TPHCM:

Xây trường mầm non trong khu công nghiệp cho con công nhân

(Dân trí) - Tìm nơi gửi con sau thời gian nghỉ thai sản là nỗi lo lớn nhất của chị em công nhân TPHCM. Nhiều gia đình công nhân tạm trú tại TPHCM phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà chăm, hoặc nghỉ làm ở nhà trông con vì không thể tìm ra nơi gửi con.

Con công nhân “khát” trường học

“Khát” trường học là bức xúc lớn nhất mà các công nhân nữ tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM đã bày tỏ cùng lãnh đạo thành phố trong một buổi đối thoại đầu năm. Vấn đề này không mới nhưng là nỗi lo lắng lớn nhất của chị em công nhân mà các ban ngành chức năng loay hoay nhiều năm nay vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy trước đây làm công nhân ở Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân). Khi sinh con, chị về quê sống. Đầu năm 2013, khi con được 1 tuổi chị lên lại TPHCM, tính xin cho con đi học rồi tìm việc làm nhưng tìm mãi không có trường nào nhận vì các trường trên địa bàn chỉ ưu tiên cho các gia đình có hộ khẩu ở địa phương và trẻ 5 tuổi. Chị Thúy cho biết: “Gửi ở mấy nhóm trẻ thì mình không an tâm, đành thuê phòng mặt tiền để mở quán cà phê nhỏ, vừa bán hàng, vừa trông con”.

Khác với chị Thúy, chị Bích Ngà trước làm công nhân ở KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) nay ở nhà mở lớp trông trẻ. Chị cho biết: “Khi có đứa đầu em cũng gửi nó ở nhóm trẻ rồi đi làm. Nhưng khi có bé thứ 2 rồi thì em ở nhà trông con luôn. Gửi hai đứa đi nhóm trẻ vừa không an tâm, mà mỗi tháng cũng mất hơn 2 triệu đồng. Còn mình đi làm cũng chỉ được tầm 3 triệu đồng/tháng. Hiện ngoài 2 đứa con, em còn trông thêm 4 đứa con của mấy đứa bạn trong công ty cũ, mỗi tháng cũng được thêm 2 triệu”.

Xây trường mầm non trong khu công nghiệp cho con công nhân
Hầu hết con công nhân nhập cư phải học ở các trường tư thục, nhóm trẻ không phép hoặc phải về quê sống với ông bà.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện trường mầm non phục vụ trẻ em là con của công nhân tại các KCX-KCN là vấn đề bức xúc nhất của ngành. Bởi ở đây nhu cầu thì nhiều mà cơ sở thì hầu như không có. Hiện thành phố có hơn 260.000 lao động đang làm việc tại các KCN - KCX, trong đó 70% công nhân có con đang trong độ tuổi đến trường.

Ông Phạm Văn Mười - phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng thừa nhận vấn đề thiếu trường lớp xảy ra nhiều nhất ở nhóm công nhân tạm cư trên địa bàn quận. Ông cho biết: “Trong năm học 2012 - 2013, toàn thành phố xây dựng mới khoảng 3.000 lớp học thì riêng quận Bình Tân đã chiếm hết 1.000, đứng đầu thành phố. Nếu chỉ tính riêng cho dân cư của quận thì dư, nhưng cả lượng dân nhập cư làm công nhân trên địa bàn quận thì không đủ, nhất là ở cấp mầm non”.

“Mở” thủ tục để tăng tốc đầu tư xây trường

Theo Ban quản lý các KCX - KCN TPHCM, hiện TPHCM đã lên kế hoạch triển khai xây dựng trường mầm non ở cả 13 KCX-KCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, mỗi nơi thí điểm 1 trường. Kinh phí xây dựng sẽ huy động từ nhiều nguồn như: ngân sách TP và kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý hạ tầng tại KCX-KCN... 

Đối với những KCX-KCN hiện không còn quỹ đất, UBND TP đã chấp thuận cho lấy bớt phần đất trồng cây xanh, phần đất công viên trong KCX-KCN để xây trường. Ban đầu dự kiến trong năm 2012 sẽ hoàn tất những trường đầu tiên nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại phát sinh nhiều vướng mắc từ quy định, thủ tục.

Tính đến nay chỉ mới có KCN Hiệp Phước sử dụng tầng trệt của khu lưu trú công nhân để làm trường học và đưa vào sử dụng từ năm học 2012 - 2013. Nhưng trường này cũng chỉ đáp ứng được cho 100 trẻ, không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của con công nhân trong KCN.

Còn tại các KCX-KCN khác thì nhiều khu không còn đất để bố trí xây trường, phải sử dụng đất công viên – cây xanh, phải điều chỉnh quy hoạch; Có khu còn đất thì diện tích đất quá nhỏ, không đáp ứng đủ diện tích để xây trường; Có nơi đã xong thủ tục thì thiếu vốn xây dựng…

Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trường mầm non trong các KCX-KCN, UBND TPHCM phải chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các bước tiếp theo trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn đối với 3 dự án tại KCX Linh Trung 1 (Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân) mà không phải tuân theo quy trình bình thường.

Với cách giải quyết linh động trên, chủ đầu tư có thể hoàn tất các thủ tục trong thời gian chờ vốn. Khi có vốn rót vào, công trình có thể lập tức triển khai xây dựng, rút ngắn rất nhiều thời gian đầu tư xây dựng trường, giải tỏa phần nào vấn nạn “khát” trường của công nhân.

Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban thường trực Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM thì thành phố đang cố gắng hoàn thành những công trình đầu tiên để làm thí điểm, từ đó sẽ thống nhất phương án đầu tư và tiếp tục xây dựng trên diện rộng.

Tùng Nguyên