291-300

301-350

351-400

N/A

2018

124

144

261-270

351-400

451-500

451-500

291-300

Đánh giá của học giả

103

85

214

227

N/A

N/A

N/A

Đánh giá của nhà tuyển dụng

99

107

161

N/A

N/A

N/A

N/A

Tỷ lệ giảng viên/sinh viên

224

289

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

Số trích dẫn/bài báo

175

213

N/A

200

N/A

N/A

160

Tỷ lệ giảng viên quốc tế

220

177

N/A

N/A

N/A

290

95

Tỷ lệ sinh viên quốc tế

301+

301+

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

Số bài báo/giảng viên

301+

301+

N/A

N/A

N/A

N/A

N/A

Số giảng viên có bằng tiến sĩ

301+

301+

251

N/A

N/A

N/A

N/A

Tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi

276

301+

N/A

N/A

N/A

N/A

119

Tỷ lệ sinh viên quốc tế đến trao đổi

93

178

215

N/A

N/A

N/A

60

Mạng lưới nghiên cứu quốc tế

104

216

135

270

N/A

N/A

201

(Nguồn: Tổng hợp từ Bảng xếp hạng đại học châu Á 2018 của QS, truy cập ngày 25/10/2018)

Trong số 7 đại học của Việt Nam có tên trong Bảng xếp hạng năm nay thì có 2 đại học lọt top 150 đại học hàng đầu châu Á là Đại học Quốc gia Hà Nội (đứng thứ 124) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 144). Tiêu chí Đánh giá của học giả đối với hai đại học quốc gia này có thứ hạng tương đối cao, cụ thể Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 103 và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 85. Tuy nhiên Tỷ lệ sinh viên quốc tế, Số bài báo trên giảng viên, Số giảng viên có trình độ tiến sĩ lại tương đối thấp (đứng thứ 301+) làm cho tổng điểm của hai đại học này thấp, dẫn đến thứ hạng chưa cao.

Năm nay là năm đầu tiên Đại học Tôn Đức Thắng được xướng danh trong Bảng xếp hạng nhưng có đến 4 chỉ số cao nhất (trên tổng số 5 chỉ số có sẵn số liệu) trong số các trường của Việt Nam có tên trong Bảng xếp hạng là Số trích dẫn trên bài báo (đứng thứ 160), Tỷ lệ giảng viên quốc tế (đứng thứ 95), Tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi (đứng thứ 119) và Tỷ lệ sinh viên quốc tế đến trường trao đổi (đứng thứ 60).

Trên đây là những thành tích rất đáng kể, đáng tự hào của giáo dục đại học Việt Nam. Để so sánh, năm 2012, khi Nghị quyết 29 chưa được ban hành, Việt Nam có duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội có tên trong Bảng xếp hạng đại học hàng đầu châu Á thì đến năm nay, con số này tăng lên là 7 đại học. Bên cạnh đó, thứ hạng của các đại học Việt Nam trong Bảng xếp hạng cũng liên tục tăng, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng 15 bậc, đặc biệt Đại học Bách khoa Hà Nội có mức tăng hạng ấn tượng, tăng lên 30 bậc so với năm trước đó.

Nhìn chung, điểm số các tiêu chí của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tương đối ngang nhau, tuy nhiên tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của hai đại học này chên lệch tương đối cao, cụ thể chỉ số này của Đại học Quốc gia Hà Nội là 8,6 trong khi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 1. So với mức trung bình của top 10 và top 100 đại học hàng đầu châu Á, điểm số của hai đại học quốc gia còn khá khiêm tốn, tuy nhiên chỉ số Mạng lưới nghiên cứu quốc tế và Số trích dẫn/bài báo của hai đại học này có điểm số xấp xỉ mức trung bình của top 100 đại học hàng đầu châu Á. Hai đại học quốc gia này có 4 chỉ số còn khá thấp so với top 100 đại học hàng đầu châu Á. Cụ thể, Tỷ lệ sinh viên quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạt 6,9 điểm còn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đạt 2,3 điểm so với mức trung bình 57,4 điểm của top 100 đại học hàng đầu châu Á. Tương tự như vậy, các chỉ tiêu Số bài báo/giảng viên, Số giảng viên có bằng tiến sĩ và tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi của hai đại học quốc gia này cũng rất thấp (Bảng 2; Hình 3).

Bảng 2: So sánh điểm số của đại học của Việt Nam với điểm trung bình top 10 và top 100 đại học châu Á năm 2018

Chỉ số

Trọng số

Điểm trung bình top 10

Điểm trung bình top 100

ĐHQG HN

ĐHQG TP. HCM

Tổng số

100%

96,8

68,6

39,6

35,4

Đánh giá của học giả

30%

99,3

63,9

34,2

41,4

Đánh giá của nhà tuyển dụng

20%

98

66,3

42,7

40,4

Tỷ lệ giảng viên/sinh viên

10%

90,5

67

34

25

Số trích dẫn/bài báo

10%

98,2

72,3

59,8

52,3

Tỷ lệ giảng viên quốc tế

2,5%

92,9

60,1

24,1

30,6

Tỷ lệ sinh viên quốc tế

2,5%

85,3

57,4

6,9

2,3

Số bài báo/giảng viên

5%

75,3

60,4

5,1

2,3

Số giảng viên có bằng tiến sĩ

5%

85,7

71,8

8,6

1

Tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi

2,5%

88,8

61,5

8,6

7,1

Tỷ lệ sinh viên quốc tế đến trao đổi

2,5%

87,3

60,7

60,5

23,3

Mạng lưới nghiên cứu quốc tế

10%

97,1

82,8

74,2

47,1

(Nguồn: Tổng hợp từ QS Asia University Rankings 2019, truy cập ngày 25/10/2018)


Hình 3: So sánh điểm số của đại học của Việt Nam với điểm trung bình top 10 và top 100 trường đại học châu Á năm 2018. (Nguồn: Tổng hợp từ QS Asia University Rankings 2019, truy cập ngày 25/10/2018)

Hình 3: So sánh điểm số của đại học của Việt Nam với điểm trung bình top 10 và top 100 trường đại học châu Á năm 2018. (Nguồn: Tổng hợp từ QS Asia University Rankings 2019, truy cập ngày 25/10/2018)

Kết luận và khuyến nghị

Qua các số liệu thống kê và phân tích ở trên có thể thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong giáo dục đại học, lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học vào top 1000 đại học hàng đầu thế giới và 7 đại học nằm trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á. Mặc dù vậy, các thứ hạng và các con số nêu ở đây chưa phải là bức tranh toàn cảnh thực trạng giáo dục của Việt Nam do nhiều đại học vẫn chưa đăng ký xếp hạng với QS nên chất lượng đào tạo tuy rất tốt nhưng chưa có tên trong Bảng xếp hạng. Do đó, các trường cần có kế hoạch sớm đăng ký xếp hạng QS để được đánh giá, từ đó Việt Nam sẽ có nhiều trường hơn trong bảng xếp hạng.

Bên cạnh đó, có thể thấy hai đại học quốc gia của Việt Nam lọt top 150 đại học hàng đầu châu Á đều là những đại học đa ngành, gồm nhiều trường thành viên. Nhiều trường đại học của Việt Nam có chất lượng đào tạo cao nhưng lại là các trường chỉ tập trung vào một ngành cụ thể như ngoại thương, kinh tế, luật, y, dược,… nên không thể có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế; do đó, một xu hướng trong tương lai là cần sắp xếp, hợp nhất các trường để trở thành các đại học đa ngành, gồm nhiều trường thành viên giống chuẩn đại học (university) quốc tế. Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng cần thành lập một tổ chức xếp hạng các trường đại học của Việt Nam, sử dụng ngay phương pháp luận của QS, để có thể định vị một cách chính xác vị trí của các trường đại học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các tiêu chí Đánh giá của học giả, Đánh giá của nhà tuyển dụng và Số trích dẫn/bài báo của hai đại học hàng đầu Việt Nam tương đối cao và liên tục tăng. Chỉ số Mạng lưới nghiên cứu quốc tế là chỉ số mới được QS đưa vào năm nay nhưng chỉ số này của Việt Nam tương đối cao, thậm chí chỉ số này của Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 60 trong Bảng xếp hạng, điều này cho thấy chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam ngày càng được nâng cao và được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ số Số bài báo/giảng viên của Việt Nam rất thấp và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thứ hạng đại học của Việt Nam chưa cao. Các trường đại học của Việt Nam cần chú trọng hơn vào việc công bố quốc tế.

Để làm tốt điều này, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như khả năng viết bài báo quốc tế là điều rất quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu công bố quốc tế của các trường đại học của Việt Nam bao gồm các bài báo công bố quốc tế và các tác giả có bài báo công bố quốc tế. Cơ sở dữ liệu này có thể được sử dụng làm một trong các tiêu chí xếp hạng các trường đại học của Việt Nam và cũng là nơi truy cập mở cho các giảng viên để nâng cao năng lực nghiên cứu và gia tăng công bố khoa học có chất lượng.

Một chỉ số nữa của Việt Nam còn rất thấp là tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi, cụ thể, chỉ số này của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạt 8,6 và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 7,1 so mới mức trung bình của top 10 đại học hàng đầu châu Á là 88,8 và mức trung bình của top 100 là 61,5. Do vậy, để Việt Nam có thứ hạng cao hơn ở tiêu chí này, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa và tạo điều kiện để có thể tăng số lượng sinh viên đi trao đổi, học tập tại các nước khác trên thế giới.

Tỷ lệ giảng viên quốc tế của Việt Nam cũng còn rất thấp. Tỷ lệ này của Đại học Quốc gia Hà Nội là 6,9; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 2,3 so với mức trung bình của top 10 đại học hàng đầu châu Á là 85,3 và top 100 là 57,4. Các trường đại học của Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến việc thu hút nhân tài, mời giảng viên nước ngoài đến trường thỉnh giảng, tham gia giảng dạy lâu dài.

Nhìn chung, với thành tích lần đầu tiên Việt Nam có hai đại học lọt top 1000 đại học hàng đầu thế giới và 7 đại học lọt top đại học hàng đầu châu Á, có thể thấy rằng Nghị quyết Số 29-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt đã được triển khai một cách hiệu quả và đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Mặc dù còn một số hạn chế làm cho thứ hạng của đại học Việt Nam trên trường quốc tế chưa được cao nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của các trường đại học, của đội ngũ giảng viên cũng như của người học, sự tham gia góp ý, hỗ trợ của người sử dụng lao động và các bên liên quan, giáo dục đại học của Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được những thành tích cao hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Delgado-Márquez (2011). “Internationalization of Higher Education: Theoretical and Empirical Investigation of Its Influence on University Institution Rankings”. In: “Globalisation and Internationalisation of Higher Education” Revista de Universidad y Sociedad del Conocimiento (RUSC). Vol. 8, No 2, 265-284. UOC.

2. http://www.shanghairanking.com/ARWU-Methodology-2018.html

3. World University Rankings 2018 methodology https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/methodology-world-university-rankings-2018

4. http://www.webometrics.info/en/Methodology

5. Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), QS World Ranking 2018: ĐHQGHN lần đầu tiên vào top 1000 thế giới, https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N22327/QS-World-Ranking-2018:-dHQGHN-lan-dau-tien-vao-top-1000-the-gioi.htm

6. https://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/2019

Tổng hợp bởi: Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngoại thương thực hiện Nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” thuộc Chương trình KHGD quốc gia, và Cục Thông tin KH&CN Quốc gia - Bộ KH&CN.