Xây dựng xã hội học tập là chiến lược đúng đắn giúp Việt Nam hội nhập ASEAN

(Dân trí) - Trong bối cảnh hội nhập ASEAN 2015, việc xây dựng xã hội học tập (XHHT) và cộng đồng học tập là chiến lược đúng đắn giúp Việt Nam hội nhập ASEAN thành công. Thông qua xây dựng khung chương trình trình độ quốc gia, XHHT thúc đẩy sự lưu chuyển tự do của chuyên gia, lao động có tay nghề, sinh viên học sinh trong khối ASEAN.

Đó là nhận định mà ông Lê Huy Lâm - Giám đốc Trung tâm SEAMEOCELLL tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo khu vực miền Nam “Xây dựng xã hội học tập - Từ tầm nhìn đến hành động” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam và UNESCO Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 16/12.

Xây dựng xã hội học tập là chiến lược đúng đắn giúp Việt Nam hội nhập ASEAN
Hội thảo “Xây dựng xã hội học tập - Từ tầm nhìn đến hành động” tổ chức tại TPHCM với nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Cũng theo ông Lâm, xã hội học tập (XHHT) huy động mọi nguồn lực cộng đồng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy tiến bộ xã hội qua việc đem lại cơ hội, công nhận kết quả học tập cho các nhóm đối tượng yếu thế và bị thiệt thòi.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: “Vào đầu năm 2015, những yêu cầu cụ thể về mẫu người công dân học tập sẽ được bàn bạc và xác định, nhưng chắc chắn rằng, đã là công dân học tập thì không thể là người lao động nghề về thu nhập cũng như nghèo về tri thức. Đồng thời, phải là những người lao động có nghề, có năng suất lao động cao, thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của hiến pháp và pháp luật”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” với 4 mục tiêu cơ bản. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của đề án, Bộ GD-ĐT đã phối hợp các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện, xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện đề án.

Theo TS Hùng, thực tế qua gần 2 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể đồng thời đối với đổi mới giáo dục phổ thông, mạng lưới giáo dục thường xuyên được củng cố và phát triển. Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc có hơn 20 triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng; gần 1 triệu học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ và 200.000 học viên được cấp chứng chỉ tin học; hơn 400.000 người tham gia học nghề ngắn hạn; hơn 22.000 người được học lớp xóa mù chữ trong đó hơn 15.000 người tiếp tục học lớp tiếp tục sau khi biết chữ.

Các đại biểu chọn các phương án đặc trung mong muốn của xã hội học tập.
Các đại biểu chọn các phương án đặc trung mong muốn của xã hội học tập.

Được biết, hội thảo có hơn 125 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo, Hội Khuyến học, Sở Giáo dục và Đào tạo của 20 tỉnh/thành phố khu vực miền Nam; Giám đốc Viện Hợp tác Quốc tế thuộc Hiệp hội Giáo dục người lớn của Đức khu vực Nam Á và Đông Nam Á và Tổng Giám đốc CISCO Việt Nam đại diện khu vực tư nhân.

Tiếp nối thành công của hội thảo quốc gia “Xây dựng xã hội học tập - Từ tầm nhìn đến hành động” được tổ chức vào cuối năm 2013 và hội thảo khu vực phía Bắc tại Phú Thọ vào tháng 10, Hội thảo này tiếp tục xác định các đặc trưng mong muốn của XHHT và công dân học tập cũng như các giải pháp chính để đạt được các đặc trưng đó sao cho phù hợp với bối cảnh và điều kiện đặc thù của các tỉnh/thành phố khu vực miền Nam.

Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp, cơ chế, phương hướng cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng XHHT ở địa phương.

Lê Phương

 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!