Vượt qua đại dịch, phát triển đào tạo đại học thích ứng với điều kiện mới

Kiều Phương

(Dân trí) - Ngày 29/10, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy năm 2021 với chủ đề "Phát triển đào tạo đại học thích ứng trong điều kiện hiện nay".

Tham dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo, cán bộ quản lý của 43 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 35 đơn vị là các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Trung tâm đào tạo bồi dưỡng trên cả nước.

Vượt qua đại dịch, phát triển đào tạo đại học thích ứng với điều kiện mới - 1
Hội nghị là diễn đàn quan trọng để Trường Đại học Mở Hà Nội và các đơn vị hợp tác, các trạm đào tạo từ xa tổng kết lại những việc đã làm được, những nhược điểm còn tồn tại để cùng lắng nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp tạo nên những bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục và mối quan hệ giữa Nhà trường với các đơn vị hợp tác.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây cũng chính là yêu cầu khách quan, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Vượt qua đại dịch, phát triển đào tạo đại học thích ứng với điều kiện mới - 2
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị.

Với thế mạnh nhiều năm trong đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chủ động, kịp thời có chương trình hành động cụ thể để thích ứng với tình hình mới, đồng thời thực hiện mục tiêu kép là bảo đảm an toàn phòng chống dịch và hoàn thành nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Tính đến tháng 10/2021, tổng số sinh viên tuyển sinh trong năm 2021 tăng hơn 9% so với năm 2020. Trong đó, quy mô tuyển sinh hệ từ xa trực tuyến tăng gần 18%. Đặc biệt, quy mô tuyển sinh hệ không chính quy năm 2021 tăng tại các tỉnh khu vực miền Bắc, riêng Hà Nội, quy mô tuyển sinh tăng 35%, nhiều nhất so với các tỉnh thành khác trên toàn quốc.

ThS. Dương Hoài Văn - Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý đào tạo, Đại học Mở Hà Nội trao đổi về một số điểm mới trong công tác đào tạo và tuyển sinh hệ không chính quy. Dựa trên tinh thần văn bản hóa các nội dung đào tạo trong một văn bản, Nhà trường đã ban hành và triển khai rộng rãi quy chế 4004.

Quy chế này quy định các hoạt động tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học các hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, từ xa. Điểm mới của quy chế này chủ yếu tập trung tại chương "Tổ chức thi và kiểm tra đánh giá".

Vượt qua đại dịch, phát triển đào tạo đại học thích ứng với điều kiện mới - 3
ThS. Dương Hoài Văn trao đổi về một số điểm mới trong công tác đào tạo và tuyển sinh hệ không chính quy.

Các đại biểu tham dự hội nghị được lắng nghe 6 tham luận và rất nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi của các nhà khoa học, quản lý và báo cáo viên; chủ yếu xoay quanh vấn đề phát triển và nâng cao đào tạo đại học thích ứng trong điều kiện dịch Covid-19.

Tại hội nghị, TS. Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ tin cậy cũng như những đóng góp lớn lao của các đơn vị hợp tác đào tạo trong sự nghiệp giáo dục của Nhà trường. Đồng thời, TS. Dương Thăng Long cũng khẳng định Trường đại học mở Hà Nội luôn kiên định với sứ mạng "Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt".

"Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng Trường Đại học Mở sẽ nỗ lực để tiếp tục sứ mạng của mình. Đó là mở ra điều kiện tiếp cận cho người học ở mọi trình độ, mọi lứa tuổi, vị trí việc làm, bất kể trong hay ngoài khu vực nhà nước.

Cùng với đó, trường tiếp tục mở về môi trường học tập với điều kiện ứng dụng tối đa và hiện đại hóa công nghệ; dựa trên cơ sở phối hợp với các nhà trường, trung tâm dạy học thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng… trên khắp cả nước để thực hiện tốt việc này.

Trường cũng mở về khả năng liên thông và chuyển đổi trong tổ chức đào tạo, tức là một người học có thể vào bất kỳ một thời điểm nào, đồng thời có thể thay đổi, thích ứng trong quá trình đào tạo đó.

Cuối cùng là mở về phương pháp dạy học để sao cho thực hiện được cá nhân hóa học tập. Nhà trường cũng mong muốn tìm đến một điểm chung về chất lượng đào tạo, tiêu chuẩn đầu ra, cho dù sự xuất phát điểm của người học ở các vị trí khác nhau".

Để kịp thời ghi nhận những cống hiến của các đơn vị hợp tác, trạm đào tạo từ xa, Nhà trường đã trao tặng bằng khen cho các đơn vị có những đóng góp và hoạt động tích cực trong năm học vừa qua.