Cần Thơ:

Vừa học vừa kết cườm giúp mẹ, vẫn đỗ thủ khoa

(Dân trí)-2 giờ học bài, 1 giờ ngồi kết cườm với mẹ, dù thời gian học phải san sẻ, cậu học trò Tô Nguyễn Phước Mai (HS Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ) vẫn đỗ thủ khoa ĐH Cần Thơ với tổng điểm 26,5 khối A. Mai còn đỗ á khoa trường này ở khối B.

Đạt điểm cao cả 2 khối A và B

Kỳ thi đại học 2013, Phước Mai đăng ký dự thi vào ngành Công nghệ Thực phẩm (khối A) và ngành Công nghệ Sinh học (khối B) của Trường ĐH Cần Thơ và đạt số điểm khá cao, khối A đạt 26,5, khối B đạt 26 điểm. Cậu học trò Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng hơi bất ngờ khi trở thành một trong bốn thủ khoa của Trường ĐH Cần Thơ.

Khi chúng tôi đến gặp các thầy cô Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, mọi người cùng chia sẻ niềm vui mừng trước kết quả thi của Phước Mai. Trong ba năm học tại lớp chuyên Hóa, Phước Mai là một học sinh chăm, ngoan, học giỏi, điểm tổng kết năm luôn trên 8,5.

Chúng tôi đến nhà Phước Mai đúng lúc em đang cặm cụi bên rổ cườm để làm những con vật nhỏ, như: gấu, thỏ, heo… làm quà lưu niệm, kiếm ít tiền phụ mẹ phụ mẹ rau, cá. Mai cho biết: “Em đã không dám tin khi nghe mẹ nói mình là thủ khoa Trường ĐH Cần Thơ. Khi thi xong, em cũng đã tính được điểm cho mình khoảng 25 điểm, em biết mình sẽ đậu nhưng không ngờ đến vị trí thủ khoa. Biết được tin này, mẹ em mừng vui đến không ngủ được”.
 
Phước Mai bên những con thú bằng hạt cườm do em làm ra.
Phước Mai bên những con thú bằng hạt cườm do em làm ra.

Không chỉ đỗ thủ khoa Trường ĐH Cần Thơ với 26,5 điểm ở khối A mà Mai còn được 26 điểm thi khối B, trong đó Toán 8,25; Hóa 9,25 và Sinh 8,5 điểm. Thế nên bây giờ em vẫn đang rất băn khoan giữa hai sự lựa chọn ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm.

Đến lúc hỏi ra “kinh nghiệm học tập” của Phước Mai mới giật mình bởi em mỗi ngày em ở nhà em chỉ dành khoảng 2 tiếng đồng hồ cho việc học, 1 giờ phụ mẹ kết cườm hoặc bán hàng. Theo Mai, khi trên lớp cần phải chú ý tập trung nghe, hiểu và nắm trọng tâm của môn học. Còn ở nhà chỉ là thời gian để cho mình luyện các dạng đề, đặc biệt phải luyện được đa dạng các mẫu đề trắc nghiệm để luyện tính chính xác thao tác, khi đó mình đã sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi làm bài thi”.
 
Phước Mai chia sẻ để học tốt, cần nắm được trọng tâm của bài học.
Phước Mai chia sẻ để học tốt, cần nắm được trọng tâm của bài học.

Cầm trên tay những con thú với màu sắc rực rỡ và tinh xảo, Mai cho hay: “Em luôn cân đối giữa học và chơi, bởi vậy sau giờ học, em lại ngồi kết cườm phụ mẹ em, việc này vừa giúp mình thư giãn, vừa kiếm thêm ít tiền rau, cá cho mẹ. Anh chị xem những con thú trong quầy hàng đều do em kết, nhưng em vẫn chưa thể nào kết được túi xách hay bình hoa như mẹ…”.

Nỗi lo trước mắt

Mấy ngày nay, cửa hàng cô Ngọc Trâm - mẹ của Phước Mai luôn tấp nập người đến chúc mừng em. Trong niềm vui khi biết con mình đậu thủ khoa, cô Trâm lại thở dài lo lắng khi nghĩ đến chuyện học hành của Phước Mai sắp tới. Cô Trâm tâm sự: “Cha cháu là thương binh 3/4 với nghề sửa xe lặt vặt nên chỉ hụ hợ được một ít trong chuyện cơm áo hàng ngày, còn tất cả các khoảng chi khác đều phụ thuộc vào cái shop nhỏ bé này (mua bán các mặt hàng túi xách, ví móc khóa… được kết bằng hạt cườm, pha lê)”.

Phước Mai còn có anh trai Ngọc Phan hiện đang học Đại học Cần Thơ năm thứ 4, ngành Quản lý đất đai, đang chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Thu nhập của gia đình cũng chỉ phụ thuộc vào của hàng kết cườm của mẹ, nhưng cũng rất vất vả. Trước đây, cô Trâm làm bên mặt trận ủy ban phường nhưng sau khi anh trai Mai đậu ĐH thì cô đành thôi việc để về tập trung lo cho hai anh em Phước Mai. "May mắn là 2 đứa con đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi và biết phụ giúp mẹ. Dù là con trai nhưng đứa nào cũng biết kết cườm, biết đảm đang việc nhà đỡ mẹ" - cô Trâm phấn khởi nói. 
 
Anh trai Phước Mai cũng phụ mẹ kết cườm.
Hàng ngày, Phước Mai dành 1 giờ để phụ mẹ kết cườm hoặc bán hàng.

Cô Trâm tâm sự: “Một chiếc túi cô làm cũng mất 2 ngày nhưng cũng chỉ lời được mấy chục ngàn, chủ yếu là nhờ bán nguyên liệu cườm mới có thể trang trải cho gia đình. Mỗi tháng cô phải trả 4 triệu đồng tiền thuê nhà, giờ còn lo cho 2 đứa học đại học không biết có lo nổi không, nhưng dù sao cô cũng ráng lo cho tụi nó học xong, chỉ mong các con sau này có việc làm ổn định”.

Nguyễn Hành - Lương Thủy